Giá khí cho điện, đạm có xu hướng tăng

Giá khí cho điện, đạm có xu hướng tăng

(ĐTCK) Đại diện Bộ Công Thương cho biết, giá khí cho điện, đạm có thể tăng lên trong thời gian tới theo thực tế thị trường, bởi mỏ khí giá rẻ suy giảm về sản lượng.

Áp lực tăng giá khí

Khí tự nhiên là nguồn nguyên liệu đầu vào chính của các công ty đạm như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ…, nên cơ chế giá khí được các doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm. Dự báo năm 2019 sẽ có những thay đổi nhất định về giá khí cho đạm và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, giá đạm, giá sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.

Hiện tại, Đạm Cà Mau đang được hưởng lợi từ cơ chế giá khí hợp lý giai đoạn 2015 - 2018 của Chính phủ, nhằm giúp doanh nghiệp tích lũy lợi nhuận, tái đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đạm sẽ phải đối diện với bài toán mới khi sản lượng mỏ khí tự nhiên giảm dần, phải sử dụng khí nhập khẩu và giá khí sẽ tăng theo thực tế.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và than, Bộ Công Thương cho biết, từ trước tới nay, Đạm Cà Mau đang được ưu tiên các nguồn khí giá rẻ, do đặc thù chi phí ban đầu của ngành này rất lớn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Nhà nước phải cân đối về giá khí khi doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu, cổ phần hóa và phải sử dụng thêm các nguồn khí mới.

“Xu hướng giá khí cho đạm sẽ tăng theo thực tế, bởi các mỏ khí giá rẻ dần suy giảm sản lượng. Cụ thể, Việt Nam đang có kế hoạch nhập khẩu khí từ Malaysia và có thể trộn chung với đường ống khí cung cấp cho điện, đạm tại Cà Mau. Khí của nhà máy đạm sẽ chịu chi phí tăng lên nhất định, mức độ tăng đang được tính toán và cân đối trên cơ sở đảm bảo tính hiệu quả”, bà Quỳnh cho biết.

Bên cạnh đó, theo bà Quỳnh, hiện cơ chế giá khí mới cho Đạm Cà Mau đang được trình Chính Phủ xem xét trên nguyên tắc rà soát lại hiệu quả của dự án, tiết kiệm chi phí của nhà máy, tỷ trọng nhà máy điện và nhà máy khí, cũng như vấn đề thoái vốn tại Đạm Cà Mau.

Bổ sung nguồn khí tương lai

Thực tế, nguồn khí trong nước về dài hạn không đáp ứng đủ nhu cầu, do đó, các doanh nghiệp có yêu cầu cấp bách bổ sung nguồn khí cho các nhà máy điện ở khu vực Đông Nam Bộ, cũng như các nhà máy điện trong tương lai. Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Ban thị trường, Tổng công ty Khí Việt Nam, có 2 cách để gia tăng nguồn cung khí. Thứ nhất là xây dựng bổ sung nguồn khí tự nhiên trong nước, thứ hai là nhập khẩu khí bằng đường ống và khí hóa lỏng (LPG).

Hiện tại, LPG là một trong những giải pháp phổ biến trên thế giới. Các số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2017, có 19 nước xuất khẩu LPG, tổng sản lượng 286 triệu tấn/năm. Dự báo trong giai đoạn 2020 – 2030, nhu cầu tiêu thụ LPG toàn thế giới sẽ đạt 360 triệu tấn/năm.

Tại Việt Nam, khi nguồn cung trong nước không đủ, nhu cầu nhập khẩu khí sẽ tăng cao, đòi hỏi các kho LPG phải có cơ sở hạ tầng tốt. Tuy nhiên, các mỏ LPG hiện nay đang chậm tiến độ. Đơn cử, mỏ Thị Vải có cơ sở hạ tầng về khí, nhưng kho LPG Thị Vải nhiều khả năng sang năm 2022 mới hoàn thành, chậm 2 năm so với tiến độ ban đầu là năm 2020. Trong khi đó, Dự án LPG Sơn Mỹ (Bình Thuận) với công suất 3,6 triệu tấn/năm được kỳ vọng năm 2023 hoàn thành.

Trước đây, trong chiến lược khai thác và sử dụng khí thiên nhiên, khu vực Đông Nam Bộ được dự tính sẽ có thêm một kho chứa LPG tại Tiền Giang. Tuy nhiên, sông Xoài Rạp hạn chế về luồng lạch nên có thể phải lựa chọn vị trí khác. Hiện Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu xây dựng các cảng LPG tại Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), gần Cà Ná (Ninh Thuận - Bình Thuận) hoặc Bạc Liêu.

Trong bối cảnh này, theo bà Quỳnh, lợi thế của Việt Nam là thuận lợi trong việc nhập khẩu khí, đặc biệt là chi phí vận chuyển LPG từ Mỹ về Việt Nam khá rẻ. Chưa kể, nguồn vốn đầu tư cho LPG phát điện đang dồi dào. Tuy nhiên, khó khăn chính vẫn là cụm khí điện, đạm hiện nay khó cạnh tranh về giá bán điện so với điện than, thủy điện nên cần xem xét mức độ ưu tiên trong thời gian tới. Đồng thời sẽ huy động đầu tư tư nhân vào LPG phát điện khi cần thiết.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Khí đề xuất cơ chế chính sách để trình Thủ tướng trong thời gian tới xem xét theo hướng chuyển ngang từ giá LPG nhập về sang giá điện. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là thị trường điện chưa chuyển sang thị trường cạnh tranh hoàn toàn. Bộ Công Thương đang xây dựng kế hoạch giá nhưng phải phù hợp với lộ trình phát triển điện nói chung và hài hòa lợi ích của tất cả các ngành năng lượng điện, than, dầu khí nói riêng”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Tin bài liên quan