Trong đề án Đẩy mạnh xuất khẩu 2009-2010, Bộ Công Thương đã đề cập đến giải pháp triển khai thành lập Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Trong đề án Đẩy mạnh xuất khẩu 2009-2010, Bộ Công Thương đã đề cập đến giải pháp triển khai thành lập Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu: Khó xơi

(ĐTCK) Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều ngân hàng trên thế giới đã thực hiện chính sách thắt chặt tín dụng, điều này tác động mạnh đến thanh toán quốc tế, khiến cho các nhà nhập khẩu không có tiền trả cho doanh nghiệp ngay khi nhận hàng như trước đây. Muốn an toàn, tránh rơi vào cảnh khó khăn trước nguy cơ đối tác có thể "xù nợ", nhiều DN tìm đến dịch vụ bảo hiểm cho các loại rủi ro mà nhà xuất khẩu có thể gặp phải, song hình thức này lại chưa được áp dụng tại Việt Nam.

Kém mặn mà

CTCP Thuỷ sản Minh Phú (MPC) từng liên hệ với Bảo Việt để "tham vấn" về dịch vụ bảo hiểm thanh toán xuất khẩu nhưng câu trả lời là "chưa thể triển khai". Ông Lê Văn Điệp, Phó tổng giám đốc MPC cho biết, hiện nay hình thức bảo hiểm chủ yếu cho các hợp đồng xuất khẩu tôm là bảo hiểm hàng hóa, có nghĩa trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến nơi giao hàng, nếu có rủi ro nào đó liên quan đến hàng hóa, Minh Phú sẽ được đền bù tổn thất. Trường hợp nhà nhập khẩu là khách hàng mới, yêu cầu thanh toán bằng phương thức trả sau, doanh nghiệp VN chưa có thông tin đầy đủ về khách hàng, muốn bảo hiểm thanh toán, phòng trường hợp xấu, tại VN chưa có công ty bảo hiểm nào triển khai loại hình sản phẩm này. Giải thích lý do chưa thể triển khai bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bộ phận Bảo hiểm hàng hóa Bảo Việt Hà Nội cho biết, triển khai nghiệp vụ này rất phức tạp, bởi nhà cung cấp dịch vụ phải có năng lực, mạng lưới, mối quan hệ để thẩm định khách hàng nước ngoài, đồng thời phải thu xếp được nhà tái bảo hiểm. 

Công ty bảo hiểm kém mặn mà, song các ngân hàng đã nhìn thấy nguồn lợi từ loại hình này. Hình thức bảo hiểm rủi ro thanh toán hiện được một số ngân hàng triển khai với tên gọi nôm na dịch vụ "bao thanh toán", mức phí khoảng 0,1% giá trị hợp đồng. Sử dụng dịch vụ này, doanh nghiệp xuất khẩu ký hợp đồng với ngân hàng, ngân hàng chịu trách nhiệm kiểm tra đối tác nước ngoài của nhà xuất khẩu, đôn đốc và chịu trách nhiệm thu số tiền nhà nhập khẩu phải trả. Bao thanh toán được sử dụng chủ yếu khi doanh nghiệp có khách hàng mới và thiếu thông tin chắc chắn về khả năng tài chính của những đối tác này. Song như đã đề cập, ngân hàng phải có mối quan hệ rộng, có mạng lưới để kiểm tra thông tin, khả năng thanh toán của nhà nhập khẩu nước ngoài, trường hợp nhà nhập khẩu ngoài vùng phủ sóng, ngân hàng cũng không dám "bao".

Một dạng na ná với bảo hiểm tín dụng xuất khẩu khác đang được Hiệp hội Cao su Việt Nam thực hiện. Tháng 12/2006, trước tình hình giá cả thường xuyên biến động lớn, nhằm giúp hội viên giảm thiểu rủi ro về giá, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cao su. Mục đích của Quỹ là khắc phục và hạn chế rủi ro trong xuất khẩu cao su do thay đổi giá, thị trường mới chưa ổn định, rủi ro trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Quỹ còn hỗ trợ cho hội viên vay trung và ngắn hạn để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu cao su, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện nay, do giá cả thuận lợi nên Quỹ chưa sử dụng cho trường hợp rủi ro về giá, mà chủ yếu hỗ trợ Hội viên chịu rủi ro do thiên tai làm hư hại vườn cây, gây ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu. Ông Trần Bình Luận, Giám đốc Quỹ cho biết, nguồn thu của Quỹ do hội viên tự nguyện đóng góp, năm 2008 mức thu  là 1% doanh thu cao su khai thác xuất khẩu (tính trên giá FOB) và 0,2% doanh thu đối với thu mua cao su xuất khẩu. Năm 2007, Quỹ đã thu được 50 tỷ đồng và năm 2008 là 60 tỷ đồng. Năm 2009, trước tình hình khó khăn trên thị trường thế giới, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam đã quyết định miễn phí 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm sẽ thu 0,5% trên doanh thu cao su khai thác xuất khẩu, không thu phí đối với doanh nghiệp thu mua cao su để xuất khẩu.

Mô hình trên tỏ ra khá hiệu quả, song không phải doanh nghiệp nào cũng hào hứng tham gia. Hiện ngành cao su có khoảng 100 doanh nghiệp xuất khẩu, song mới chỉ có 21 doanh nghiệp tham gia đóng góp Quỹ, trong đó phần lớn là những doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam (Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam - PV).

Nhà nước vào cuộc

Hiện bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phát triển mạnh tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Ông Lê Văn Điệp cho biết, dù mức phí rất cao, song công ty con của MPC tại Mỹ là Mseafood đã phải sử dụng dịch vụ bảo hiểm thanh toán trong một số thương vụ với khách hàng mới để đảm bảo tối đa mức an toàn. Cũng có trường hợp, MPC đã từ chối đơn hàng vì khách hàng mới không chứng minh được khả năng thanh toán. Trong thời điểm Nhà nước khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới như hiện nay, nên sớm đưa bảo hiểm tín dụng vào hỗ trợ các doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo các quy định pháp luật hiện hành thì bảo hiểm tín dụng xuất khẩu là 1 trong 7 nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được chủ động trong việc triển khai sản; chỉ cần đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm với Bộ Tài chính trước khi áp dụng . Tuy nhiên, với những khó khăn đã đề cập, các công ty bảo hiểm với trách nhiệm của mình không thể hoặc không muốn cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, do vậy nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết lập một cơ quan được Nhà nước bảo trợ, có phạm vi hoạt động ở tầm quốc gia và mang tính bổ trợ doanh nghiệp. Tổ chức cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu phải có kỹ năng chuyên môn cao, sử dụng công nghệ tiên tiến để tiếp cận hệ thống thông tin kinh doanh, tài chính minh bạch và tin cậy. Ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, các tổ chức cung cấp bảo hiểm tín dụng xuất khẩu còn cung cấp dịch vụ gia tăng như cập nhật thông tin doanh nghiệp theo các nhóm ngành hàng của từng quốc gia, phân tích rủi ro quốc gia...

Trong đề án Đẩy mạnh xuất khẩu 2009-2010, Bộ Công Thương cũng đã đề cập đến giải pháp nhanh chóng triển khai thành lập Công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Theo Bộ Công Thương, hình thức bảo hiểm xuất khẩu (hỗ trợ của Chính phủ) được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển, trong khi thực tiễn kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều rủi ro. Do vậy, áp dụng biện pháp bảo hiểm xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh xuất khẩu là cần thiết và phù hợp với các quy định của WTO. (Các hình thức hỗ trợ xuất khẩu tại Việt Nam những năm qua chủ yếu là hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm, mang tính bao cấp, không phù hợp với các quy định của WTO). Bản dự thảo mô hình công ty này đang được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hoàn tất sau khi tham khảo kinh nghiệm tại nhiều nước trong khu vực, trong đó có Hàn Quốc. Công ty Bảo hiểm xuất khẩu Hàn Quốc (KEIC - Korea Export Insurance Corporation) là doanh nghiệp nhà nước, cung cấp các dịch vụ bảo hiểm tín dụng xuất khẩu tại Hàn Quốc. Hiện KEIC có các hình thức bảo hiểm rất đa dạng, như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu ngắn hạn, bảo lãnh ngân hàng tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng, bảo hiểm thanh toán xuất khẩu nông thủy sản, bảo hiểm xúc tiến thị trường nước ngoài, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu trung và dài hạn, bảo hiểm đầu tư nước ngoài, bảo hiểm rủi ro ngoại hối…