Lĩnh vực bảo hiểm được ví như “tấm lá chắn” của nền kinh tế

Lĩnh vực bảo hiểm được ví như “tấm lá chắn” của nền kinh tế

Cảnh bảo sớm chuyện mất niềm tin vào bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có nhiều ý kiến lo ngại những sự cố như đang diễn ra trên kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng khiến niềm tin vào bảo hiểm sụt giảm, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm, thậm chí là cả nền kinh tế. Quan điểm có thể nâng cao, nhưng cảnh báo là không thừa!

Niềm tin vào bảo hiểm đang xuống thấp

Báo cáo lên Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Bảo hiểm đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ sung nguồn vốn lớn mỗi năm cho nền kinh tế, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và bảo vệ cho hàng chục triệu người dân tham gia bảo hiểm, đồng thời góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai và thúc đẩy hội nhập, hợp tác quốc tế...

Ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần TC Advisors - người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm bày tỏ lo ngại rằng, nếu các sự cố như đang diễn ra tại kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nói riêng, kênh phân phối bảo hiểm nói chung không sớm được ngăn chặn sẽ khiến người dân suy giảm niềm tin vào bảo hiểm, điều này chắc chắn ảnh hưởng tới thị trường bảo hiểm và rộng hơn là nền kinh tế.

“Thị trường bảo hiểm lâu nay vẫn được xem là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của thị trường tài chính, cùng với ngân hàng và thị trường chứng khoán, có vai trò huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, khi lòng tin của người dân bị suy giảm thì ngành bảo hiểm khó có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu phí 15% trong năm 2023 như đã đề ra”, ông Phương nói và chia sẻ thêm, doanh thu lĩnh vực bancassurance trong năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc suy giảm niềm tin, qua đó có thể làm chậm lại tăng trưởng của các kênh bán bảo hiểm khác.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng hiện chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.

Năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 68.201 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng.

Cũng trong năm qua, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng vốn điều lệ thêm 8.935 tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của khối này ước đạt 645.034 tỷ đồng, tăng 10,61% so với năm 2021.

Theo đại diện TILA Finance, bảo hiểm nhân thọ là kênh huy động vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế rất hiệu quả, ổn định, thậm chí còn hơn mô hình quỹ tiết kiệm mà ngân hàng đang triển khai. Vì thế, việc suy giảm niềm tin vào kênh này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Khi nền kinh tế thiếu nguồn vốn dài hạn sẽ làm chi phí sử dụng vốn tăng lên, các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận cũng như huy động vốn. Từ số liệu tổng doanh thu phí lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ghi nhận trong các năm và với đà tăng trưởng ổn định của lĩnh vực này, các nhà hoạch định chính sách có thêm cơ sở để đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế.

“Thông thường, việc huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI) một phần được thực hiện trên thị trường chứng khoán. Khi nhà đầu tư giảm niềm tin vào các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng sẽ khiến mãi lực chứng khoán ngành bảo hiểm nhân thọ yếu đi, dẫn đến thu hút vốn FDI vào thị trường bảo hiểm bị ảnh hưởng”, vị đại diện trên phân tích.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý

Bảo hiểm đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bổ sung nguồn vốn lớn mỗi năm cho nền kinh tế, bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và bảo vệ cho hàng chục triệu người dân tham gia bảo hiểm…

Nhiều quan điểm cho rằng, bảo hiểm là một sản phẩm tài chính, nên sự tin cậy của công chúng là yếu tố vô cùng quan trọng. Một khi để những thông tin không tích cực liên tục diễn ra thì sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người tham gia bảo hiểm, dẫn đến sự e ngại tiêu dùng bảo hiểm, từ đó có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước do giảm tăng trưởng số lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm cũng như mở rộng các kênh phân phối.

“Theo quan sát của tôi, chưa bao giờ niềm tin đối với bảo hiểm lại xuống thấp như thời gian gần đây và điều này tất yếu ảnh hưởng tới doanh nghiệp, tới thị trường bảo hiểm. Những sự cố tại kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng cũng sẽ khiến cơ quan quản lý siết chặt hơn các kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm, vì thế doanh thu sẽ khó có thể tăng trưởng theo chiều rộng dễ dàng như trước nữa”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm lớn cho hay.

Ở góc nhìn cởi mở hơn, có ý kiến cho rằng, khi những sự cố không mong muốn liên tục diễn ra cũng là lúc các doanh nghiệp phải nhìn lại chiến lược kinh doanh của mình, cân nhắc lại các hình thức hợp tác đại lý theo hướng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn, hướng tới khách hàng nhiều hơn.

CEO một công ty bảo hiểm nhân thọ nói rằng, việc niềm tin vào bảo hiểm giảm sút sẽ không ảnh hưởng nhiều tới đến nền kinh tế vì các ngân hàng cũng như công ty bảo hiểm đã và đang có những giải pháp cụ thể để cải thiện tình hình.

“Việc khách hàng mua bảo hiểm mà không biết là mình mua chỉ là những trường hợp cá biệt, chứ không phải số đông và để ngăn chặn điều này cũng không khó. Sắp tới, theo yêu cầu của Luật Kinh doanh bảo hiểm mới cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy trình bán hàng sẽ phải điều chỉnh lại và khi đó, tình trạng này sẽ được giảm thiểu. Nếu thực sự có chuyện khách hàng bị ép mua bảo hiểm thì đây là vấn đề cả công ty bảo hiểm lẫn ngân hàng phải lưu tâm giải quyết”, vị CEO này nêu quan điểm.

Cũng có ý kiến đánh giá, thời điểm này chưa thể đo lường chính xác mức độ ảnh hưởng về doanh thu, nhưng khi uy tín sụt giảm thì việc phát triển kinh doanh sẽ càng khó hơn. Mặt khác, trên thực tế, các ngân hàng được chọn làm đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm thường là các ngân hàng lớn, có mạng lưới phủ rộng. Bởi vậy, việc duy trì mối quan hệ bền chặt giữa công ty bảo hiểm và ngân hàng là điều cần thiết, góp phần giúp thị trường tài chính phát triển ổn định hơn.

Nói cách khác, nếu mối quan hệ bảo hiểm - ngân hàng bất ổn có thể gây xáo trộn thị trường tài chính, dẫn đến sự suy yếu của cả nền kinh tế. Từ đây, cũng đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý đối với hoạt động bancassurance trong vai trò là giúp duy trì sự phát triển ổn định cho thị trường bảo hiểm - ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định, lành mạnh của thị trường tài chính.

Dưới góc độ là cơ quan chủ quản, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để bổ sung các quy định phù hợp vào dự thảo Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nhằm đảm bảo không để phát sinh bất cập trong việc cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Vị này chia sẻ thêm, tại Mỹ, việc kiểm tra hoạt động trên thị trường bảo hiểm (market conduct examination) của cơ quan quản lý được thực hiện định kỳ hoặc khi có khiếu nại, khiếu kiện đối với doanh nghiệp bảo hiểm. Quá trình kiểm tra được tiến hành đồng bộ từ việc cấp giấy phép cho đại lý, khiếu nại, bán hàng… đến đánh giá rủi ro, chi trả bồi thường và các nội dung khác liên quan khác.

Tin bài liên quan