Ông Vũ Tiến Lộc.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Doanh nhân lần đầu chính danh trong Hiến pháp

Khi doanh nhân là đội quân xung kích trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, được Chính phủ ghi nhận, được Đảng ra Nghị quyết để định hướng, chỉ đạo, thì việc được nêu chính danh trong Hiến pháp là vô cùng quan trọng.

Đó là đánh giá của ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi với 486/488 số phiếu tán thành.

Ông nghĩ thế nào về sự xuất hiện lần đầu của các chủ thể doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua?

Sự xuất hiện của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp không chỉ đơn thuần là đưa những cụm từ này vào Hiến pháp cho đủ cơ cấu các giai tầng xã hội, mà với vai trò là khuôn khổ pháp lý nền tảng của quốc gia, điều này hàm chứa một thông điệp chính trị và định hướng chính sách để xây dựng, phát huy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc giai đoạn mới, mà ở đó nhiệm vụ xây dựng kinh tế là trung tâm và doanh nghiệp, doanh nhân là đội quân xung kích.

Cùng với việc khẳng định vị trí của công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang trong Hiến pháp, thì việc bổ sung doanh nhân vào Hiến pháp là một bước tiến quan trọng, phù hợp với yêu cầu của lịch sử.

Trước đó, trong những dự thảo Hiến pháp sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến toàn dân, cụm từ doanh nghiệp cũng đã được nhắc tới…

Nhưng tại dự thảo đó, doanh nghiệp xuất hiện không phải với vai trò của một tổ chức được khuyến khích, thúc đẩy, được bảo vệ, mà là một đối tượng bị giám sát trong nội dung giám sát của tổ chức công đoàn. Như vậy không sai, nhưng chưa công bằng.

Đây chính là lý do mà khi thảo luận về Hiến pháp, tôi đã đề nghị Quốc hội, cùng với việc đưa doanh nhân, thì nên đưa thêm doanh nghiệp vào Điều 51, Hiến pháp và sửa khoản 3 của điều này theo hướng: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.

Khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp, doanh nhân đã bao hàm trong cụm từ “tổ chức, cá nhân”, nhưng điều đó là chưa đủ, nhất là với lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam, doanh nghiệp, doanh nhân đã phải trải qua những bước thăng trầm lớn, từ chỗ là đối tượng của các cuộc cải tạo công thương nghiệp, rồi bị coi là con buôn, con phe trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung…

Cho tới thời điểm này, khi doanh nhân đã trở thành một lực lượng xã hội, là đội quân xung kích trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, được Chính phủ ghi nhận trong quyết định mỗi năm có một ngày doanh nhân, được Đảng ra Nghị quyết để định hướng, chỉ đạo xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân…, thì việc được nêu chính danh trong Hiến pháp là vô cùng quan trọng.

Với việc xuất hiện trong Hiến pháp, doanh nghiệp, doanh nhân lần đầu tiên được khẳng định là một chủ thể đóng vai trò nền tảng trong phát triển nền kinh tế quốc gia, thưa ông?

Hàm ý chính sách ở đây là chúng ta khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất với mọi quy mô, mọi loại hình, nhưng cần nhấn mạnh loại hình sản xuất bài bản, được điều hành bởi các doanh nhân. Đây chính là khu vực kinh doanh hiện đại, có quy mô đủ lớn, có hiệu quả và là động lực tăng trưởng chính của mọi nền kinh tế.

Đây cũng là một thông điệp chính trị, một khung khổ pháp lý vững chắc, lâu dài, bảo đảm quyền được tự do kinh doanh, được khuyến khích, bảo hộ của doanh nghiệp, doanh nhân. Điều này một mặt tạo niềm tin cho doanh nhân, đề cao trách nhiệm của doanh nhân, mặt khác cũng yêu cầu hệ thống chính sách, thể chế quốc gia cần được chuyển dịch để phục vụ cam kết này, theo nguyên tắc cổ vũ làm ăn bài bản, có tổ chức, minh bạch và hiện đại, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo điều kiện chuyển các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, để sớm có được một đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hùng mạnh, có đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhập.

Đặc biệt, sự xuất hiện của doanh nghiệp, doanh nhân, nhấn mạnh chủ thể của nền kinh tế là doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp sửa đổi đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về việc phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta.

>> Dự thảo Hiến pháp sửa đổi: Tạo vị thế bình đẳng cho DN tư nhân