Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 công ty bảo hiểm

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 6 công ty bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo kế hoạch thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp nhóm này, trong đó có 4 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 2 công ty bảo hiểm nhân thọ.

Tại họp báo thường kỳ quý IV/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 19/1, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính - cho biết, kế hoạch thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2023 dự kiến sẽ kết thúc trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

"Đoàn thanh tra đã hoàn thành kết luận thanh tra. Sau khi ban hành kết luận thanh tra, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm sẽ công bố thông tin đầy đủ", ông Tuấn cho biết.

Trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm, theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội. Theo đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV hồi tháng 6/2023 , Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Trước đó, ngày 30/6, Bộ Tài chính công bố kết luận thanh tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo hiểm tại 4 công ty bảo hiểm nhân thọ là Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas.

Theo ông Tuấn, về chuyên môn, cơ bản các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bảo hiểm này cũng mắc hàng loạt sai phạm về tài chính, gồm chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục bán sản phẩm bảo hiểm, chưa đảm bảo chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm.

Đặc biệt, nhân viên ngân hàng và đại lý bảo hiểm chưa thực hiện đúng quy định về sử dụng mã số đại lý bảo hiểm.

Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính thông tin tại buổi họp báo chiều 19/1 (Ảnh: M.Minh)

Ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính thông tin tại buổi họp báo chiều 19/1 (Ảnh: M.Minh)

Từ đó, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định. Prudential phải bổ sung là 700 tỷ đồng, Sun Life bổ sung hơn 600 tỷ đồng, BIDV Metlife bổ sung 174 tỷ đồng và MB Ageas bổ sung 2,5 tỷ đồng.

Khi được hỏi về kế hoạch thanh tra năm 2024, ông Tuấn cho biết, ngày 27/11/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ. Đoàn thanh tra sẽ thực hiện thanh tra theo kế hoạch được thông qua.

Có ý kiến gửi tới Bộ Tài chính, đề nghị cho biết, ngoài chức năng thanh kiểm tra, Bộ Tài chính có biện pháp gì nâng cao hiệu quả quản lý lĩnh vực bảo hiểm liên kết với ngân hàng, liên quan đến quy định này trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua ngày 18/1.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tại Luật Các tổ chức tín dụng mới có quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.

"Quy định như vậy theo tôi sẽ giải quyết được những vấn đề của bảo hiểm liên kết thời gian qua", Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo - ẢNh: M.M

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì buổi họp báo - ẢNh: M.M

Trước đó, tại phiên thảo luận hội trường chiều 15/1, kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khoá XV, về Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về vấn đề ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lần thứ ba ông bảo vệ quan điểm cần cấm ngân hàng thương mại bán bảo hiểm vì theo ông, sau những hệ lụy đã xảy ra, hiện nay hậu quả vẫn còn dai dẳng.

Theo vị đại biểu, khi ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm thì buộc nhân viên ngân hàng phải bằng mọi cách vận động khách hàng vay tiền phải mua bằng được bảo hiểm, không bán được thì gặp khó khăn, bị giảm chỉ tiêu thi đua. Điều này dẫn đến việc chèo kéo, chèn ép khách, gây ra nhiều hệ luỵ.

Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu quan điểm, việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, uy tín được tích lũy để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận.

Ông Thịnh đề nghị, nếu việc cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại không được thực hiện thì Luật Các tổ chức tín dụng cần bổ sung một điều giao Chính phủ ban hành quy định việc kinh doanh các sản phẩm bảo hiểm mà các tổ chức tín dụng làm đại lý.

"Điều này để đảm bảo công khai, minh bạch, bảo vệ quyền của khách hàng vay vốn cũng như gửi tiết kiệm tại ngân hàng; đồng thời tốt cho hình ảnh của ngân hàng thương mại và đặc biệt nghề kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nghề đòi hỏi đạo đức và tính nhân văn hơn rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác", ông Thịnh nói.

Tin bài liên quan