Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu phục hồi tích cực cùng kỳ vọng năm 2024 bức tranh kinh doanh sáng hơn.

Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu phục hồi tích cực cùng kỳ vọng năm 2024 bức tranh kinh doanh sáng hơn.

Đơn hàng tăng trở lại, doanh nghiệp tự tin phục hồi, tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp. Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy tín hiệu phục hồi tích cực cùng kỳ vọng năm 2024 bức tranh kinh doanh sáng hơn.

Đơn hàng tăng trưởng liên tiếp trong hai tháng đầu năm

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt kết quả 50,4 trong tháng 2, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất thể hiện thông qua chỉ số vẫn chỉ là nhẹ.

Ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2 khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng tháng thứ hai liên tiếp. Đà tăng trưởng duy trì đã giúp việc làm tăng trở lại, trong khi niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của một năm. Các công ty cũng đã tăng giá bán hàng để bù đắp mức tăng của chi phí đầu vào.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence nhận định: “Các nhà sản xuất đã có thể dựa vào sự tăng trưởng trở lại trong tháng 1 với đà tăng trưởng tiếp tục trong tháng 2. Các yếu tố đặc biệt tích cực của kỳ khảo sát PMI mới nhất là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tổng thể vẫn tương đối yếu, và điều này khiến các công ty tiếp tục thận trọng trong hoạt động mua hàng và duy trì hàng tồn kho.

Tương tự như vậy, mặc dù giá cả đầu ra đã tăng sau khi giảm trong tháng 1, mức độ tăng giá chỉ là nhẹ khi một số công ty vẫn ngần ngại trong việc tăng giá trong một môi trường cạnh tranh. Các nhà sản xuất sẽ cần có số lượng đơn đặt hàng mới duy trì và tăng mạnh hơn trước khi họ có thể đủ tự tin mua hàng hóa đầu vào và bắt đầu tăng thêm giá bán hàng tương ứng với gánh nặng chi phí”.

Doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã chứng khoán TCM) cho biết, tín hiệu phục hồi đã rõ nét hơn với tốc độ tăng của sản lượng đơn hàng. TCM đã nhận đơn hàng đến hết quý II, một số đơn hàng chuẩn bị cho quý III/2024. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chịu áp lực của cạnh tranh, sản lượng tăng nhưng giá bán chưa cao. Để có lợi nhuận doanh nghiệp phải kiểm soát chi phí tốt.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán công nhân quay trở lại làm việc đông đủ góp phần đảm bảo năng suất cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam có lợi thế về chất lượng tốt, đây là thế mạnh để khi thị trường toàn cầu phục hồi, lượng đơn hàng đến nhiều hơn. Lãnh đạo một nhà máy may ở Nghệ An cho biết, khi ngành may có dấu hiệu phục hồi, các khách hàng đối tác đã tự tìm đến, ký kết nhiều hợp đồng với doanh nghiệp, công nhân làm không hết việc. Doanh nghiệp này đang tập trung sản xuất đơn hàng xuất đi thị trường châu Âu và Mỹ.

Được biết, năm 2024 toàn ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD so với năm 2023.

Các doanh nghiệp cũng tự tin đặt mục tiêu tăng trưởng. Đơn cử như Công ty cổ phần Đầu tư thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) đặt mục tiêu tăng trưởng 10% cả doanh thu và lợi nhuận. TCM đặt mục tiêu tăng trưởng 15%. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex - mã chứng khoán VGT) đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 3% đạt 17.356 tỷ đồng và lợi nhuận tăng trưởng 10% đạt 415 tỷ đồng.

Tăng sản lượng, giảm chi phí và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nâng cao năng suất là nỗ lực của doanh nghiệp để có tăng trưởng.

Đối với doanh nghiệp ngành gỗ, mới đây tại Hội chợ quốc tế đồ gỗ, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ TP.HCM cho biết, thị trường gỗ đang phục hồi trở lại khi tháng đầu năm 2024 xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng tới 72,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện đơn hàng tại nhiều doanh nghiệp đã phục hồi đến 80-90%, có doanh nghiệp đã nhận đơn hàng đến hết tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, khách hàng có yêu cầu khắt khe hơn về các tiêu chuẩn, mẫu mã, đòi hỏi các doanh nghiệp liên tục thay đổi để cạnh tranh về cả sản phẩm và giá bán.

Trong hai tháng đầu năm, cả nước có 41.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có hơn 20.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.

Các chuyên gia nhận định, nếu trong quý I/2024 có làn sóng đặt hàng, xuất khẩu tăng trưởng trở lại, có thể hàng chục ngàn doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động sẽ quay lại chuỗi sản xuất, phục vụ xuất khẩu.

Năm 2024, xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu đạt 377 tỷ USD, tăng trưởng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mục tiêu được đánh giá có tính khả thi cao. Thị trường Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục mở rộng dư địa tăng trưởng.

Tin bài liên quan