CPI tháng 3 tăng trở lại, không thể lơ là với lạm phát

Việc tăng trở lại của Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3/2015 đã đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Tuy mức tăng không cao, nhưng không thể chủ quan, lơ là đối với lạm phát từ tháng 4 và trong những tháng còn lại của năm 2015.

Nhiều vấn đề cần quan tâm khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015 tăng trở lại

Nhiều vấn đề cần quan tâm khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2015 tăng trở lại

Các chỉ số thống kê cho thấy, sau khi giảm sâu trong 4 tháng liền (từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm nay), CPI đã tăng nhẹ trở lại. CPI tháng 3 trong cùng kỳ của 19 năm qua (tính từ năm 1997), chỉ có 7 năm tăng, còn 12 năm giảm. Việc tăng trở lại của CPI từ tháng 3 năm nay do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng nhất là nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Ra Giêng, Việt Nam có nhiều lễ hội, du xuân (cả nước có trên 8.000 lễ hội, phần nhiều tập trung vào tháng Giêng), đã thu hút vào đây không ít thời gian, tiền của để đi lại, ăn nghỉ...

Nhu cầu tiêu dùng cao hơn còn thể hiện ở tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ tác động của yếu tố giá cả) đã ở mức hai chữ số, cao gấp đôi tốc độ tăng của cùng kỳ trong 4 năm trước. Việc giá gas tăng lên từ đầu tháng 3 và tăng giá xăng dầu khoảng 10% từ 11/3 đã tác động một phần vào CPI tháng 3.

Cán cân thương mại tính từ đầu năm đến giữa tháng 3, nếu của cùng kỳ năm trước xuất siêu 1.090 triệu USD, thì của năm nay đã nhập siêu 1.633 triệu USD, trong đó xuất siêu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm (từ 3.031 triệu USD xuống còn 1.770 triệu USD), còn nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước lại tăng lên (từ 1.971 triệu USD lên 3.402 triệu USD).

Tăng trưởng tín dụng nếu cùng kỳ năm trước sau 3 tháng còn mang dấu âm, chỉ mang dấu dương sau 4 tháng, thì năm nay chỉ mang dấu âm trong tháng 1, đã nhanh chóng mang dấu dương (trên 1%) trong tháng 2 và cao hơn trong tháng 3. Giá vàng năm trước giảm trong tháng 1 (- 1,82%), tăng trong tháng 2 (1,87%), tính chung trong 2 tháng chỉ tăng 0,02%; trong khi năm nay tháng 1 tăng (0,55%), tháng 2 tăng (2,7%), tháng 3 giảm (- 1,63%), tính chung 3 tháng tăng (1,58%) và hiện cao hơn giá thế giới tới hơn 5 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá VND/USD ở Việt Nam mới qua 3 tháng đã có 2 lần nổi sóng: lần thứ nhất vào đầu năm đã dẫn đến Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 1%; lần thứ hai gần đây nhất đã đưa tỷ giá lên mức trên 21.500 VND/USD.

Việc tăng CPI trong tháng 3 là tín hiệu cảnh báo chúng ta không thể chủ quan, lơ là đối với lạm phát. Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố, đó là, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đầy đủ hơn từ tháng 4 (chu kỳ tính CPI tháng 4 từ 16/3 đến 15/4). Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, việc tăng giá  xăng dầu sẽ trực tiếp làm CPI tăng 0,25%.

Giá điện tăng từ 16/3 cũng sẽ làm cho CPI trực tiếp (vòng 1) tăng 0,26%, vòng 2 tăng trên 0,26%, tính chung cả năm sẽ khoảng 0,46%. Một số giá cả hàng hóa, dịch vụ công khác (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế…) nếu được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường cũng sẽ khiến CPI tăng lên. Do đó, cần phải cân nhắc thận trọng về thời điểm, về mức độ tăng và phải có sự phối hợp, kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Việc tăng lương hưu, lương cho người có hệ    số từ 2,34 trở xuống, tuy mức tăng còn thấp nhưng nếu không cẩn thận sẽ xuất hiện tình trạng “té nước theo giá”, “tát nước theo lương” như đã từng xảy ra.

Tăng trưởng tín dụng năm 2014 được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, mức tăng cao hơn so với năm trước (14,16% so với 12,5%), cao gấp gần 2,4 lần tốc độ tăng GDP, lại tập trung vào cuối năm (đến ngày 19/12 mới tăng 11,8%, nhưng chỉ trong mấy ngày cuối năm đã tăng tới 2,11%); đưa dư nợ tín dụng đến cuối năm 2014 lên tới 3,97 triệu tỷ đồng (cao hơn GDP với giá thực tế 3,938 triệu tỷ đồng); tổng phương tiện thanh toán còn lớn hơn (5,18 triệu tỷ đồng) và tăng cao hơn (18,69%).

Giá USD trên thị trường thế giới tăng, với chỉ số đo sức mạnh đồng USD với các đồng tiền mạnh (USD-Index) đã có lúc vượt qua mốc 100 điểm, cao hơn nhiều so với mức trên dưới 80 điểm cách đây một vài năm. Tỷ giá VND/USD hiện vẫn tăng. Điều đó làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND có thể tăng lên. Hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của Việt Nam tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đây là yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa của lạm phát.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù CPI tăng lên, nhưng chúng ta vẫn có thể tự tin kiểm soát được lạm phát, bởi mục tiêu đề ra cho cả năm là CPI tăng 5%, nhưng sau 3 tháng vẫn giảm 0,1%. Do vậy, vẫn có thể yên tâm áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Tin bài liên quan