Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm tôm Việt Nam.

Anh là thị trường xuất khẩu quan trọng của sản phẩm tôm Việt Nam.

Cơ hội mới cho ngành nông, thủy sản

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa kết thúc đàm phán là tin vui với các doanh nghiệp nông thủy sản, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nafoods khá hào hứng khi đón nhận thông tin Hiệp định UKVFTA đã kết thúc đàm phán.

Theo ông Hùng, về cơ bản, hiệp định thương mại này này là sự nối tiếp các thỏa thuận trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau khi Anh chính thức rời EU.

Với việc hiệp định này được ký kết, hơn 99% hàng rào thuế quan vào Vương quốc Anh được xóa bỏ sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào thị trường này. Và đây là cơ hội quý giá đối với doanh nghiệp ngành nông sản nói chung, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu giảm sút bởi sức mua giảm do tác động kéo dài từ dịch Covid-19.

Với mức thuế được giảm và dần gỡ bỏ khi UKVFTA đi vào thực thi, gạo Việt Nam sẽ lấy lại sức cạnh tranh khi vào thị trường Anh sau khi phải chịu mức thuế tới 17% khi Anh rời EU

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An

Trong các mặt hàng nông sản, gạo được nhận định là mặt hàng sẽ hưởng lợi lớn. Bởi như phân tích của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ), doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo vào thị trường châu Âu, thì Anh là thị trường sử dụng gạo nhiều nhất tại châu Âu.

Với mức thuế được giảm và dần gỡ bỏ khi Hiệp định đi vào thực thi, gạo Việt Nam sẽ lấy lại sức cạnh tranh khi vào thị trường Anh sau khi phải chịu mức thuế tới 17% khi Anh rời EU.

Tương tự, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Hiệp định UKVFTA sẽ mở thêm cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này khi mức thuế của các dòng thuế gần như ngay lập tức sẽ giảm từ 10 - 20% về 0% khi hiệp định có hiệu lực.

VASEP cho biết, dù chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid -19, song sau khi rời khỏi EU, Anh đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản đầy triển vọng của Việt Nam. Ba quý đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Anh tăng gần 23%, đạt gần 258 triệu USD.

Trong đó, tôm và cá tra là hai mặt hàng chính đã tăng lần lượt 19% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ, các loại cá biển khác và cua ghẹ đều tăng, có mặt hàng tăng đột biến so với cùng kỳ, trong đó cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biển phi-lê đông lạnh tăng 127%...

Đáng chú ý, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho hay, gần đây, thị trường Anh có sự đột phá rất lớn về cơ cấu sản phẩm nhập khẩu với việc kim ngạch và tỷ trọng nhập khẩu mặt hàng cá tra và tôm.

Trong đó, riêng nhập khẩu cá tra tăng 15 lần so với năm 2019, chiếm 33% tổng tỷ trọng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Đối với mặt hàng tôm, tỷ trọng nhập khẩu các mặt hàng tôm chế biến đông lạnh tăng mạnh, đặc biệt như tôm sú chế biến tăng tới 456%, tôm chân trắng chế biến tăng 33%.

Với diễn biến này, VASEP nhận định, Hiệp định UKVFTA sẽ mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm, cá tra và cá ngừ của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đã có bề dày xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường EU.

Một số doanh nghiệp được đánh giá hưởng lợi từ hiệp định này như Công ty cổ phần Chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex Group, mã chứng khoán CMX), Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán FMC).

Đây là những doanh nghiệp có năng lực chế biến và xuất khẩu tôm rất tốt sang EU, với tỷ trọng tôm xuất khẩu vào EU/tổng doanh thu đạt từ 45 - 59%. Hay Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (mã chứng khoán ABT) có thế mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường EU.

Đánh giá cao triển vọng tăng trưởng xuất khẩu từ EVFTA và UKVFTA, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, Công ty đã lên kế hoạch tận dụng mọi nguồn lực để đón đầu cơ hội từ các hiệp định này. Sao Ta sẽ tập trung đánh giá khả năng tổ chức nuôi tôm, có nhiều nguyên liệu đạt chuẩn, bởi thị trường EU và tới đây là Anh vốn là một trong các thị trường xuất khẩu tôm chủ lực của Công ty.

Doanh nghiệp vừa mừng vừa lo

Hào hứng với hiệp định thương mại tự do mới, song các chuyên gia trong ngành cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam cần vượt qua để hiện thực hóa cơ hội.

Theo Chủ tịch Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng, ngành nông sản Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cố hữu như chất lượng đầu vào nguyên liệu, sản lượng thiếu ổn định, hay việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được làm tốt.

“Nếu những vấn đề này được khắc phục, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế lớn hơn để đàm phán được mức giá tốt hơn, từ đó thu được giá trị, lợi ích lớn hơn”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, theo Chủ tịch Nafoods, vẫn còn đó những bất cập như thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành, sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa những doanh nghiệp xuất khẩu, hay vai trò còn thấp của hiệp hội, ngành hàng trong việc liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng tầm nông sản Việt.

“Nông sản, rau quả là ngành xuất khẩu đang lên với nhu cầu và sức mua của nhiều thị trường lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là các loại quả mà Việt Nam có thế mạnh như thanh long, chanh leo hay các loại hạt dinh dưỡng. Để có thể tận dụng được những thế mạnh này cũng như khai thác tối đa lợi ích và cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia, rất cần có sự chung tay liên kết của các doanh nghiệp cũng như hiệp hội ngành”, ông Hùng nói.

Tương tự, với ngành hàng thủy sản, vùng nuôi nguyên liệu và đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng là những vấn đề lớn đang được đặt ra. Theo Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe, Anh cần được coi là thị trường chiến lược và là cơ hội để giúp ngành sớm hồi phục và có thể tăng trưởng bứt phá sau đại dịch Covid-19.

“VASEP đang rà soát cụ thể các cơ hội, thuận lợi cũng như các vấn đề cần nắm bắt của Hiệp định để gửi cho các doanh nghiệp trong ngành, đồng thời giúp doanh nghiệp sớm chuẩn bị các điều kiện về vùng nuôi, nguyên liệu, con giống cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của thị trường này, từ đó sớm có kế hoạch tiếp cận thị trường một cách hiệu quả”, ông Hòe cho biết.

Tin bài liên quan