Trong khủng hoảng Covid-19 chưa từng có, mọi mô hình kinh doanh đều phải giải bài toán sống còn. Trong ảnh: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê sản xuất bao bì công nghiệp cho các doanh nghiệp FDI Ảnh: Đức Thanh

Trong khủng hoảng Covid-19 chưa từng có, mọi mô hình kinh doanh đều phải giải bài toán sống còn. Trong ảnh: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hiền Lê sản xuất bao bì công nghiệp cho các doanh nghiệp FDI Ảnh: Đức Thanh

Hệ sinh thái khởi nghiệp dần chất hơn

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2020 mang đến cơ hội “thử và sai” ở cấp độ toàn cầu. Khả năng ứng biến như lợi thế sẵn có trong gen của start-up góp phần tạo nên một thế hệ doanh nhân mới trong năm 2021.

Qua thời ‘nuông chiều’ start-up

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trong năm 2020 đã trưởng thành hơn và được sàng lọc như thế nào? Với bà Hoàng Thị Kim Dung, Trưởng đại diện Genesia Ventures (Nhật Bản) tại Việt Nam, đây là câu hỏi rất dễ trả lời.

Nhưng trước hết, cần nhìn lại thực tế năm 2019. Khi đó, nhà nhà, người người khởi nghiệp dù chưa xác định rõ ràng vấn đề mình muốn và có thể giải quyết. Các quỹ đầu tư “đánh bắt xa bờ” nhìn vào tiềm năng thị trường Việt Nam qua các con số thống kê trên giấy và lạc quan rót vốn.

“Thực sự, nhiều quỹ đầu tư ‘nuông chiều’ các start-up. Họ chỉ nhìn thấy tốc độ tăng trưởng, số người dùng tăng mà không xác định rõ các con số ấy có thực không hay nhờ vung tiền cho khách hàng sử dụng mà có”, bà Dung đánh giá.

Vì vậy, năm 2019 được xem là đỉnh điểm về dòng vốn đổ vào start-up tại Việt Nam. Giới đầu tư, trong đó có các thành viên của Genesia Ventures, lo ngại “bong bóng” sẽ nổ. Khi đó, niềm tin vào thị trường chắc chắn bị suy giảm. Các quỹ đầu tư mạo hiểm bị tổn thất và không tránh khỏi đi đến quyết định mà không một thành tố nào trong hệ sinh thái mong muốn - rút chân khỏi thị trường.

Song thực tế không như vậy, vì đại dịch Covid-19 xảy ra tác động đến mọi loại mô hình doanh nghiệp năm 2020. Đã có nhiều thống kê đưa ra các con số thiệt hại, nhưng ở góc nhìn tích cực, xuất hiện 2 điểm sáng.

Thứ nhất, thương hiệu và uy tín của đất nước 100 triệu dân gia tăng. Truyền thông nước ngoài không chỉ gắn “chiến tranh”, “con trâu đi trước, cái cày đi sau” khi nhắc đến Việt Nam, mà họ tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá, kinh tế, lợi thế từ sự linh hoạt của người Việt.

“Những thông tin về một quốc gia chưa trở thành cường quốc về kinh tế, nhưng có sự bền bỉ, linh hoạt để giữ sức mạnh nội tại theo cách riêng đã ‘gieo hạt giống’ trong tư duy của không ít nhà đầu tư, giúp họ chú ý hơn đến Việt Nam”, bà Mandy Nguyễn, Giám đốc điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp SVF đánh giá.

Thứ hai, trong cuộc khủng hoảng chưa từng có đó, ai có thực tài thì mới tồn tại được. Điều này đẩy sức mạnh nội tại của lãnh đạo mỗi doanh nghiệp ở mọi quy mô phải được bộc lộ tối đa. Mọi mô hình kinh doanh đều phải giải bài toán sống còn. Không ai dư tiền để chạy quảng cáo quá nhiều, hay kích thích người dùng bằng cách vung tiền khuyến mại. Doanh nghiệp phải xem xét các giải pháp, sản phẩm của mình có thật sự mang lại giá trị cho khách hàng và khiến họ sẵn sàng trả tiền hay không.

“Sống thật hơn, không còn sự nuông chiều, đó là những tín hiệu tích cực. Dù chưa có con số tổng hợp đầy đủ nhất về số lượng các doanh nghiệp đóng cửa hoặc ngủ đông, nhưng dễ dàng quan sát thấy sự đào thải những doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả”, bà Hoàng Thị Kim Dung nói và đưa ra lợi điểm bù lại, đó là sự hiện diện rõ nét của thế hệ start-up chất hơn, những nhà khởi nghiệp không chỉ chạy theo phong trào, mà thực sự theo đuổi vấn đề mà thị trường đang cần được giải quyết.

Theo một khía cạnh nào đó, sự đào thải này có thể góp phần tạo ra môi trường khởi nghiệp kinh doanh xanh, sạch, đẹp. Khi đó, niềm tin vào thị trường của các quỹ đầu tư như Genesia Ventures cũng dày dặn hơn để mạnh dạn đầu tư vào start-up. Dù xét về số lượng có thể giảm, nhưng chất lượng được mường tượng tăng. “Chất” trong trường hợp này được miêu tả đơn giản là mô hình kinh doanh thực tế, tận dụng công nghệ và tạo ra dòng tiền dương.

Niềm tin tàn dư trở thành dinh dưỡng

Làm thế nào để có nhiều start-up thành công, từ đó tạo ra một thế hệ doanh nhân mới? Bà Dung cho đây là câu hỏi khó và những người đang tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam luôn đau đáu tìm đáp án.

Năm 2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 đem cổ phiếu YEG niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) và ngay lập tức trở thành một hiện tượng. Với mức giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên (250.000 đồng/cổ phiếu) kèm hai phiên tăng trần cùng một phiên gần hết biên độ, YEG trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn chứng khoán, đưa giá trị vốn hóa Yeah1 đạt gần 400 triệu USD, vượt xa phỏng đoán giá trị ban đầu của giới đầu tư.

Sự kiện trên tạo ra làn sóng nhà đầu tư nước ngoài chú ý đến Việt Nam, tạo đỉnh điểm rót vốn vào khởi nghiệp trong một năm sau đó, dù họ vẫn không ngừng ngó nghiêng thị trường Indonesia và Ấn Độ. “Những start-up phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng được chấp nhận với mức định giá cao có thể trở thành niềm cảm hứng lớn cho các thế hệ sau”, bà Dung đánh giá.

Dù qua nhiều vòng tuyển chọn trước khi rót vốn, nhưng các quỹ như Genesia Ventures vẫn đau đáu câu hỏi: làm sao hỗ trợ start-up thành công hơn, bởi vốn chỉ là một trợ lực. Genesia Ventures có hứng thú với các start-up làm gì cũng nhanh, chăm chỉ nhất có thể. “Điểm quan trọng hàng đầu mà tôi đánh giá cao là làm gì cũng phải thật nhanh. Thử nghiệm nhanh, quyết liệt chuyển đổi nhanh, thất bại nhanh để nhanh chóng đứng dậy”, bà Dung chia sẻ thêm.

Có thể cho đây là nỗ lực tạo ra vòng luân hồi nhanh nhất có thể, đưa bánh xe quay nhanh và đẩy cỗ xe tăng tốc. “Biết đâu tàn dư năm nay lại trở thành dinh dưỡng cho các chồi non xuất hiện năm 2021 với viễn cảnh sáng sủa hơn”, Trưởng đại diện Genesia Ventures tại Việt Nam nói và dùng 2 cụm từ để miêu tả trạng thái lúc này: hào hứng và lạc quan.

Không tương đồng mô hình hoạt động, nhưng không khó nhận ra đích đến mà Genesia Ventures hay SVF muốn vươn tới, đó là góp phần tạo nên thế hệ doanh nhân Việt mới tử tế và thành công cho tương lai, có đủ năng lực làm chủ tương lai nhiều biến động của mình.

Khó có thể mường tượng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2021 sẽ phát triển tốt hơn hay theo chiều hướng ngược lại vì mọi dự đoán chỉ mang ý nghĩa ước lệ, trong khi kết quả chỉ xuất hiện khi sự việc hoàn thành.

“Nhưng dựa trên khả năng linh hoạt và ứng biến, thế giới sẽ nhận ra sức sống bền bỉ của cộng đồng kinh doanh nói riêng, người Việt nói chung. Đó là vẻ đẹp của Việt Nam chứ không phải sự hào nhoáng về tăng trưởng tốc độ nhanh”, bà Mandy Nguyễn chia sẻ cơ hội “thử và sai” ở cấp độ toàn cầu mà đại dịch mang lại.

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam chưa trưởng thành

Theo bà Mandy Nguyễn, Giám đốc điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp SVF, nhìn chung, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn chưa “trưởng thành”. Vì nếu dựa theo 3 trụ cột là kinh tế, hạ tầng và phát triển bền vững, thì hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đang tập trung vào kinh tế, đồng thời chỉnh sửa hạ tầng. Trong khi đó, vấn đề phát triển bền vững dù bắt đầu được quan tâm, nhưng chưa trở thành ưu tiên hàng đầu.

Hệ sinh thái mỗi nước có màu sắc riêng, liên quan đến văn hoá, xã hội, ngôn ngữ, nên khó có thể kỳ vọng có một cách tiếp cận chiến lược đúng cho tất cả.

Bà Mandy Nguyễn ví von, mỗi hệ sinh thái như một chiếc áo, Việt Nam sẽ cần thời gian ướm thử xem chiếc áo của mình có bị rộng vai, hẹp bụng…, rồi tinh chỉnh. “Có thể cần thêm thời gian, khoảng một thập kỷ nữa, để tìm ra chiếc áo vừa vặn”, bà Mandy Nguyễn dự tính.

Tin bài liên quan