“Bảo hiểm trực tuyến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân”

“Bảo hiểm trực tuyến sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM nhận định, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thị trường bảo hiểm công nghệ thời gian tới có thể sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân, nhất là khi mô hình bán bảo hiểm trực tuyến đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 67/2023/TT-BTC.

Công nghệ đang phát triển nhanh, ông có nhận định như thế nào về xu hướng phát triển công nghệ bảo hiểm?

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ.

Các công ty trung gian đóng vai trò kết nối, bao gồm các công ty chuyên về công nghệ, môi giới, đại lý có tiềm năng phát triển thông qua kết nối với các công ty gốc.

Sự chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang công nghệ là tất yếu, giúp tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra sự thuận tiện và lựa chọn đa dạng về sản phẩm bảo hiểm cũng như quá trình thanh toán và bồi thường cho khách hàng, đại lý bảo hiểm quản lý đơn giản hơn và khai thác được nhiều khách hàng hơn, các sản phẩm sẽ đa dạng và tối ưu hơn từ công ty gốc đến các kênh phân phối.

Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đang triển khai bảo hiểm số và có những thành quả bước đầu. Ở Việt Nam, không ít đơn vị cũng đang triển khai các giải pháp bảo hiểm số. Tiềm năng của thị trường này rất lớn, có thể sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tới.

Ông có thể nói cụ thể hơn về khả năng phát triển của bảo hiểm số, nhất là khi mô hình bán bảo hiểm trực tuyến đã được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 67/2023/TT-BTC?

Quy mô thị trường bảo hiểm công nghệ được dự báo tăng từ 5,45 tỷ USD năm 2022 lên 152,43 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ với việc tích hợp công nghệ số vào mọi kthía cạnh của cuộc sống. Từ Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân đều dần quen thuộc với việc sử dụng công nghệ số trong đời sống hàng ngày, kinh doanh, mua sắm, thủ tục hành chính...

Các doanh nghiệp ở Việt Nam đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số và các doanh nghiệp bảo hiểm không nằm ngoài xu hướng đó. Mặc dù chuyển đổi số trên thị trường bảo hiểm mới ở giai đoạn đầu, trong tương lai có thể có những công nghệ mới xuất hiện, nhưng sau khi hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện, đưa ra các quy định về nguyên tắc, các quy định chi tiết về công nghệ, bảo hiểm số sẽ có điều kiện để phát triển nhanh.

Tôi cho rằng, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thị trường bảo hiểm công nghệ (Insurtech) có khả năng tăng trưởng theo cấp số nhân, chứ không như thị trường truyền thống.

Insurtech là việc tích hợp công nghệ vào các khía cạnh như phân phối, quản lý và thiết kế sản phẩm bảo hiểm. Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng của thị trường Insurtech có thể đạt 25% trong những năm tới. Quy mô thị trường dự kiến tăng từ 5,45 tỷ USD năm 2022 lên 152,43 tỷ USD vào năm 2030.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2023 ước tính có mức tăng trưởng thấp (khoảng 2%), nhưng theo số liệu sơ bộ ở các công ty Insurtech, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ kênh trực tuyến có thể đạt 30%. Điều này cho thấy, “miếng bánh” doanh thu đang dịch chuyển dần từ mảng truyền thống sang mảng công nghệ.

Nhờ lợi thế nào từ các công ty bảo hiểm công nghệ mà “miếng bánh” doanh thu dịch chuyển dần từ mảng truyền thống sang mảng công nghệ?

Các công ty bảo hiểm công nghệ có nhiều lợi thế so với các đối thủ truyền thống, nổi bật là tính minh bạch cao, kiểm soát tự động thông qua phần mềm. Từ việc quản lý đơn, theo dõi phí đến quá trình bồi thường, mọi hoạt động đều được thực hiện một cách minh bạch và nhanh chóng. Các dữ liệu được cập nhật ngay lập tức, từ việc cấp đơn, thanh toán phí đến quy trình bồi thường, đều có thể tự động hoá. Các công ty này có khả năng bán các sản phẩm nhỏ lẻ và khai thác những lĩnh vực truyền thống mà trước đây chưa được chú trọng khai thác.

Với sự không giới hạn trong quy mô địa lý (bán rộng khắp cả nước và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng), khả năng quản lý dễ dàng (với các quy trình tự động chỉ cần một thao tác trên hệ thống), các công ty công nghệ bảo hiểm đang tận dụng những lợi thế này để mở rộng thị trường và thu hút khách hàng.

Ông dự báo các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm nào có khả năng thu hút khách hàng nhất?

Sự tích hợp công nghệ vào lĩnh vực bảo hiểm đang thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển đổi của các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm. Nhiều sản phẩm mới được ra mắt để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, các sản phẩm truyền thống cũng được cập nhật về công nghệ và thu hút sự quan tâm của khách hàng, do mang lại nhiều lợi ích hơn so với phương thức phân phối truyền thống như thời gian cung ứng sản phẩm nhanh hơn, đơn giản hơn, chi phí thấp hơn.

Các doanh nghiệp bảo hiểm khi áp dụng công nghệ sẽ quản lý được khách hàng thuận tiện hơn, đưa ra quyết định chính xác hơn do có nguồn dữ liệu lớn. Phí bảo hiểm phụ thuộc chủ yếu vào mức độ rủi ro và tần suất xuất hiện rủi ro. Việc có dữ liệu chi tiết từ quá trình khai thác đến quy trình bồi thường giúp các công ty bảo hiểm quản lý và tính toán rủi ro một cách chính xác và hiệu quả.

Nhờ công nghệ, chi phí được tiết giảm, công ty công nghệ bảo hiểm có thể “năng nhặt chặt bị” với các sản phẩm nhỏ lẻ?

Đúng vậy. Trước đây, khi chưa ứng dụng công nghệ vào bảo hiểm, hệ thống còn chạy bằng “cơm” theo cách gọi vui của dân bảo hiểm công nghệ, rất nhiều nghiệp vụ bảo hiểm không thể phát triển mạnh mẽ, hoặc không được chú trọng đến. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí duy trì bộ máy backend (dữ liệu và cơ sở hạ tầng) quá lớn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, tất cả các giao dịch dù mang lại doanh thu nhỏ đến mấy đều có thể phát triển một cách hiệu quả.

Có thể lấy ví dụ về chi phí chuyển phát nhanh. Với những đơn bảo hiểm nhỏ, chi phí chuyển phát nhanh có thể cao hơn hoa hồng mà đại lý nhận được, gây khó khăn cho các công ty đại lý trong quá trình phân phối sản phẩm. Khi có đơn bảo hiểm điện tử, chi phí chuyển phát gần như bằng không, giúp loại bỏ một rào cản lớn.

Trong xu thế này, IBAOHIEM tích cực áp dụng công nghệ vào quy trình tìm kiếm, tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng sau khi bán để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Công ty đang phát triển các nền tảng như Affiliate, CRM, hệ thống quản lý và chăm sóc khách hàng, cũng như phát triển các API cho những sản phẩm trọng tâm và nền tảng Web-App đồng thương hiệu cho đối tác, khách hàng. Chi tiết xem tại website: www.insurlink.vn.

Bên cạnh những lợi thế, các công ty công nghệ chắc hẳn cũng không tránh khỏi có những “điểm trừ”?

Hạn chế lớn nhất là tiềm lực về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm, đặc biệt khi các công ty này là những đơn vị tiên phong, phải đối mặt với những thách thức và “mò đường” để phát triển.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm: xây dựng, thiết kế sản phẩm bảo hiểm, đánh giá rủi ro, thẩm định, giao kết hợp đồng, quản lý hợp đồng, giám định tổn thất, giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm; quản trị doanh nghiệp và phương thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm; hiện đại hóa công tác thống kê, báo cáo; cắt giảm thủ tục hành chính; xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý, giám sát, phân tích, dự báo về thị trường bảo hiểm và phòng, chống gian lận bảo hiểm.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về giao dịch điện tử, công nghệ thông tin, an ninh mạng, phòng, chống rửa tiền và quy định khác của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định những vấn đề mới phát sinh liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Tin bài liên quan