Đầm Sen - DSN, đẹp trong một “tấm áo” chật

Đầm Sen - DSN, đẹp trong một “tấm áo” chật

(ĐTCK) Ý tưởng mở rộng mặt bằng và địa bàn kinh doanh được HĐQT CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) nêu ra vài năm nay vẫ­­n tiếp tục dừng lại ở dạng ý tưởng trong kế hoạch kinh doanh 2014 mà HĐQT dự kiến trình ĐHCĐ thường niên được tổ chức vào ngày 25/1 tới. ­­­­­

“Tấm áo” đã quá chật!

DSN có báo cáo tài chính khá “đẹp”: tiền mặt rủng rỉnh; nợ vay không đáng kể; không có các khoản phải thu, phải trả phức tạp; vốn chủ sở hữu gần gấp đôi vốn điều lệ; doanh thu và lợi nhuận ổn định…

Hoạt động chính của Công ty hiện nay là kinh doanh các khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ kèm theo. DSN có 2 khu vui chơi là Công viên nước Đầm Sen với diện tích gần 3.000 m2 và Công viên khủng long rộng 5.000 m2, cả 2 đều nằm trong tổng thể gần 40.000 m2 của Công viên Văn hoá Đầm Sen.

Với diện tích hiện tại, số lượng khách đã đạt đến mức bão hoà. Hai năm qua, DSN đã có ý tưởng tìm mặt bằng mới để đầu tư một công viên nước thứ hai tại TP. HCM, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. DSN còn dự định liên kết đầu tư một số khu vui chơi tại các thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội; khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc.

Tuy nhiên, ý tưởng cũng chỉ là ý tưởng, chưa có bất cứ công việc cụ thể nào được DSN triển khai. Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm tài chính 2013 sẽ diễn ra vào ngày 25/1/2014 tới, nhiệm vụ mà HĐQT và ban điều hành đặt ra cho năm 2014 mới chỉ là “tổ chức bộ phận chuyên trách theo dõi tìm kiếm các dự án, cơ hội đầu tư để mở rộng quy mô hoạt động của Công ty trên các lĩnh vực công viên nước, công viên chủ đề, nhà hàng ăn uống, khách sạn, du lịch… Từ cơ sở này, Phòng Nghiên cứu & Phát triển sẽ xây dựng đề án, lập luận chứng để trình HĐQT quyết định”.

Kế hoạch tăng vốn từ 84,5 tỷ đồng lên 169 tỷ đồng trong năm 2013 đến nay vẫn chưa biết thực hiện đến đâu. Mục đích cho việc tăng vốn là đầu tư mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh taxi và các dự án như đã nói trên, nhưng hiệu quả đầu tư vào kinh doanh taxi sẽ còn nhiều vấn đề cần bàn, khi địa bàn TP. HCM đã có rất nhiều hãng taxi, trong đó có nhiều hãng lớn.

Năm qua, DSN đã mua 15% cổ phần của CTCP Khải Hoàn Môn và 200.000 trái phiếu chuyển đổi của hãng taxi này. Đây là hãng taxi nhỏ trên địa bàn TP. HCM, với khoảng 300 đầu xe. DSN dự định nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty này lên 30% và số lượng xe lên 1.000 chiếc trong vòng 5 năm. Việc tăng đầu xe chưa rõ sẽ được DSN tiến hành ra sao, bởi TP. HCM đã ngừng cấp phép đăng ký taxi.

“Người một nhà” hay người dưng?

Trong tài liệu họp ĐHCĐ thường niên, DSN than phiền hoạt động kinh doanh của Công viên khủng long nằm trong khuôn viên Công viên Văn hoá Đầm Sen bị ảnh hưởng, bởi chương trình bán vé trọn gói của Công ty TNHH Du lịch Phú Thọ, nên ngày càng khó thu hút khách tham quan.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2013 cũng cho biết, DSN phải chia tiền bán vé Công viên khủng long cho Du lịch Phú Thọ theo tỷ lệ 25%, tức là trong 100 đồng doanh thu bán vé vào đây, DSN chỉ được hưởng 75 đồng.

Qua đây có thể hiểu, nếu khách mua vé trọn gói của Du lịch Phú Thọ để vào Công viên Văn hoá Đầm Sen thì có thể vào Công viên khủng long miễn phí, và như thế DSN không những không thu được tiền từ khách của Du lịch Phú Thọ mà còn bị mất khách vì khách của mình không còn chỗ để vào.

Nên nhớ Du lịch Phú Thọ là cổ đông lớn nhất của DSN với tỷ lệ sở hữu 33,5%. Công viên khủng long là dự án liên kết giữa DNS và Du lịch Phú Thọ, thời gian từ 2005-2014, tức chỉ còn 1 năm nữa là hết hạn. Báo cáo của DSN chỉ viết một cách chung chung: “Năm 2015 đến thời gian đáo hạn, cần có kế hoạch thương lượng để tiếp tục khai thác trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị với đơn vị liên kết về cơ chế sử dụng mặt bằng, không gian kinh doanh hợp lý và hiệu quả hơn”.

Tài liệu gửi cổ đông cũng có nêu “công tác triển khai các kế hoạch đầu tư dự án còn e dè thiếu quyết tâm của HĐQT, ban điều hành trong việc phác thảo, xây dựng luận chứng để triển khai công tác làm cơ sở cho các bước tiếp theo: đàm phán về giá cả, thống nhất trong nội bộ và thuyết phục cổ đông”. Đặc biệt, cơ chế quyết định tập thể trong nội bộ HĐQT thường “chậm chạp, không đảm bảo tính bí mật và mất nhiều cơ hội”.

Gặp không ít thách thức trong mở rộng mặt bằng cũng như địa bàn, lĩnh vực kinh doanh, nhưng lại thiếu sự quyết tâm, đồng lòng giữa nội bộ các thành viên HĐQT, Ban điều hành, DSN đang loay hoay trong “tấm áo” đã quá chật!

Tin bài liên quan