Fiin Credit tham gia “giải cứu” nhà đầu tư của VO247 sau sự cố cạn thanh khoản

Fiin Credit tham gia “giải cứu” nhà đầu tư của VO247 sau sự cố cạn thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi VO247, một ứng dụng cho vay ngang hàng (P2P Lending) với gần 6.000 nhà đầu tư cạn thanh khoản, không cho phép nhà đầu tư rút tiền, một ứng dụng cho vay khác là Fiin Credit công bố sẽ cùng chịu trách nhiệm trả cả gốc và lãi cho nhà đầu tư.

VO247 - ứng dụng vay và cho vay online, có website vayonline247.vn, do Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247 điều hành đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc tạm ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền về.

Tiếp theo đó, ngày 29/11/2022, CEO VO247 Tạ Thanh Long đã gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư đưa ra các giải pháp bao gồm tiến hành phá sản, chuyển giao quyền sở hữu các tài sản cho nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ cử đại diện trực tiếp nhận chuyển giao tài sản, tự thực hiện quá trình thanh lý và thu hồi vốn.

Cũng theo thông tin tại cuộc gặp gỡ này, tổng số tiền mà VO247 cần trả cho các nhà đầu tư, bao gồm cả gốc và lãi, vào khoảng 150 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị các tài sản VO247 đang sở hữu ước tính khoảng 120 tỷ đồng.

Ngày 30/11/2022, CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh đã tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư của VO247 với cam kết sẽ cùng VO247 thực hiện các nghĩa vụ với nhà đầu tư.

CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư VO247

CEO Fiin Credit Trần Việt Vĩnh chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư VO247

Cụ thể, chia sẻ tại sự kiện trực tiếp và trực tuyến với nhà đầu tư, CEO Fiin Credit đề xuất 2 giải pháp. Thứ nhất, Fiin Credit sẽ chịu trách nhiệm cùng VO247 tổ chức, duy trì hoạt động của VO247 nhằm thu hồi nợ, thanh lý tài sản, trả tiền cho nhà đầu tư. Trong thời gian này, VO247 sẽ không tiến hành giải ngân khoản vay mới.

“Sau khi VO247 thực hiện thu hồi nợ, thanh lý tài sản và hoàn trả tiền, nếu VO247 hoặc CEO Tạ Thanh Long không hoàn trả được hết, tính tới thời điểm chốt sổ trên hệ thống, cá nhân tôi cùng Fiin Credit sẽ đứng ra trả toàn bộ số nợ còn lại”, ông Vĩnh cam kết.

Để làm được điều này, Fiiin Credit sẽ tham gia để làm rõ số liệu, tra soát tài sản cho vay, thẩm định lại khách hàng và tính thanh khoản của các tài sản cầm cố…

Thứ hai, Fiin Credit, VO247 và nhà đầu tư có thể thực hiện lấy số liệu để xác nhận và làm hợp đồng 3 bên, cho phép VO247, hoặc Fiin Credit nhận nợ số tiền của nhà đầu tư trên hệ thống. Khi đó, VO247 hoặc Fiin sẽ trở thành “con nợ” và có trách nhiệm trả nợ cho nhà đầu tư.

“Chúng tôi sẽ thực hiện các hoạt động tiếp theo như thu hồi nợ, thanh lý tài sản và trả dần tiền cho nhà đầu tư trong lộ trình có thể là 12 tháng. Bởi qua tìm hiểu ban đầu, các dự án bất động sản, tài sản mà VO247 nhận cầm cố từ khách hàng không dễ thanh lý ở thời điểm này. Nguyên nhân xuất phát từ cả diễn biến chung của thị trường và các yếu tố pháp lý”, ông Vĩnh cho biết.

Đáng chú ý, trả lời câu hỏi từ đại diện nhà đầu tư, ông Vĩnh chia sẻ, Fiin Credit và VO247 sẽ trả cả gốc và phần lãi cho nhà đầu tư, nhưng ở mức lãi suất thoả thuận, thấp hơn lãi suất mà VO247 cam kết trước đây với nhà đầu tư là 18 - 18,25%/năm.

Toàn cảnh cuộc gặp gỡ nhà đầu tư

Toàn cảnh cuộc gặp gỡ nhà đầu tư

Chia sẻ thêm về lý do tham gia vào vụ việc của VO247, ông Vĩnh cho biết: “Việc cùng VO247 giải quyết các nghĩa vụ với nhà đầu tư là cần thiết để bảo vệ thị trường chung, bảo vệ mô hình dịch vụ mới hình thành tại Việt Nam trong 4-5 năm qua, trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý chưa đầy đủ”.

Cụ thể hơn, có một số lý do Fiin Credit tham gia “giải cứu” nhà đầu tư VO247. Theo đó, việc VO247 đổ vỡ, mất khả năng thanh khoản, không thể hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trước hết ảnh hưởng xấu tới tâm lý nhà đầu tư nói chung, tác động tới hoạt động kinh doanh của các công ty P2P Lending, trong đó có Fiin Credit.

Thứ hai, hiệu ứng lan ra từ sự việc VO247 mất khả năng thanh khoản sẽ tác động tiêu cực tới góc nhìn của cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách đối với lĩnh vực này, thậm chí có thể dẫn tới “bị cấm cửa” đối với dịch vụ cho vay ngang hàng.

Thứ ba, tạo “thói quen xấu” với khách hàng đang vay qua các ứng dụng P2P Lending. Theo ông Vĩnh, cách đây vài năm, các công ty dịch vụ tài chính Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam và tiến hành việc cho vay với thủ tục rất đơn giản, nhưng lãi suất rất cao, có thể lên tới 30%/tuần. Điều này dẫn tới tâm lý người vay tiền là thích sử dụng các ứng dụng cho vay “dễ dãi” và tìm cách bùng, không trả nợ. Thậm chí, xuất hiện các cộng đồng người dùng trên internet chia sẻ cách vay tiền và trốn nợ của các app. Đây chính là giai đoạn khủng hoảng khi các công ty Trung Quốc làm hoen ố thị trường.

CEO VO247 Tạ Thanh Long trước đây từng là cộng sự và làm việc tại Fiin Credit trước khi tách ra thành lập VO247 vào năm 2019.

Tin bài liên quan