Giá mủ cao sụt giảm mạnh, đẩy nhiều công ty trồng và khai thác  cao su thiên nhiên vào khó khăn.

Giá mủ cao sụt giảm mạnh, đẩy nhiều công ty trồng và khai thác cao su thiên nhiên vào khó khăn.

Doanh nghiệp khai thác “vàng trắng” sụt giảm tăng trưởng

(ĐTCK) Cao su từng được ví như “vàng trắng”, một thời đem lại những khoản lợi nhuận khủng cho các doanh nghiệp cao su thiên nhiên. Nhưng đà giảm kéo dài của giá cao su trên thị trường thế giới kéo lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành ngày giảm sâu, thậm chí rơi vào thua lỗ.

2018 không phải là năm thuận lợi với CTCP Cao su Tân Biên - Kampongthom (TKR). Báo cáo tài chính quý III của Công ty cho biết, trong kỳ, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 20,6 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn chiếm đến 99% doanh thu (20,4 tỷ đồng) khiến Công ty chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận thuần 170 triệu đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế âm 371 triệu đồng. Cùng kỳ năm ngoái, Công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 500 triệu đồng.

Lũy kế, 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Cao su Tân Biên đạt 53,7 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Nhưng do chi phí giá vốn từ đầu năm tới nay tăng cao, lợi nhuận gộp của Công ty giảm 90% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 325 triệu đồng. Sau khi trừ đi chi phí quản lý doanh nghiệp, công ty này ghi nhận khoản lỗ hơn 1,4 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 9, Cao su Tân Biên lỗ lũy kế 24,7 tỷ đồng.

CTCP Cao su Quảng Nam (VHG) đã có hai năm liên tiếp thua lỗ và cổ phiếu đã bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 19/4/2018.

Nửa đầu năm nay, Cao su Quảng Nam không phát sinh doanh thu, trong khi vẫn phải gánh chịu các chi phí hoạt động, chi phí lãi vay… dẫn đến khoản lỗ hơn 12 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 30/6/2018 lên trên 1.028 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 509 tỷ đồng trên vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.

Giá mủ cao su trên thị trường thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường đang dư cung. Mùa mưa kéo dài ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong năm nay làm cho hoạt động khai thác cao su bị gián đoạn và nhiều công ty bị ảnh hưởng.

Giá bán mủ cao su bình quân giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu và lợi nhuận 8 tháng đầu năm nay của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) sụt giảm mạnh.

Theo ông Hồ Cường, Tổng giám đốc DPR, giá bán mủ cao su bình quân của Công ty giảm khoảng 13 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ 2017, đạt 34 - 35 triệu đồng/tấn, trong khi năm ngoái khoảng 47 triệu đồng/tấn.

Sản lượng tương đương, nhưng giá bán bình quân giảm mạnh so với năm ngoái khiến doanh thu và lợi nhuận của DPR giảm sâu. Trong quý II/2018, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của DPR giảm hơn 47%, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến hết 8 tháng năm 2018, DPR ghi nhận doanh thu 493 tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ), lợi nhuận gộp về sản xuất -  kinh doanh đạt 210 tỷ đồng, trong khi sản xuất - kinh doanh cao su đạt 14,2 tỷ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái. Giá bán cao su trung bình trong tháng 8 rớt về còn 31,8 triệu đồng/tấn.

Gặp khó khăn với mảng khai thác mủ cao su, nhiều doanh nghiệp tìm cách bù đắp lợi nhuận bằng khoản thanh lý vườn cây. Chẳng hạn, CTCP Cao su Tân Biên (RTB) ghi nhận lãi 208 tỷ đồng từ thanh lý vườn cao su trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi, 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính (khai thác mủ cao su) hơn 9,5 tỷ đồng.

Đánh giá được đưa ra từ CTCP Chứng khoán BSC, lợi nhuận từ mảng khai thác mủ cao su trong năm 2018 của một số doanh nghiệp như Cao su Phước Hòa sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ do hiện nay cây cao su của Công ty chủ yếu đã già, năng suất thấp.

Động lực tăng trưởng chính của Cao su Phước Hòa chính là khoản doanh thu ghi nhận từ diện tích đất chuyển giao cho VSIP trong nửa đầu năm 2018. Cùng với đó là doanh thu có được từ hoạt động thanh lý 1.000 ha cao su, với giá trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha.

Giá mủ cao su trên thị trường thế giới được dự báo tiếp tục giảm trong bối cảnh thị trường đang dư cung. Mùa mưa kéo dài ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên trong năm nay làm cho hoạt động khai thác cao su bị gián đoạn và nhiều công ty bị ảnh hưởng.

Số liệu thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phần nào cho thấy bức tranh chung của khối doanh nghiệp này trong 9 tháng đầu năm.

Theo đó, ước tính hết 9 tháng năm 2018, Việt Nam xuất khẩu cao su đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tuy tăng 10,9% về khối lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp cũng dự báo trong thời gian từ nay tới cuối năm giao dịch cao su có thể tiếp tục ảm đạm, giá bán giảm và doanh nghiệp cao su sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng năm 2018 đạt 1.397 USD/tấn, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan