Năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD, Israel đứng thứ 4/10 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam.

Năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD, Israel đứng thứ 4/10 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn của Việt Nam.

Dệt may, thủy sản, điện tử có cơ tăng xuất khẩu sang Israel

0:00 / 0:00
0:00
Israel dẫu chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá, nhưng về lâu dài mở thêm cánh cửa để tăng xuất khẩu với các nhóm hàng nông thủy sản, dệt may, điện tử...

Hiệp định thương mại FTA Việt Nam - Israel (VIFTA) đã kết thúc đàm phán sau hành trình 7 năm với 12 phiên đàm phán chính thức. Dự kiến, FTA này sẽ được ký kết trong năm 2023, sớm đưa vào thực thi, tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa 2 quốc gia.

Ngay sau khi 2 bên tuyên bố kết thúc đàm phán VIFTA, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu đều kỳ vọng FTA sớm được ký kết, phê chuẩn, đi vào thực thi, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại hàng hóa, thu hút đầu tư...

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á ((sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ) và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt 2,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với 2021, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 785,7 triệu USD và nhập từ Israel đạt 1,4 tỷ USD.

Dù quy mô dân số xấp xỉ 9,7 triệu người, nhưng hoạt động kinh tế và ngoại thương của Israel khá phát triển. Năm 2022, kim ngạch ngoại thương của nước này đạt 173 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 67 tỷ USD và nhập khẩu đạt 106 tỷ USD.

Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Israel, các mặt hàng như: lương thực thực phẩm, đồ uống các loại, quần áo, giày dép, nội thất, hàng điện tử, thiết bị điện, hàng gia dụng, dược phẩm….của Việt Nam sẽ có dư địa khai thác thị trường này tốt hơn cả. Bởi chỉ riêng nhóm hàng tiêu dùng, mỗi năm Israel nhập khẩu khoảng 25 tỷ USD.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau, những mặt hàng Israel cần nhập khẩu cũng là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam và ngược lại.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay: "3 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành dệt may rất khó khăn, đơn hàng của doanh nghiệp giảm mạnh 30-40%, các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới".

Trong bối cảnh đó, việc sắp có thêm một thị trường mới như Israel giúp ngành có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn, tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị.

Nằm trong Top 22/100 thị trường xuất khẩu của ngành thủy sản, Israel một khi trở thành thị trường có FTA với Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp thủy sản tăng tốc xuất khẩu mà còn mở rộng sang các thị trường lân cận.

Riêng năm 2022 xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD, Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản); xuất khẩu mực đông lạnh sang thị trường này đạt 23,22 triệu USD, thị trường lớn thứ 8; xuất khẩu tôm đông lạnh sang Israel đạt khoảng 21 triệu USD...

Hiện nay trong cơ cấu xuất khẩu thị trường Isarel mặc dù chiếm tỷ trọng chưa nhiều nhưng đây là một thị trường rất tiềm năng bởi Israel là thị trường có sức mua, khả năng thanh toán cao, nhu cầu tiêu dùng khá lớn. Bởi vậy, thị trường này còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.

Ngoài ra, khi FTA Việt Nam - Israel được ký kết, phê chuẩn và thực thi, sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản tăng hợp tác với khu vực Trung Đông thông qua cửa ngõ các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho rằng, có FTA với Israel , doanh nghiệp còn thêm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan; đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với một sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...

Theo bà Hằng, Việt Nam đã xuất khẩu nhiều hàng hóa nông sản sang thị trường Israel và Trung Đông, như quế, hồi, hạt tiêu,… nhưng do có FTA nên hàng hóa phải chịu thuế suất cao. Với VIFTA, mặt bằng thuế sẽ hạ dần theo cam kết, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu.

Nói rõ hơn về tính bao trùm của FTA song phương, ông Lê Thái Hòa. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel phân tích: "Việt Nam và Israel đã ký Hiệp định về hợp tác kinh tế thương mại vào năm 2004. Khi có FTA song phương, khung khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước sẽ được nâng cấp lên tầm phạm vi rộng hơn".

Cụ thể, VIFTA, tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động trao đổi thương mại, hợp tác đầu tư, dịch vụ… giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là mở cửa thị trường cho hàng hóa của mỗi bên có điều kiện xâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường của nhau.

VIFTA là hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên Việt Nam kết thúc đàm phán với một quốc gia ở khu vực Tây Á (Trung Đông) và đây cũng là Hiệp định thương mại tự do song phương đầu tiên Israel kết thúc đàm phán với một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN).

Về phía Israel, VIFTA là Hiệp định thương mại tự do song phương thứ 2 mà Israel đã kết thúc đàm phán với đối tác ở khu vực Đông Á (Israel đã kết thúc đàm phán và ký FTA với Hàn Quốc).

Xét trên bình diện toàn khu vực Châu Á, gần đây, Việt Nam là đối tác thứ 3 mà Israel đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương, sau khi Israel ký kết các FTA với Hàn Quốc vào tháng 5/2021 và với UAE vào tháng 5/2022 (không tính những hiệp định thế hệ cũ trước đây Israel ký với Jordan năm 1995 và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1996).

Tin bài liên quan