Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế

Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tuần vừa qua, cổ phiếu ngành ngân hàng đã quay trở lại dẫn sóng thị trường chứng khoán, đóng vai trò quan trọng nhất để VN-Index thiết lập kỷ lục mới về độ cao - 1.500 điểm.

Không phải bỗng dưng ngành ngân hàng được nhà đầu tư trên thị trường chú ý trở lại sau quý III nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch, với điều kiện mới là thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng đang được kỳ vọng cũng như trao sứ mệnh trong nhiệm vụ phục hồi lại đà tăng trưởng kinh tế.

Để làm điều đó, tuần qua nhiều ngân hàng đã phát đi thông tin về việc được nâng hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Đây là cơ sở quan trọng để các ngân hàng có điều kiện cung ứng vốn tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Ngoài ra, còn một chương trình lớn hơn cần phải đề cập, đó là gói hỗ trợ lãi suất cho vay đang được bàn thảo. Nếu chương trình này được thông qua thì ngành ngân hàng còn mang thêm một trách nhiệm lớn hơn nữa là cung cấp nguồn vốn mới “nhiều và rẻ”, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí, mở thêm những cơ hội phục hồi.

Trên thực tế, không chờ đến thời điểm hiện tại mà trong gần 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát, ngành ngân hàng đã làm được rất nhiều việc để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định đời sống người dân.

Có tới 7 nhóm giải pháp đã được thực hiện, nếu về con số có thể kể tới 3 lần hạ lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay về mức thấp nhất trong vòng 30 năm kể từ khi hệ thống ngân hàng thương mại được hình thành, miễn - giảm - hạ lãi suất cho khoảng 1,8 triệu khách hàng với dư nợ gần 3,5 triệu tỷ đồng,…

Ngành ngân hàng vẫn được coi là “huyết mạch nền kinh tế” nên việc gánh sứ mệnh cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển dường như là đương nhiên. Nhưng cũng cần có cái nhìn khách quan hơn, cần coi đó là sứ mệnh nặng nề bởi bản thân ngành ngân hàng cũng đang phải đối diện với những khó khăn to lớn, đặc biệt là rủi ro nợ xấu đã và sẽ còn phát sinh, hiện đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Xử lý nợ xấu luôn là bài toán phức tạp và kéo dài. Kinh nghiệm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải cần tới 7 năm sau mới có thể trở lại bình thường, nhiều ngân hàng giai đoạn này thậm chí phải chấp nhận hợp nhất, sáp nhập.

Bên cạnh nợ xấu, ngành ngân hàng cũng đang phải gánh thêm nhiều trách nhiệm khác từ giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát, đầu tư cho công nghệ để theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Ngành ngân hàng Việt Nam vẫn là như vậy, đều được gọi tên sau mỗi giai đoạn kinh tế gặp khó khăn như sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, và bối cảnh hiện nay cũng không có nhiều khác biệt. Trong thách thức luôn có cơ hội, nhà đầu tư quan tâm trở lại với cổ phiếu ngân hàng là bởi nhìn thấy những cơ hội đó, cơ hội của ngành đóng vai trò huyết mạch. Khi kinh tế phục hồi thì từng ngân hàng sẽ được hưởng lợi.

Tin bài liên quan