Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Dự báo sau năm 2019, xuất khẩu có thể chững lại do đà giảm tốc kinh tế thế giới

(ĐTCK) Theo Bộ Công thương, với mức xuất siêu cao kỷ lục 9,12 tỷ USD trong 11 tháng và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng tăng 7,8% so với cùng kỳ, dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là đưa mức tăng trưởng tăng 7 – 8% so với năm 2018, kiểm soát nhập siêu dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bức tranh xuất khẩu có nhiều điểm đáng chú ý. Tính đến hết tháng 11/2019, đã có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (48,73 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (29,89 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (32,4 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (16,47 tỷ USD), giày dép các loại (16,49 tỷ USD).

Khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng với mức tăng 18,1%, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn gần 5 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô - đạt 3,8%). Qua đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,95% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 29,16%).

Đáng chú ý, các nhóm thị trường mà Việt Nam có ký kết FTA và đang thực thi đều ghi nhận tăng trưởng tốt, cho thấy đã chủ động khai thác có hiệu quả các FTA đã ký kết. Trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản 11 tháng đầu năm tăng 7,6%; xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 10,1%; xuất khẩu sang ASEAN tăng 2,5%; xuất khẩu sang Nga tăng 9,1%; xuất khẩu sang New Zealand tăng 6,8% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu sang Canađa 11 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%).

Dự báo về cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 12, Bộ Công thương cho rằng nhiều khả năng sẽ nghiêng về nhập siêu khi các doanh nghiệp sẽ nhập lượng lớn hàng hóa sản xuất và tiêu dùng nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất cuối năm và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Samsung sẽ tăng cường nhập khẩu các linh kiện điện tử nhằm phục vụ cho đợt ra mắt sản phẩm mới vào quý I/2020.

Tuy nhiên, với việc cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng/2019 duy trì thặng dự lên tới 9,11 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2018 xuất siêu 7,58 tỷ USD), do đó dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam. Việc kiểm soát tốt cán cân thương mại đã góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ và giảm áp lực tăng tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu trong năm 2020 và thời gian tới, Bộ Công thương cho rằng có một số yếu tố thuận lợi giúp đẩy mạnh xuất khẩu.

Cụ thể, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế với 13 FTA được ký kết và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với nhiều nhà cung cấp khác nhờ hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ.

Dự kiến năm 2019 sẽ vẫn là năm xuất siêu thứ 4 liên tiếp của Việt Nam   

Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và dự kiến có hiệu lực năm 2020 đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cấp mới trong tháng 10/2019 đạt mức cao nhất từ đầu, với trị giá đạt 1,86 tỷ USD. Tính chung cho 10 tháng năm 2019, tổng trị giá vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và vốn cổ phần đạt 29,1 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.

FDI không chỉ giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm, mà còn thúc đẩy xuất khẩu, mang tới động lực tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ dự báo sẽ tiếp tục tăng do sự chuyển dịch các đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng chỉ ra những yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới, trong đó có xu hướng giảm tốc tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Nhiều tổ chức đã dự báo kinh tế thế giới trong thời gian tới tiếp tục giảm tốc. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ngày 21/11 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, đồng thời cho biết không thấy có dấu hiệu kinh tế toàn cầu năm 2021 phục hồi mạnh do những rủi ro từ căng thẳng thương mại.

Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,9% năm 2020, giảm 0,1 phần trăm điểm so với dự báo tổ chức này đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. 

Trong tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,0% trong năm 2019, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7 và là mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ phục hồi lên 3,4% trong năm 2020, nhưng dự báo này vẫn thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra vào tháng 7/2019.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tiếp tục tác động đa chiều tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu giảm. Ngoài ra, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc còn gặp nhiều trở ngại do nước này tăng cường kiểm tra, siểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

Chỉ số PMI, đo lường sức khỏe của ngành chế biến chế tạo trong những tháng gần đây không mấy khả quan. Trong tháng 10/2019, chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, xuống chỉ còn 50 điểm – mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điểm sáng là số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng đã có sự chậm lại rõ rệt.

Đáng chú ý, xuất khẩu điện thoại các loại – mặt hàng có có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, cạnh  tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hoá nông sản, thuỷ sản do ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản trong khi cầu hạn chế.

Bên cạnh đó, kiểm soát vấn đề chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc, năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đang là vấn đề cần được quan tâm mạnh mẽ. Trong khi giá các mặt hàng nông, thuỷ sản đang trong xu hướng giảm.

Ngoài ra, một yếu tố thách thức nữa là xuất khẩu sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian qua có thể kéo theo hệ lụy về việc tăng kiểm soát nhập khẩu từ Việt Nam tới đây.

Tin bài liên quan