Đừng làm khó thêm doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Nếu tư duy quản lý nhà nước vẫn không thay đổi theo yêu cầu của cơ chế thị trường, thì cũng không thể thực hiện được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân.
Đừng làm khó thêm doanh nghiệp

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phải có công văn gửi Bộ Công thương về Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, với mong muốn không ban hành thông tư này, vì chưa thấy rõ cơ sở pháp lý, hoặc chí ít cũng làm rõ tính cần thiết của chính sách nói trên.

Lo ngại của VCCI là, nếu tuân thủ theo nội dung Dự thảo, thì các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi sẽ phải tự phân loại theo tiêu chí trong Thông tư và sẽ bị xử phạt một khi phân loại không chính xác.

Hơn thế, các siêu thị, trung tâm thương mại hay cửa hàng tiện lợi sẽ phải tuân thủ hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn mới, như phải có nơi trông giữ xe, chỗ để xe hoặc bãi đỗ xe cho khách hàng; phải có dịch vụ ăn uống, giải trí; khu vực dành cho hoạt động vui chơi giải trí, hay có nơi bảo quản hành lý cá nhân... Chưa kể có những quy định bất khả thi, nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp như “đối tượng phục vụ là khách hàng trong phạm vi dưới 500 m”...

VCCI đã buộc phải gọi đây là những quy định bất hợp lý, can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và làm gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết.

Nếu phải tuân thủ, các chi phí này sẽ làm tăng giá cả hàng hoá và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Nhưng vấn đề là môi trường kinh doanh, vì những quy định kiểu trên, sẽ trở nên bấp bênh, khó hiểu, khiến doanh nghiệp giảm sức cạnh tranh ngay khi chưa bắt đầu bước chân vào thị trường...

Đây không chỉ là lo ngại cá biệt của VCCI với một văn bản cá biệt của Bộ Công thương.

Trong báo cáo 6 tháng thực hiện Nghị quyết 02/2022/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phải báo cáo Chính phủ tình trạng tương tự khi nhiều kiến nghị của doanh nghiệp chậm được giải quyết. Không những thế, có nhiều đề xuất không hiểu vì sao chưa được thực hiện.

Chẳng hạn, việc doanh nghiệp đề nghị thay đổi yêu cầu đăng ký lưu hành nước rửa tay khô từ nộp hồ sơ và nhận kết quả bản cứng tại Cục Quản lý môi trường y tế sang 100% trực tuyến. Các doanh nghiệp cho biết, sản phẩm này có công thức đơn giản, được sử dụng phổ biến trong đời sống với tính an toàn cao, nhiều nước quản lý như sản phẩm mỹ phẩm, trong khi đó ở Việt Nam, quy trình đăng ký, kiểm nghiệm phức tạp của sản phẩm diệt khuẩn mất 4-6 tháng.

Tương tự, thủ tục cấp số tiếp nhận mỹ phẩm nhập khẩu tại Cục Quản lý dược được tiến hành trực tuyến, nhưng vẫn phải đóng phí trực tiếp...

Thực tế này khiến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, dù được xác định là đang tăng về số lượng các thủ tục hành chính kết nối điện tử, nhưng doanh nghiệp chưa cảm nhận được sự thuận lợi, minh bạch đáng ra phải có... Thậm chí, trong nhiều trường hợp (như doanh nghiệp nhập khẩu mỹ phẩm), họ thấy bị làm khó hơn khi nhiều sở y tế công bố dịch vụ công đã ở cấp độ 3 hoặc 4, nhưng trên thực tế vẫn yêu cầu bản cứng...

Hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là cụm từ được nhắc tới nhiều nhất trong các phiên làm việc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương suốt 2 năm diễn ra dịch bệnh và cũng là từ khóa của nhiều cuộc làm việc của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương từ đầu năm đến nay.

Vài ngày trước, sau cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng đã tiếp tục giao các bộ, ngành nghiên cứu thêm phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Mục tiêu không chỉ là giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, mà quan trọng hơn là không để vuột cơ hội phát triển, tăng trưởng mạnh hơn.

Nhưng chính trong giai đoạn này, nếu tư duy quản lý nhà nước vẫn không thay đổi theo yêu cầu của cơ chế thị trường, theo yêu cầu mới của tiến trình phát triển, thì cho dù các giải pháp, đề xuất chính sách mới có được đưa ra, song cũng không thể thực hiện được yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân.

Tin bài liên quan