Sau đại dịch, người lao động có yêu cầu mới đối với công việc.

Sau đại dịch, người lao động có yêu cầu mới đối với công việc.

Doanh nghiệp khát lao động khi bước vào "bình thường mới"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Bình thường mới” đã được thiết lập trên toàn quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp có chiến lược nhân lực phù hợp để lấy lại phong độ sau đại dịch.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Báo cáo của Navigos về nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng trong quý IV/2021 và dự báo xu hướng tuyển dụng trong quý I/2022 cho biết, các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng đang áp dụng chính sách thưởng để giữ chân hoặc thu hút nhân tài. Trong quý I/2022, tuyển dụng trong lĩnh vực này sẽ nhộn nhịp trở lại do các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng nguồn ngân sách mới.

Từ cuối quý IV/2021, các doanh nghiệp mới bắt đầu xuất hiện các dự án tuyển dụng số lượng lớn cho các vị trí như công nghệ thông tin (IT) trong các công ty tư vấn dịch vụ tài chính và các vị trí bán hàng từ các công ty bảo hiểm và ngân hàng để phục vụ cho việc mở rộng và phát triển kinh doanh năm 2022.

Đây cũng là những tín hiệu dự báo nhu cầu tuyển dụng quy mô lớn trong mảng tài chính - ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022. Một số ngân hàng và công ty chứng khoán cũng đang tìm kiếm nhân sự cấp cao cho các vị trí chủ chốt để dẫn dắt chiến lược kinh doanh mới.

Nhân sự ngành bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng cũng được dự báo sẽ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022.

Trước đó, trong quý III/2021, các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động thì phải thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, nghỉ, làm việc ngay tại nhà máy), chính sách này dẫn đến tốn kém nhiều chi phí. Thành ra, nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc đóng cửa tạm thời để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ mở cửa trở lại.

Đối với các doanh nghiệp vẫn hoạt động thì họ tập trung vào việc thực hiện “3 tại chỗ” nên không tập trung vào tuyển dụng.

Navigos Search ghi nhận sự sụt giảm nhu cầu tuyển dụng cũng như mức chi trả thấp hơn cho các vị trí trong ngành năng lượng thời gian qua.

Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhưng không tuyển được nhân sự do mức lương đang trả thấp hơn so với thị trường, dẫn đến phải cắt giảm một số tiêu chí tuyển dụng nhưng vẫn không tìm được ứng viên phù hợp.

Việc tuyển dụng ứng viên người nước ngoài cũng gặp rất nhiều khó khăn, do đó, các doanh nghiệp có xu hướng cân nhắc tuyển các ứng viên hiện đang ở Việt Nam hoặc điều chuyển các nhân sự trong cùng tập đoàn nhưng đang làm việc tại các nước khác, chứ không tuyển mới từ bên ngoài.

Có khá nhiều doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ là khách hàng của Navigos hoãn tuyển dụng, ngừng tuyển dụng trong quý III/2021, nhưng tình hình đã thay đổi khi bước sang quý IV và dự báo nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng mạnh trong giai đoạn đầu năm 2022.

Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dệt may, thủy sản sẽ cần tuyển thêm lao động do đơn hàng tăng cao ở các thị trường. Các doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng thay thế cho các nhân sự đã nghỉ việc, đồng thời củng cố thêm đội ngũ với những vị trí cần tay nghề và kỹ thuật cao.

Trở lại với cuộc đua về chuyển đổi số, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao khu vực này vẫn tăng. Đặc biệt, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ là xu hướng chung được quan sát ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng trong thời gian qua.

Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các ban dự án/khối chuyển đổi.

Theo đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.

Mảng nóng khác về nhân sự là ngành điện tử khi nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Thị trường chứng kiến nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn, trong đó có các dự án xây các trung tâm nghiên cứu (Research & Development – R&D) lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.

Bên cạnh đó, thị trường cũng quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng lớn các ứng viên biết tiếng Trung do có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Gồng gánh giữ nhân lực

Điểm sáng về bức tranh lao động, theo một cuộc khảo sát của Navigos cho thấy, trong đại dịch, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra; đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương; 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hàng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao.

Đối với các nhân sự là thực tập sinh và sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có khoảng 3% doanh nghiệp phải dừng hoạt động bởi ảnh hưởng từ đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư.

Trong đó, có khoảng 25% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng/khách sạn/du lịch và giáo dục/đào tạo; 16,7% thuộc ngành xây dựng - kiến trúc; 16,7% là doanh nghiệp chuyên gia công/chế biến/sản xuất.

Thị trường tuyển dụng trong các lĩnh vực kể trên cũng chưa có nhiều biến động khi bước vào “bình thường mới” để buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để tiếp cận và thích nghi để có thể quay trở lại thị trường tuyển dụng.

56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi trở lại hoạt động bình thường.

Có 56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi trở lại hoạt động bình thường. Tuy vậy, có khoảng 17,5% chưa thể ra được quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không.

Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.

Khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài… Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và người tìm việc.

Từ những dữ liệu thực tế và khảo sát xu hướng lao động của doanh nghiệp như vậy, doanh nghiệp cũng cần một chiến lược mới để phát triển nguồn nhân lực. Xã hội và nền kinh tế đang dần bước vào trạng thái "bình thường mới", nên người lao động cũng sẽ có những yêu cầu mới trong quá trình tìm việc.

Có thể, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà còn cân nhắc về chế độ làm việc và mô hình vận hành của một doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục.

Tin bài liên quan