5 tháng đầu năm 2018, riêng tại TP.HCM, có 354 dự án FDI mới

5 tháng đầu năm 2018, riêng tại TP.HCM, có 354 dự án FDI mới

Giải quyết tranh chấp đầu tư nước ngoài: Cần cơ chế phù hợp

(ĐTCK) Trong bối cảnh hội nhập, tranh chấp trong đầu tư quốc tế là khó tránh. Để giải quyết vấn đề này, cần một cơ chế xử lý phù hợp với thực tiễn, song điều quan trọng nhất là phải đánh giá đúng tình hình tranh chấp và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

4 nguyên nhân dẫn đến tranh chấp

Chia sẻ tại Hội thảo Phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, tại TP.HCM, tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 354 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 402,99 triệu USD...               

"Dòng vốn FDI đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng, tác động tích cực đến kinh tế Thành phố. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý tốt hoạt động đầu tư nước ngoài", bà Mai nói.

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, có 4 nguyên nhân chính dễ dẫn đến nảy sinh các vụ tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Một là, nhiều dự án đầu tư có vốn nước ngoài được cấp phép trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu mở cửa đến nay đã chuẩn bị hết thời hạn hoạt động, việc xem xét gia hạn khó khăn, dễ dẫn đến phản ứng tiêu cực từ phía nhà đầu tư. Hai là, Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định song phương và đa phương, dẫn đến việc theo dõi và áp dụng gặp không ít khó khăn...

Ba là, các cán bộ tham gia hoạt động giải quyết tranh chấp thường là kiêm nhiệm, số lượng cán bộ đủ năng lực còn hạn chế... Bốn là, việc  phối hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại giữa các cơ quan nhà nước còn rời rạc, thiếu nhất quán…

Ông Trần Minh Hải - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI, cũng thừa nhận, việc thiếu cán bộ có năng lực, thiếu kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, khiếu nại với các nhà đầu tư nước ngoài... khiến quá trình xử lý kém hiệu quả.

“Thực tế, tại tỉnh Khánh Khòa, các cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư và kinh doanh, đồng hành với nhà đầu tư để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Nhưng nếu dự án liên tục mắc sai phạm, chậm tiến độ..., thì cơ quan quản lý buộc phải xử lý và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án", ông Hải nói.

Hiện tỉnh Khánh Hòa đang tiếp nhận và xử lý 4 vụ khiếu nại của nhà đầu tư liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (1 dự án), về các thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ (1 dự án), tranh chấp giữa việc chuyển nhượng vốn giữa cổ đông trong nước và nước ngoài (2 dự án).

Xử lý tranh chấp: Giải pháp nào?

Bàn về các giải pháp giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong hoạt động đầu tư nước ngoài, ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần đánh giá một cách toàn diện về thực trạng giải quyết khiếu nại và tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam, qua đó trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và quan trọng hơn hết, cùng đưa ra những ý tưởng, giải pháp nhằm xây dựng một cơ chế phù hợp để xử lý khiếu nại, vướng mắc và phòng ngừa tranh chấp đầu tư.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp chia sẻ, các cơ quan quản lý cần phải sàng lọc các dự án đầu tư và các nhà đầu tư để tìm những nhà đầu tư có đủ thiện chí, có năng lực, không chấp nhận đầu tư bằng mọi giá, bởi trên thực tế, việc "trải thảm đầu tư" đã gây ra không ít hệ lụy.

“Chẳng hạn, tại tỉnh Khánh Hòa, sự 'chiều lòng' của chính quyền đối với nhà đầu tư đã nảy sinh một số vấn đề. Bởi vậy, chúng ta cần phải làm đúng pháp luật, kiên quyết không tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá...”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo ông Ngọc, tranh chấp trong đầu tư là điều không mong muốn, nhưng khi xảy ra, nhà quản lý đầu tư cần phải đánh giá đúng tình hình tranh chấp, nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh để giải quyết các vướng mắc một cách hợp ý, hài hòa...

“Cần chú trọng yếu tố con người, luôn tạo điều kiện để cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng thương lượng, giải quyết các tranh chấp. Các cán bộ, công chức tham gia giải quyết tranh chấp cũng phải được chọn lọc kỹ, đảm bảo không chỉ có năng lực chuyên môn tốt, mà phải có tinh thần trách nhiệm, có tính cầu thị để tránh đưa các tranh chấp thành các xung đột không thể hòa giải”, bà Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh.

Còn theo ông Trần Minh Hải, cần có kênh thông tin chia sẻ kinh nghiệm về xử lý bất đồng, tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước với nhau, từ đó đưa ra những biện pháp giải quyết tốt, bao gồm cả việc thương lượng và hòa giải bất đồng, mâu thuẫn với nhà đầu tư nước ngoài...

Tin bài liên quan