Cho vay mua nhà khó bật tăng vì tiền mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và dự án trên giấy

0:00 / 0:00
0:00
Giá nhà không giảm, một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành là nguyên nhân khiến cho vay mua nhà chưa thể bật tăng mạnh trong năm 2024.
Cho vay mua nhà khó bật tăng vì tiền mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và dự án trên giấy

Lợi nhuận năm 2024 phục hồi

Nhận định về triển vọng năm 2024, SSI Research cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với năm 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.

Tín dụng năm 2024 được kỳ vọng tăng 14% nhờ lãi suất cho vay giảm. Dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất và FDI các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ). Ngoài ra, các chủ đầu tư bất động sản có nhu cầu vay tái cấp vốn cho các lô trái phiếu đến hạn năm 2024 với tổng giá trị khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương 20% dư nợ tín dụng cho chủ đầu tư bất động sản trong năm 2023). Đây cũng có thể là một động lực quan trọng của tăng trưởng tín dụng năm 2024, trừ trường hợp cơ quan quản lý tiếp tục thanh tra và kiểm soát nghiêm ngặt các khoản cấp tín dụng chéo đối với các bên liên quan và các công ty vệ tinh.

Trong năm 2024, chuyên gia phân tích cho rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất huy động bình quân trong năm 2024 dự kiến sẽ không có chênh lệch quá lớn so với mức hiện tại. Dự báo NIM sẽ phục hồi 9 điểm cơ bản lên mức 3,75% cho các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu.

Tăng trưởng thu nhập ròng ngoài lãi (Non-NII) ổn định ở mức 7% so với cùng kỳ. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ làm USD không còn mạnh như năm 2023 và chênh lệch lãi suất VND và USD trên thị trường liên ngân hàng có thể thu hẹp, dẫn đến lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối có thể không lớn.

Tuy nhiên, thu nhập từ phí dịch vụ dự kiến sẽ tăng trở lại 17% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ các hoạt động tài trợ thương mại, hoạt động thanh toán và dịch vụ thẻ. Đối với bancassurance, doanh thu khai thác mới (NBP) có thể đã chạm đáy trong quý III/2023 song tốc độ phục hồi sẽ diễn ra chậm và phụ thuộc vào sự phục hồi thu nhập cá nhân cũng như niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm bảo hiểm. Vấn đề niềm tin cần nhiều thời gian cũng như các nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm nâng cao tính minh bạch của thị trường và giảm thiểu các hoạt động bán/tư vấn sai các sản phẩm bảo hiểm.

Tiền mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và nhiều dự ánbất động sản

Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% trong năm 2023, song chuyên gia phân tích SSI không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 vì giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023.

Quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.

“Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm có BIDV và VietinBank, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác”, chuyên gia phân tích SSI nhận định.

Nợ xấu nhiều ngân hàng nhỏ không đúng thực tế

Theo báo cáo phân tích của SSI, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Trong năm 2024, chuyên gia phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với các biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ nếu cần thiết) cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống. Không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 22/2023) và các tỷ lệ an toàn khác.

Đặc biệt, báo cáo SSI cho rằng, một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5.3% của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu.

“Xem xét kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, chúng tôi nhận thấy 65% nguồn xử lý nợ xấu sẽ đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng. Do đó, chúng tôi kỳ vọng hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, VCB, CTG, BID…) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại”, báo cáo nhận định.

Tin bài liên quan