Đo sự chuyên nghiệp khi nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm

Đo sự chuyên nghiệp khi nhân viên ngân hàng bán bảo hiểm

(ĐTCK) Năm 2018 được dự báo là năm bùng nổ về số lượng hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng, song không phải nhân viên ngân hàng nào cũng được đào tạo bài bản về bảo hiểm để tư vấn cho khách hàng. Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH  MTV Dịch vụ tư vấn đại lý bảo hiểm TILA có cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán xung quanh vấn đề này.

Thời gian qua, trên thị trường xuất hiện mô hình ngân hàng làm "trung gian bảo hiểm", tức là ngân hàng chỉ đảm nhận vai trò giới thiệu khách hàng, còn doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng tự giao dịch với nhau. Ông đánh giá thế nào về mô hình này và rủi ro nếu có, thưa ông?

Hiện tại, pháp luật kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định hoặc làm môi giới, hoặc làm đại lý, chứ không có quy định về hình thức làm trung gian giới thiệu như trên. Hình thức này có thể gây rủi ro cho khách hàng, bởi khó quy trách nhiệm một khi có tranh chấp.

Do đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khách hàng cần xác định rõ đối tượng trung gian mà mình giao dịch. Việc đòi hỏi nhân viên ngân hàng cung cấp chứng chỉ đại lý và giấy ủy quyền của nhà bảo hiểm cho ngân hàng khai thác bảo hiểm là chính đáng, giúp chứng minh giao dịch được thực hiện qua môi giới hay đại lý.

Việc xác định nhà bảo hiểm có giao dịch trực tiếp với khách hàng hay không là một quan hệ giao dịch khác. Theo đó, nếu nhà bảo hiểm hoặc đại lý sử dụng "đại lý ảo", “chứng chỉ ma” trong hồ sơ..., thì đại lý đã làm sai.

Về chế tài xử lý, Điều 88 - Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định rất rõ về trách nhiệm của đại lý và doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng.

Cụ thể, theo Điều 88, trong trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm về hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết; đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm.

Trường hợp hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa khách hàng với bên mua bảo hiểm được thu xếp qua đại lý là nhân viên ngân hàng (chứ không chỉ giới thiệu khách hàng) thì sao?

Nếu hợp đồng bảo hiểm không được thu xếp qua đại lý/môi giới, nghĩa là khách hàng mua trực tiếp của doanh nghiệp bảo hiểm, thì doanh nghiệp không thể chi trả hoa hồng đại lý/môi giới cho bất kỳ ai, kể cả hoa hồng bảo hiểm hay chi phí khai thác cho ngân hàng. Lúc này, vấn đề xem xét trách nhiệm đại lý theo Điều 88 sẽ không được đề cập.

Ngược lại, nếu hợp đồng bảo hiểm được thu xếp qua đại lý là nhân viên ngân hàng, thì khách hàng sẽ có cơ sở xử lý tranh chấp, bởi khách hàng có quyền yêu cầu nhà bảo hiểm cung cấp bản sao chứng chỉ đại lý hoặc giấy ủy quyền giao dịch bảo hiểm.

Thực tế là khách hàng ngày một thận trọng trong việc ký hợp đồng bảo hiểm, nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng để quản trị rủi ro cho các hợp đồng được ký, nhất là trong điều kiện gặp sức ép không thể lựa chọn nhà tư vấn chuyên nghiệp. Ông có lời khuyên gì cho khách hàng trong trường hợp này?

Thời gian qua, tôi được nhiều khách hàng nhờ tư vấn về gói bảo hiểm có thể hạn chế tối đa rủi ro bị từ chối bồi thường khi sự cố xảy ra. Các khách hàng này đã mua bảo hiểm qua ngân hàng (do vay tiền của ngân hàng để thực hiện dự án, nên thường phải mua luôn bảo hiểm do ngân hàng chỉ định hoặc làm đại lý).

Lúc này, người tham gia bảo hiểm cần yêu cầu ngân hàng cung cấp chứng chỉ đại lý của người giao dịch bảo hiểm, giấy ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm cho ngân hàng cung cấp dịch vụ đại lý đi kèm hợp đồng bảo hiểm. Đây là căn cứ để khách hàng có thể truy trách nhiệm nếu có sai sót từ khâu giao dịch sau này.

Cụ thể phía bị truy trách nhiệm là ai, thưa ông?

Theo quy định, trong trường hợp đại lý thực hiện sai hợp đồng đại lý, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm chi trả bồi thường cho khách hàng, sau đó mới truy đòi đại lý. Tuy nhiên, nhiều đại lý bán bảo hiểm lại không nắm được quy định này, nhất là các đại lý của ngân hàng.

Thực tế cho thấy, sai sót của các đại lý này là khá phổ biến. Chẳng hạn, đại lý chỉ có chứng chỉ cơ bản (thời gian đào tạo ngắn, chỉ từ 3-5 ngày), nhưng lại đi bán các loại bảo hiểm phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao  như xây dựng, lắp đặt, hàng hải, tàu viễn dương... là không phù hợp. Thậm chí, có trường hợp nhân viên ngân hàng cứ nói đến học là né, hoặc học không đủ thời lượng theo quy định...

Năm 2018 được dự báo là năm bùng nổ về số lượng hợp đồng bảo hiểm được bán qua kênh ngân hàng. Để kênh này phát huy tối đa hiệu quả, việc đào tạo bài bản về bảo hiểm cho các đại lý bảo hiểm nói chung, nhân viên ngân hàng nói riêng, là rất cần thiết. 

Khách hàng cũng cần nắm rõ thỏa thuận liên quan đến việc triển khai bán bảo hiểm giữa ngân hàng và doanh nghiệp

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Chuyên gia bảo hiểm 

Để an toàn, ngoài yêu cầu nhân viên ngân hàng đưa ra chứng chỉ đại lý khi tư vấn bảo hiểm, khách hàng cần tìm hiểm ngân hàng đó đã hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh lĩnh vực tư vấn dịch vụ bảo hiểm hay chưa, vì muốn kinh doanh dịch vụ này, ngân hàng phải được cấp phép.

Bên cạnh đó, những thỏa thuận liên quan đến việc triển khai bán bảo hiểm giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm (trong đó có thỏa thuận về hoa hồng, chi phí...) có thể là bằng chứng chứng minh ngân hàng kinh doanh ngoài phạm vi giấy phép, khách hàng cũng cần nắm rõ. 

Tin bài liên quan