Lo ngại rủi ro địa chính trị tác động lâu dài đến nền kinh tế, giới đầu tư quay đầu xả hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall giảm điểm trở lại trong phiên ngày thứ Năm (3/3), với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà đi xuống và lo ngại cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục gây ra những tổn thất lớn đối với nền kinh tế.
Lo ngại rủi ro địa chính trị tác động lâu dài đến nền kinh tế, giới đầu tư quay đầu xả hàng

Phiên này, cổ phiếu Tesla giảm 4,6% và Amazon mất 2,7%, cả hai gây tác động tiêu cực lớn nhất với Nasdaq. Trong khi các cổ phiếu công ty phần mềm cũng lao dốc với Okta và Snowflake lần lượt sụt 8% và 15%, còn cổ phiếu Salesforce và Adobe đều giảm hơn 2%.

Trái lại, phản ánh tâm trạng phòng thủ ở Phố Wall, chỉ số ngành tiện ích S&P 500 tăng 1,7%, bất động sản tăng 1,1% và tiêu dùng nhích hơn 0,7%.

Ross Mayfield, Chiến lược gia đầu tư tại Baird ở Louisville, Kentucky, cho biết: “Thị trường đang hoàn toàn chịu chi phối về tình trạng hỗn loạn địa chính trị. Sự bất ổn có thể sẽ vẫn còn trong ngắn hạn, và thậm chí có thể là trung hạn, bởi vì tôi không thấy đâu là một giải pháp có thể chấp nhận được trong vài tuần tới đối với Ukraine hoặc Nga”.

Ngoài ra, thị trường còn chịu tác động xấu từ giá dầu thô và các mặt hàng khác tăng cao đã làm dấy lên lo ngại rằng, lạm phát cao có thể kết hợp với tăng trưởng kinh tế trì trệ, khiến Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác khó điều hành lãi suất hơn.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones giảm 96,69 điểm (-0,29%), xuống 33.794,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,05 điểm (-0,53%), xuống 4.363,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 214,08 điểm (-1,56%), xuống 13.537,94 điểm.

Chứng khoán châu Âu lao dốc vào ngày thứ Năm, do lo ngại về tác động của việc gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga đè nặng lên tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 2,01% xuống 437,36 điểm, với cổ phiếu ngành du lịch và bán lẻ dẫn đầu đà lao dốc.

Nhưng chỉ số khai thác đã tăng 0,6% và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 trong phiên này, do giá kim loại cơ bản đạt mức cao mới do lo ngại các lệnh trừng phạt chống lại Nga sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung.

Những lo lắng về hậu quả từ cuộc khủng hoảng gây ra lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế đặc biệt cao ở châu Âu, nơi một số quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

STOXX 600 tất nhiên sẽ đánh dấu tuần thứ ba liên tiếp chìm trong sắc đỏ và là tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 11.

Một phiên giao dịch đầy biến động đối với giá dầu, sau khi tăng lên mức cao nhất gần một thập kỷ đã chứng kiến ​​ngành dầu khí của châu Âu lao dốc 3,8%, rút ​​lui khỏi mức đỉnh hai năm.

Kết thúc phiên 3/3: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 190,71 điểm (-2,57%), xuống 7.238,85 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 301,71 điểm (-2,16%), xuống 13.698,40 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 119,65 điểm (-1,84%), xuống 6.378,37 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng theo chân phiên giao dịch tích cực đêm qua trên phố Wall, sau khi Chủ tịch Fed báo hiệu tốc độ tăng lãi suất ở mức vừa phải.

Chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ, do tâm lý của nhà đầu tư bị giảm sút sau khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của lĩnh vực dịch vụ trong tháng Hai đã tăng chậm nhất trong sáu tháng qua.

Chứng khoán Hồng Kông tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu tài chính và năng lượng dẫn dắt.

Chứng khoán Hàn Quốc hồi phục lên mức cao nhất trong ba tuần, sau đà tăng của Phố Wall qua đêm nhờ phát biểu của Chủ tịch Fed xoa dịu lo ngại về việc tăng lãi suất quá nhanh.

Kết thúc phiên 3/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 182,24 điểm (+0,70%), lên 26.577,27 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,08 điểm (-0,08%), xuống 3.481,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 123,42 điểm (+0,55%), lên 22.467,34 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 43,56 điểm (+1,61%), lên 2.747,08 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Năm bật tăng trở lại, nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn tăng cao trước những lo ngại rủi ro về tình hình địa chính trị Nga-Ukraine và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang khiến nỗi lo lạm phát nghiêm trọng hơn cũng thúc đẩy dòng tiền chảy vào kim loại quý.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay tăng 7,8 USD lên 1.936,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng hơn 6 USD lên 1.942 USD/ounce.

Giá dầu thô tạm thời ngắt mạch đà leo thang, khi kỳ vọng Mỹ và Iran sớm đạt được một thỏa thuận hạt nhân, qua đó có thể giải cơn khát nguồn cung, vốn đang bị gián đoạn đã đẩy giá dầu thô lên mức cao nhất trong hơn 10 năm trong thời gian gần đây.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 2,93 USD (-2,72%), xuống 107,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,47 USD (-2,24%), xuống 110,46 USD/thùng.

Tin bài liên quan