DN bảo hiểm ám ảnh bóng ma trục lợi

DN bảo hiểm ám ảnh bóng ma trục lợi

(ĐTCK) Trong những năm gần đây, các hoạt động trục lợi bảo hiểm ngày càng phổ biến đã và đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho lợi nhuận của các nhà bảo hiểm châu Âu.

DN bảo hiểm ám ảnh bóng ma trục lợi ảnh 1Để bị trục lợi là do kinh nghiệm thiếu và cơ chế sơ hở của ngành bảo hiểm

 

Đối với thị trường châu Á, các chuyên gia ngành bảo hiểm cho rằng, suy thoái kinh tế khiến DN buông lỏng điều kiện bảo hiểm là một nguyên nhân, nhưng không phải là yếu tố quyết định khiến các nhà bảo hiểm châu Á gặp khó trong việc hạn chế và ngăn ngừa sự đe dọa từ các tổ chức tội phạm và những kẻ cơ hội bảo hiểm. Kiến thức về trục lợi bảo hiểm xuyên suốt khu vực châu Á vẫn còn chắp vá là nguyên nhân quan trọng hơn gây ra tình trạng này.

Theo thống kê của Asiainsuralcereview, có khoảng 20% trên tổng số yêu cầu bồi thường ở Malaysia có liên quan đến yếu tố trục lợi. Tại hầu hết các thị trường châu Á, vấn nạn trục lợi luôn gây đau đầu nhà bảo hiểm và một vấn đề quan trọng là dữ liệu về các vụ trục lợi bảo hiểm quốc tế chưa được chia sẻ giữa các thị trường. Tại Việt Nam , trục lợi bảo hiểm đã và đang là cơn ác mộng đối với các DN bảo hiểm. Và nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới là một trong những mảnh đất màu mỡ nhất cho hành vi trục lợi phát triển. Trước thực trạng trục lợi bảo hiểm xe cơ giới ngày một gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn, một DN bảo hiểm nước ngoài vừa phải gửi công văn tới Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam để cung cấp thông tin về những vụ trục lợi bảo hiểm mà đơn vị này thường gặp và đề nghị Hiệp hội cảnh báo tới các DN bảo hiểm khác trong ngành về hiện tượng này.

Theo DN bảo hiểm này, gần đây trong quá trình giám định trước khi thực hiện bảo hiểm, công ty này phát hiện một số vụ việc có khả năng nhằm mục đích trục lợi. Vụ thứ nhất đối với xe yêu cầu được bảo hiểm mang biển số 52Y… khi thực hiện giám định trước khi bảo hiểm, công ty này phát hiện hình ảnh số khung trên xe và biển số xe ghi trên tem chứng nhận đăng kiểm của xe yêu cầu được bảo hiểm khác với thông tin về số khung trên giấy đăng ký xe và số đăng ký ghi trên biển số xe gắn trên xe yêu cầu bảo hiểm… Sau khi rà soát lại, công ty bảo hiểm này phát hiện xe yêu cầu bảo hiểm là xe mang biển số 51A… của chủ xe khác. Vị khách hàng chủ xe 52Y nói trên đã dùng chiếc xe của 51A… để phục vụ việc chụp hình giám định trước khi tham gia bảo hiểm bằng việc thay đổi biển số hai xe cho nhau. Và rất có thể xe biển số 52Y... đã bị hư hại trước khi bảo hiểm. Vì vậy, nếu không có quy trình giám định trước khi bảo hiểm để phát hiện và từ chối bảo hiểm thì việc trục lợi này đã được thực hiện thành công. Trường hợp thứ hai là xe yêu cầu được bảo hiểm mang biển số 16M…, công ty bảo hiểm này phát hiện hình ảnh số khung trên trên khung sườn của xe và biển số thể hiện trên tem chứng nhận đăng kiểm của xe yêu cầu bảo hiểm khác nhau…

Đây không phải là những trường hợp hiếm gặp đối với những người làm công tác giám định bồi thường của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Nhiều vụ việc trục lợi còn tinh vi hơn rất nhiều. Các vụ việc này cho thấy, việc tiến hành giám định kỹ lưỡng trước khi bảo hiểm là một bước cần thiết để phát hiện và ngăn chặn các hành vi nhằm trục lợi kiểu này (trên thực tế các vụ trục lợi như vậy xảy ra ngày càng nhiều).

Công ty bảo hiểm này cũng kiến nghị Hiệp hội Bảo hiểm khuyến khích các DN thành viên áp dụng việc giám định trước khi bảo hiểm. Nếu biện pháp này được nhiều DN áp dụng sẽ làm giảm đáng kể các vụ trục lợi bảo hiểm tương tự. Công ty bảo hiểm cũng nên thường xuyên chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm về giám định trước khi bảo hiểm cũng như công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm đạt hiệu quả hơn, góp phần làm lành mạnh thị trường bảo hiểm Việt Nam .

Công ty bảo hiểm trên cũng đề nghị Hiệp hội thay mặt các DN bảo hiểm đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định về xử lý các hành vi trục lợi bảo hiểm. Bởi các công ty bảo hiểm đều nhận thấy, càng ngày, các vụ trục lợi bảo hiểm ngày càng nghiêm trọng và sử dụng các biện pháp tinh vi hơn. Nếu không có các quy định, chế tài thích hợp (ngay cả khi đã phát hiện và có các chứng có rõ ràng) thì các DN bảo hiểm càng khó khăn hơn trong công tác phòng chống trục lợi bảo hiểm. Dù những kiến nghị, giải pháp trên chỉ có thể giải quyết một phần “bề nổi của tảng băng chìm”, nhưng lãnh đạo một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, trong khi chờ luật pháp có chế tài đủ mạnh để cứu mình thì các DN cũng cần phải tự cứu mình trước bằng cách tăng cường huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên, hoàn thiện quy chế làm việc trong công ty để hạn chế tình trạng này. Ngoài ra, khách hàng cũng cần được thông tin đầy đủ để cùng lên án tình trạng này, bởi vì suy cho cùng thì các khách hàng chân chính đang bị những kẻ xấu, kẻ cơ hội lợi dụng.