Nhiều năm nay, AIA Việt Nam gia tăng quyền lợi cho khách hàng không hút thuốc

Nhiều năm nay, AIA Việt Nam gia tăng quyền lợi cho khách hàng không hút thuốc

Khi không ít khách bảo hiểm... thiệt thòi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh căn cứ tính phí bảo hiểm nhân thọ có điểm bất hợp lý, đã có doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chủ động gia tăng quyền lợi cho khách hàng.

Gia tăng quyền lợi cho khách hàng

Mới đây, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đề xuất xây dựng bảng tỷ lệ tử vong mới cho thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, bảng tỷ lệ tử vong kinh nghiệm dùng để tính phí bảo hiểm áp dụng chung cho thị trường đã quá lạc hậu, trong khi tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam đã có cải thiện đáng kể. Do đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần sớm hoàn thiện tài liệu này để áp dụng mức phí bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho người tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm cần chủ động điều chỉnh tăng quyền lợi để giữ chân khách hàng cũ cũng như thu hút khách hàng mới.

Thực tế, từ năm 2015, Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam đã tăng quyền lợi cho những khách hàng không hút thuốc. Một số công ty bảo hiểm cũng cho biết đang xem xét việc điều chỉnh quyền lợi cho khách hàng.

Trở lại việc tự nguyện gia tăng quyền lợi cho khách hàng tại AIA Việt Nam, được biết, đối với sản phẩm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt, Công ty sẽ được chi trả thêm 10% số tiền bảo hiểm khi khách hàng (từ 15 tuổi trở lên) tử vong và được xác định không hút thuốc lá. Còn với sản phẩm An Bình Ưu Việt, hãng bảo hiểm này áp dụng phí bảo hiểm cho người không hút thuốc lá thấp hơn khoảng 10% so với người hút thuốc. Điều kiện để xác định khách hàng “không hút thuốc lá” là có kê khai nội dung này trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và hồ sơ tử vong không ghi nhận có bệnh phổi do hút thuốc lá, hay các bệnh khác do biến chứng của hút thuốc lá.

Chị Lê Thanh, một đại lý bảo hiểm của AIA cho biết, một khách hàng mua sản phẩm An Phúc Trọn Đời Ưu Việt có mệnh giá 3,5 tỷ đồng, khi không may bị tử vong do tai nạn đã được chi trả quyền lợi bảo hiểm lên tới 7,35 tỷ đồng. Trong đó, quyền lợi bảo hiểm tử vong là 3,5 tỷ đồng, được chi trả 100% số tiền bảo hiểm; quyền lợi bảo hiểm tử vong do tai nạn là 3,5 tỷ đồng, được chi trả 100% số tiền bảo hiểm; còn quyền lợi bảo hiểm do không hút thuốc là 350 triệu đồng (tương đương 10% số tiền bảo hiểm).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói thuốc gây ra hàng loạt bệnh lý nghiêm trọng như ung thư, phổi tắc nghẽn mạn tính, huyết áp, tim mạch… Ước tính, Việt Nam có ít nhất 40.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc lá.

Mặt khác, theo tính toán của các công ty bảo hiểm, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện nay là 75,1 tuổi, khá cao so với nhiều nước trên thế giới, nhưng số năm sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia. Để giúp người Việt sống khoẻ hơn, lâu hơn, việc hướng đến một Việt Nam không khói thuốc là điều cần được sớm ưu tiên. Điều này cũng giảm gánh nặng chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm.

Trên thế giới, Gocompare từng kết luận, hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, mà còn khiến người dân phải trả tiền bảo hiểm nhiều hơn người khác, dù mức thụ hưởng không chênh lệch. Kết quả khảo sát cũng thể hiện rõ sự chênh lệch về mức chi trả bảo hiểm nhân thọ giữa những người cùng độ tuổi có hút thuốc và không hút thuốc. Trung bình, một người 30 tuổi không hút thuốc sẽ trả phí bảo hiểm nhân thọ vào khoảng hơn 270.000 đồng mỗi tháng và gần 82 triệu đồng cho hợp đồng thời hạn 25 năm. Nếu người tham gia bảo hiểm hút thuốc lá, mức phí trả sẽ cao hơn gần gấp đôi.

Cần sớm lấp đầy “khoảng trống năng lực”

Nhóm nghiên cứu xây dựng bảng tỷ lệ tử vong mới cho thị trường cũng thừa nhận “có một khoảng trống về năng lực”, mà ở đó ngành bảo hiểm hiện đang sử dụng bảng tử vong 1980 của Hoa Kỳ và bảng này hiện đã lạc hậu. Tất cả công ty bảo hiểm nhân thọ và các cơ quan quản lý hiện đều nhận thức được sự cần thiết của dữ liệu. Việc phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ, dịch vụ công và các sản phẩm tài chính khác đặt ra yêu cầu phải có một cơ sở dữ liệu toàn diện hơn, bắt đầu từ việc xây dựng một bảng tử vong được cập nhật và dành riêng cho Việt Nam.

Thực tế, việc không có bảng tỷ lệ tử vong dành riêng cho mỗi quốc gia có thể đặt ra một số thách thức và dẫn tới nhiều hạn chế, có thể có tác động đáng kể đến mức phí bảo hiểm, ước tính tỷ lệ dự phòng và các dự báo tài chính khác trong ngành bảo hiểm. Thứ nhất, bảng tỷ lệ tử vong của Hoa Kỳ không phản ánh chính xác tỷ lệ tử vong của dân số Việt Nam do sự khác biệt về các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế - xã hội và y tế cũng như các khoảng thời gian. Thứ hai, việc sử dụng một bảng tỷ lệ tử vong đã lạc hậu có thể làm suy giảm sự chính xác trong việc ước tính tỷ lệ tử vong, tính toán tỷ lệ dự phòng và định giá sản phẩm bảo hiểm.

Có chuyên gia cho rằng, hệ lụy là người dân là khách hàng tham gia bảo hiểm vẫn phải chịu mức đóng phí quá cao khi mua bảo hiểm, bất kể là mua của công ty nào. Bảng định phí của các nước khác đang áp dụng mức phí dưới chuẩn (rẻ hơn chuẩn) để tính cho người người được bảo hiểm có sức khỏe trên chuẩn (không hút thuốc lá) trong khi toàn bộ khách hàng là người tham gia bảo hiểm Việt Nam đang nhận phí chuẩn. Điều này đồng nghĩa, người tham gia bảo hiểm thuộc tệp khách hàng phụ nữ, trẻ con, đàn ông không hút thuốc và uống rượu… đang phải chịu thiệt thòi vì phải trả giá cho rủi ro không thuộc về mình.

Cuối cùng, việc sử dụng một bảng tỷ lệ tử vong đã lạc hậu cản trở sự phát triển mạnh mẽ của nghề tính phí bảo hiểm tại Việt Nam, vì công việc của các chuyên gia tính phí bảo hiểm phụ thuộc nhiều vào các bảng tỷ lệ tử vong chính xác và được cập nhật đầy đủ.

Tin bài liên quan