Theo Bộ Tài chính, chất lượng tư vấn bảo hiểm còn nhiều hạn chế

Theo Bộ Tài chính, chất lượng tư vấn bảo hiểm còn nhiều hạn chế

Cơ hội cho phụ trợ bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một loạt quy định mới tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cùng các văn bản liên quan được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho các dịch vụ bảo hiểm mới phát triển, trong đó có phụ trợ bảo hiểm.

Tư vấn cá nhân phải đạt chuẩn đầu vào cao

Theo quy định mới, cá nhân muốn cung cấp dịch vụ tư vấn phải đạt chuẩn đầu vào cao, cụ thể: Phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm, trường hợp không có thì phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành khác và có chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm về tư vấn do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước hoặc nước ngoài cấp. Cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho việc cung cấp dịch vụ tư vấn.

Chứng chỉ tư vấn tuân thủ theo quy định tại Thông tư 69/2022/TT-BTC về chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm ban hành ngày 16/11/2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Cũng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm mới, tư vấn là một mảng trong dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, là hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn về chương trình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro bảo hiểm, đề phòng và hạn chế tổn thất bảo hiểm. Dịch vụ phụ trợ bao gồm tư vấn, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm và không bao gồm việc doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô tự thực hiện để triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm của tổ chức đó.

Được biết, dự thảo sửa đổi ban đầu là cụm từ “dịch vụ tư vấn bảo hiểm”, nhưng cuối cùng, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới đã bỏ chữ “bảo hiểm”, chỉ còn “dịch vụ tư vấn” để phân biệt dịch vụ này với “đại lý bảo hiểm”.

Tại một số công ty phụ trợ bảo hiểm, “dịch vụ tư vấn” vẫn được gọi là “tư vấn bảo hiểm độc lập”, song khái niệm này chưa được đề cập tại Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng như Thông tư 69/2022.

Doanh thu tăng chậm nhưng chắc

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance, với việc chính thức được luật hóa, một dịch vụ còn mới mẻ ở thị trường Việt Nam như phụ trợ bảo hiểm nói chung, tư vấn độc lập nói riêng, hứa hẹn sẽ nở rộ thời gian tới.

Thực tế, trong những năm gần đây, chất lượng tư vấn tại không ít đại lý bảo hiểm truyền thống, ngân hàng, đại lý bảo hiểm tổ chức… không những không cải thiện, mà còn có phần đi xuống. Bộ Tài chính thừa nhận, tuy tăng trưởng liên tục về doanh thu phí, về số lượng đại lý bảo hiểm (là những người trực tiếp đi tư vấn bảo hiểm), nhưng chất lượng của đội ngũ này còn nhiều hạn chế.

Do đó, với việc chuẩn hóa quy định pháp lý, cơ hội phát triển dịch vụ mới là tư vấn theo hướng chuyên nghiệp hơn được mở ra, bởi thu nhập của bên làm dịch vụ này đến từ danh mục khách hàng đa dạng, bao gồm bên mua bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, các nhà tái bảo hiểm hoặc các doanh nghiệp bảo hiểm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Khoản thu nhập này không phải là hoa hồng bảo hiểm, mà là phí tư vấn, tương tự như “phí luật sư” và được áp dụng trong chuyên ngành bảo hiểm.

Điểm cần lưu ý, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 cũng như các văn bản liên quan hiện hành không liệt kê chi tiết hoạt động của doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm, nên sẽ có rất nhiều dịch vụ được cung cấp cho khách hàng gắn với chữ “tư vấn” ở đây. Chẳng hạn, bên mua bảo hiểm là cá nhân có thể yêu cầu bên tư vấn đánh giá rủi ro cho họ và gia đình/doanh nghiệp của họ về việc kết hôn, sinh con đẻ cái, về hoạt động kinh doanh, buôn bán của gia đình/doanh nghiệp, về các khoản nợ hiện có, các khoản vốn đã đầu tư, các khoản thu nhập tương lai có thể kiểm soát…

Nếu khách hàng là doanh nghiệp bảo hiểm có thể yêu cầu bên tư vấn cung cấp các dịch vụ như tư vấn bảo hiểm cho khách hàng với tư cách độc lập (không phải là đại lý bảo hiểm) - doanh nghiệp bảo hiểm trả phí tư vấn; hướng dẫn hành nghề bảo hiểm cho các đại lý thể nhân, quản lý đại lý thể nhân, giám sát giao dịch bảo hiểm giữa đại lý thể nhân và khách hàng…

Còn nếu khách hàng là doanh nghiệp đại lý có thể yêu cầu bên tư vấn cung cấp các giải pháp quản trị hệ thống đại lý chân rết, đào tạo chuyên môn cho các đại lý thể nhân, tuyển dụng vị trí “săn đầu người” về làm việc cho công ty đại lý…

Trường hợp là doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể yêu cầu bên tư vấn ký hợp đồng tư vấn cho khách hàng dưới danh nghĩa nhà môi giới (có thể là hợp đồng lao động dài hạn), tư vấn các giải pháp quản trị hệ thống (nếu có), đào tạo chuyên môn cho nhân viên của công ty…

“Thậm chí, các doanh nghiệp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có thể yêu cầu bên tư vấn ký hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác. Các nhà tái bảo hiểm hoặc các doanh nghiệp bảo hiểm ngoài lãnh thổ Việt Nam có thể đề nghị bên tư vấn thu thập thông tin sự kiện bảo hiểm tại Việt Nam và TILA Finance đã từng cung cấp các dịch vụ này… Từ thực tế này, có thể thấy, doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm là nơi tập trung nhiều lao động chất lượng cao của ngành bảo hiểm”, ông Nguyên nói.

Lâu nay, tại Việt Nam, khi giao kết các hợp đồng bảo hiểm, gần như thiếu vắng sự tham gia của bên thứ 3 là những người am tường về bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm như luật sư, chuyên gia pháp lý hay bên cung cấp dịch vụ tư vấn…, kể cả với các hợp đồng bảo hiểm lớn. Điều này dẫn tới hệ lụy là không ít hợp đồng bảo hiểm được ký khi bên mua chưa hiểu hết quyền lợi cũng như các rủi ro có thể phát sinh, từ đó dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện.

“Thời gian tới, bên cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ tham gia nhiều hơn trong việc giao kết hợp đồng bảo hiểm khi được khách hàng tin tưởng thuê với tư cách là bên thứ 3 độc lập. Qua đó, khách hàng được đọc giúp hợp đồng, tư vấn để hiểu rõ hơn về nhu cầu, quyền lợi bảo hiểm, các điểm loại trừ bảo hiểm, các tranh chấp có thể phát sinh…,giúp hạn chế các tranh chấp về sau. Điều này có thể khiến các hợp đồng bị chốt muộn hơn trước đây, doanh thu của công ty bảo hiểm có thể bị chậm lại nhưng chắc chắn”, luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay.

Thông tư 69/2022 quy định, chứng chỉ về tư vấn do cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước cấp như chứng chỉ tư vấn bảo hiểm nhân thọ, chứng chỉ tư vấn bảo hiểm phi nhân thọ, chứng chỉ tư vấn bảo hiểm sức khỏe. Cơ sở đào tạo về bảo hiểm trong nước là cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm do cơ quan nhà nước thành lập (viện, học viện, trường đại học), thuộc hoặc trực thuộc các đơn vị do cơ quan nhà nước thành lập, cơ sở đào tạo khác có tư cách pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Còn cơ sở đào tạo về bảo hiểm nước ngoài là cơ sở có chức năng đào tạo về bảo hiểm thuộc hoặc trực thuộc cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm; hoặc cơ sở đào tạo do cơ quan quản lý, giám sát bảo hiểm ủy quyền thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ trong lĩnh vực bảo hiểm, Học viện Nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm ASEAN (AITRI); Hội Các nhà tính toán bảo hiểm là thành viên chính thức của Hội Các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế, các tổ chức đào tạo quốc tế khác như Viện Bảo hiểm và tài chính Úc và New Zealand (ANZIIF), Viện Bảo hiểm Hoàng gia Anh (CII), Viện Đào tạo bảo hiểm Canada (IIC), Viện Quản trị rủi ro Anh (IRM), Viện Quản trị rủi ro Úc (RMIA), Viện Giám định Hoàng gia Anh (CILA), Viện Giám định Hoàng gia Úc (AICLA), Học viện Hàng hải Lloyd, Hiệp hội Cơ quan quản trị bảo hiểm nhân thọ (Life Office Management Association - LOMA), Hiệp hội Nghiên cứu và tiếp thị bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance Marketing and Research Association - LIMRA).

Tin bài liên quan