Thị trường fintech Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024.

Thị trường fintech Việt Nam được dự báo sẽ đạt mốc 18 tỷ USD vào năm 2024.

Fintech Việt: Cơ hội lớn nếu sớm có “sandbox”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để thị trường công nghệ tài chính (fintech) phát triển, nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với Chính phủ và các bộ, ngành là nhanh chóng ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox).

Fintech Việt vẫn là mảnh đất màu mỡ

Theo bảng xếp hạng Thương hiệu tốt nhất Việt Nam được YouGov (hãng nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại Anh) công bố ngày 16/11/2022, với điểm số tuyệt đối tăng, MoMo vươn lên đứng vị trí thứ 5 trong nhóm 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, thăng 5 hạng so với vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng năm 2021.

Thông tin này là điểm sáng của năm 2022 đối với thị trường fintech Việt, bởi MoMo là đại diện fintech duy nhất xuất hiện trong Top 10, đứng cạnh các tên tuổi lớn trong và ngoài nước như Samsung, Vietnam Airlines, Kinh Đô, Panasonic, Biti’s…

Trong diễn biến có liên quan, thông tin từ Quỹ Do Ventures & Cento Ventures Research cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số lượng giao dịch có quy mô gọi vốn từ 10 - 50 triệu USD đạt kỷ lục, gần bằng cả năm 2021.

Điều đó cho thấy, các công ty đã huy động vốn vòng trước Series A (Pre-A) và Series A vào năm 2021 đã tăng trưởng sang bước giai đoạn tiếp theo. Số lượng thương vụ có giá trị từ 3 - 10 triệu USD và lớn hơn 50 triệu USD là ngang nhau.

Trong số những ngành được lựa chọn đầu tư, fintech xếp thứ hai, bởi các nhu cầu về thanh toán đang ngày càng trở nên phổ biến, các công ty dịch vụ tài chính cũng trở nên nổi bật hơn với các mô hình kinh doanh tiềm năng như quản lý tài sản, bảo hiểm, nền tảng ứng lương tức thì.

Tuy nhiên, có một số liệu đáng lưu ý đến từ báo cáo Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, đầu tư công nghệ tại Việt Nam suy giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số vốn đầu tư được rót ra giảm 17,9%, số lượng thương vụ giảm 13%. Đặc biệt, trong quý III/2022, đầu tư vào công nghệ giảm mạnh.

Có phải thị trường fintech Việt đang trở nên kém hấp dẫn hơn so với trước?

Một báo cáo của Tập đoàn Robocash cho biết, Việt Nam có nhiều yếu tố trở thành một trong những thị trường fintech hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Thứ nhất, dân số đông đảo và là đối tượng tiềm năng của fintech. Theo đó, Việt Nam có dân số gần cán mốc 100 triệu người và độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi (cũng là thời điểm người tiêu dùng năng động nhất).

Người dân có quyền truy cập rộng rãi vào công nghệ (mức độ thâm nhập của Internet là 73%, 98% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh) và có sự phát triển tài chính khá ổn định (thu nhập trung bình hàng năm là 3.600 USD, tương đương với Indonesia và Philippines).

“Đây là những yếu tố tạo ra một thị phần màu mỡ để tăng tốc phát triển fintech”, chủ tịch một công ty tư vấn nhận định.

Thứ hai, Việt Nam đang bứt phá trong cuộc đua trở thành nền kinh tế không tiền mặt hàng đầu khu vực. Cụ thể, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỷ lệ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng lên 95%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở Đông Nam Á.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong 11 tháng đầu năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 85,6% về số lượng và tăng 31,39% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 89,36% và 40,55%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 116,1% và 92,3%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 182,5% và 210,6%; giao dịch qua POS tăng tương ứng 53,57% và 48,78%; giao dịch qua ATM tăng tương ứng 13,28% và 14,04%.

Thứ ba, thực tế cho thấy, thị trường fintech Việt Nam chưa bão hòa so với các nước lân cận. Điều này đúng cho cả nhu cầu (chỉ 27% người trưởng thành sử dụng trang web/ứng dụng di động cho các dịch vụ ngân hàng, đầu tư hoặc bảo hiểm hàng tháng) và nguồn cung - số lượng công ty fintech trong nước vào tháng 9/2022 ước tính chỉ có 188.

Con số này ít hơn nhiều hơn ở các nước láng giềng như Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines hay Thái Lan, thu hút sự chú ý ngày càng tăng của các nhà đầu tư. Xét về các thương vụ tài trợ cho fintech trong ASEAN+6, Việt Nam đứng ở vị trí thứ ba (sau Singapore và Indonesia).

Robocash Group dự báo, năm 2024, thị trường fintech Việt Nam sẽ chạm mốc 18 tỷ USD (tăng gấp 4 so với mức 4,5 tỷ USD năm 2016). Ước tính, 93% vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam được dành cho mảng ví điện tử và thanh toán điện tử.

Cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý

Vị chủ tịch công ty tư vấn trên nhận xét, khung pháp lý về fintech tại Việt Nam hiện nay chưa đầy đủ và đồng bộ với các hoạt động fintech trên thực tế.

Quy định pháp lý điều chỉnh lĩnh vực fintech đang nằm rải rác trong các văn bản như Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, Nghị định 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, Nghị định 35/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, Thông tư 18/2018/TT-NHNN ngày 21/8/2018 về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng...

Các quy định pháp luật hiện nay chỉ đáp ứng một phần cho lĩnh vực fintech trong các hoạt động của ngân hàng, chưa đề cập đến các lĩnh vực khác đang trở thành xu hướng của fintech thế giới như hoạt động tín dụng, huy động vốn, tiền mã hóa... Các quy định về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ cũng như mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech là chưa rõ ràng.

“Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất sáng kiến thiết lập khuôn khổ pháp lý và cơ chế sandbox cho lĩnh vực fintech từ năm 2017, nhưng đến nay, kế hoạch này chưa được hiện thực hóa bởi nhiều lý do”, vị chủ tịch công ty tư vấn nói.

Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các bộ, ngành.

Do vậy, để thị trường fintech Việt phát triển, nhiệm vụ cấp bách hiện nay đối với Chính phủ và các bộ, ngành là cần nhanh chóng ban hành cơ chế sandbox cho fintech.

TS. Phạm Nguyễn Anh Huy, sáng lập viên Trung tâm Fintech-Crypto RMIT, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, cơ chế này cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động fintech tại Việt Nam, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành tại Việt Nam. Nếu không có cơ chế sớm (chậm nhất là giữa năm 2023), Việt Nam có thể để vuột mất cơ hội trở thành trung tâm fintech-blockchain hàng đầu trong bối cảnh các quốc gia khác đang đẩy mạnh cạnh tranh”.

Trả lời câu hỏi của Đầu tư Chứng khoán về tiến độ ban hành cơ chế quản lý thử nghiệm fintech, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước nói: “Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và các kế hoạch, hoạt động về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng. Trong nội dung hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Nghị định sandbox được Ngân hàng Nhà nước hết sức chú trọng. Tới thời điểm hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng và chúng tôi đang hoàn thiện trên cơ sở đóng góp ý kiến của các bộ, ngành và sẽ trình lại Chính phủ trong thời gian sớm nhất”.

Tin bài liên quan