Trao quyền chủ động ra sản phẩm cho nhà bảo hiểm là cần thiết. Ảnh: Dũng Minh

Trao quyền chủ động ra sản phẩm cho nhà bảo hiểm là cần thiết. Ảnh: Dũng Minh

Cơ hội bùng nổ các sản phẩm bảo hiểm “độc, lạ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc cho phép công ty bảo hiểm được chủ động thiết kế, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản phẩm sẽ mang lại cơ hội bùng nổ các sản phẩm bảo hiểm “độc, lạ” như bảo hiểm theo dặm, bảo hiểm cho tài xế công nghệ, thậm chí là bảo hiểm cho dân nhậu… như nhiều nước đang triển khai.

Nhu cầu thiết thực

Tại Việt Nam, chưa có nhiều sản phẩm bảo hiểm được phát triển trên nền tảng công nghệ. Pháp lý về kinh doanh bảo hiểm hiện chưa có quy định nhằm khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh bảo hiểm. Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe đều phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai, nên đã gây ra những khó khăn. Bởi vậy, khi Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được thông qua (có hiệu lực từ tháng 7/2023) sẽ trao thế chủ động cho các công ty bảo hiểm, giúp linh hoạt trong việc cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Theo bà Nguyễn Ngọc Thanh, Tổng giám đốc F.I.S Vietnam, trong nền kinh tế chia sẻ, bảo hiểm luôn dựa trên nhu cầu và dựa vào thời điểm sử dụng, khi cho phép nhà bảo hiểm được tự thiết kế sản phẩm thì sẽ có cơ hội bùng nổ những sản phẩm bảo hiểm đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.

Lúc đó, sẽ có những sản phẩm bảo hiểm được phát triển dựa trên thông tin người dùng, được thiết kế dựa trên dữ liệu của khách hàng như dữ liệu về xe cộ, nhà cửa và các thiết bị đeo tay. Ví dụ điển hình là bảo hiểm xe cơ giới có mức phí bảo hiểm dựa trên lịch sử lái xe an toàn, thói quen lái xe. Dữ liệu mà nhà bảo hiểm sử dụng như bảo hiểm xe cộ sẽ là cơ sở để định phí bảo hiểm và khách hàng cần nhận biết việc này. Định giá rủi ro có thể thiết kế phù hợp với nhu cầu, mức độ rủi ro của mỗi khách hàng và ảnh hưởng đến phí bảo hiểm, dự phòng nghiệp vụ của nhà bảo hiểm.

Ngoài ra, cũng sẽ có những sản phẩm dựa theo nhu cầu sử dụng, mang tính “cá nhân hóa” của khách hàng, thậm chí mang tính tạm thời, chỉ bảo hiểm trong thời gian ngắn, có thể kích hoạt bất kỳ khi nào khách hàng muốn, chẳng hạn chỉ bảo hiểm xe khi sử dụng.

Trước đó, Báo Đầu tư Chứng khoán từng đưa tin về đề xuất bảo hiểm xe theo quãng đường sử dụng thực tế, nhưng đến nay sản phẩm này chưa triển khai do thiếu cơ sở pháp lý. Bởi với quy định hiện hành, các sản phẩm bảo hiểm chỉ được thiết kế theo khuôn mẫu có sẵn, chưa được “cá nhân hóa” theo yêu cầu khách hàng, cũng chưa xuất hiện các sản phẩm bảo hiểm theo gói đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng. Vì thế, việc trao quyền cho nhà bảo hiểm được chủ động thiết kế sản phẩm theo nhu cầu thị trường là rất cần thiết.

Ghi nhận từ các công ty bảo hiểm cho thấy, ngay cả một thay đổi nhỏ, không trọng yếu của sản phẩm cũng phải được Bộ Tài chính chấp thuận trước khi triển khai. Việc này làm phát sinh thủ tục hành chính, làm giảm khả năng cạnh tranh, thích ứng cũng như giảm sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới.

Quan trọng là tạo cơ hội phát triển

Tính đến cuối năm 2020, trên thị trường có khoảng 1.300 sản phẩm bảo hiểm (trong đó có khoảng 850 sản phẩm do doanh nghiệp phi nhân thọ triển khai và khoảng 450 sản phẩm do doanh nghiệp nhân thọ triển khai). Tuy nhiên, các sản phẩm bảo hiểm được các nhà bảo hiểm thiết kế chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu tham khảo của các nhà tái bảo hiểm hoặc thị trường bảo hiểm nước ngoài, nên về cơ bản chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm còn chưa cao, cũng chưa phản ánh đúng rủi ro của thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Với quy định hiện hành, các sản phẩm bảo hiểm chỉ được thiết kế theo khuôn mẫu có sẵn, chưa được “cá nhân hóa” theo yêu cầu khách hàng, cũng chưa xuất hiện các sản phẩm bảo hiểm theo gói đáp ứng toàn bộ nhu cầu của khách hàng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Bộ Tài chính cũng cho biết, việc các sản phẩm bảo hiểm đang được thiết kế dựa trên các cơ sở dữ liệu khác nhau, cách thức khác nhau dẫn đến khó so sánh và tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp khi thực hiện phê chuẩn sản phẩm (muốn tăng thêm quyền lợi cho khách hàng, nhưng chưa có chuẩn hóa về công tác thiết kế và phê chuẩn sản phẩm, nên doanh nghiệp bảo hiểm gặp nhiều khó khăn khi đẩy nhanh việc ra sản phẩm mới).

Về phía doanh nghiệp, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ thúc đẩy phê chuẩn các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, ứng dụng công nghệ hiện đại, giảm thủ tục hành chính và tăng sự minh bạch thông tin của nhà bảo hiểm.

“Đó sẽ là cơ hội cho một loạt sản phẩm bảo hiểm mới lạ có ứng dụng công nghệ ra đời, như bảo hiểm người thuê nhà, bảo hiểm dành cho dân nhậu…, là những sản phẩm bảo hiểm độc đáo được triển khai ở nhiều nước châu Á hiện nay”, ông Bình nói và chia sẻ thêm, châu Á đang là “miền đất hứa” của các sản phẩm, mô hình kinh doanh công nghệ bảo hiểm và Việt Nam cũng cần hướng đến điều này.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng nhìn nhận, khung pháp lý mới sẽ khiến các công ty bảo hiểm không còn e ngại, dập dòm trong việc ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, bởi chi phí đầu tư cho công nghệ thường không nhỏ, trong khi có thể có rủi ro lớn và hiệu quả mang lại thì còn phải chờ thời gian kiểm chứng.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Thanh cho biết, trước đây, những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất khó hợp tác với công ty bảo hiểm để cùng phát triển sản phẩm, dịch vụ, nhưng khi pháp luật bảo hiểm cởi mở hơn sẽ giúp nhà bảo hiểm vững tin trong đầu tư công nghệ, tạo cơ hội để cho ra các sản phẩm bảo hiểm chi phí thấp, ngắn hạn và nhắm vào nhu cầu ngách.

“Nhiều sản phẩm bảo hiểm có tính thiết thực cao, chẳng hạn như bảo hiểm cho người thuê nhà đối với các chủ nhà tham gia mô hình kinh tế chia sẻ hay bảo hiểm cho người mua khi mua hàng trực tuyến, sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà cung cấp và người mua hàng trong bối cảnh giao dịch thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng cao, khoảng 35%/năm như hiện nay”, bà Thanh nói.

Về phía khách hàng, chị Nguyễn Thanh Tâm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người thường xuyên đi nước ngoài và sử dụng các sản phẩm “ngách” như bảo hiểm trễ chuyến bay cho hay, với những sản phẩm dạng này, sự thuận lợi hay mức phí rẻ mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải đảm bảo tính “yêu cầu bồi thường ngay lập tức” thì mới đầy đủ giá trị.

“Ở những nước tôi đến, họ thực hiện chi trả bảo hiểm rất nhanh, thậm chí trong một số trường hợp còn không yêu cầu người mua phải đề nghị bồi thường. Chẳng hạn, nếu khách hàng mua bảo hiểm du lịch của hãng hàng không nước sở tại, khi chuyến bay bị hoãn thì tiền bồi thường sẽ lập tức xuất hiện trong tài khoản ngân hàng của khách”, chị Tâm kể và cho rằng, để làm được điều này, đòi hỏi các công ty bảo hiểm trong nước phải ứng dụng công nghệ trong mọi khâu của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm, phát hành hợp đồng, tới thẩm định, chấp nhận bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm, thanh toán phí...

Tin bài liên quan