Hoạt động M&A trong ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

Hoạt động M&A trong ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới

M&A ngành nông nghiệp - xu thế tất yếu

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành nông nghiệp, đồng thời với các chính sách từ Chính phủ, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành này sẽ sôi động hơn trong thời gian tới.

Sự phát triển của nông nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 2,67%, tương đương mức tăng của năm 2012 (2,68%); trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, chăn nuôi tăng 1,4%, lâm nghiệp tăng 5,18%, thủy sản tăng 3,05%.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 801.200 tỷ đồng, tăng 2,95% so với năm 2012; trong đó, nông nghiệp đạt 602.300 tỷ đồng (tăng 2,47%); lâm nghiệp đạt 22.400 tỷ đồng (tăng 6,04%); thủy sản đạt 176.500 tỷ đồng (tăng 4,22%).

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP và giá trị sản xuất toàn ngành thấp hơn mức tăng của năm 2012 (3,4%), nhưng được đánh giá là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh có nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước.

Trong năm 2013, các yếu tố đã góp phần lớn vào sự phát triển của ngành bao gồm: phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa; công tác xuất khẩu, tiêu thụ nông sản được đẩy mạnh, đảm bảo lợi ích cho nông dân; công tác thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão đạt được nhiều kết quả; công tác đầu tư cơ bản từng bước khắc phục sự dàn trải và nợ đọng, nhiều công trình được hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành nông nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng tốt. Tốc độ tăng trưởng về giá trị tổng sản lượng của toàn ngành là 3,4% (cùng kỳ năm trước là 2,4%), trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,5%, giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 6%, thủy sản 6%. Tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,96% (so với 2,14% của năm 2013).

Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 7,17 tỷ USD, tăng 6,9%; thủy sản ước đạt 3,57 tỷ USD, tăng 28,6%; lâm sản ước đạt 2,93 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành đạt 4,5 tỷ USD.

Bên cạnh các yếu tố được ghi nhận từ năm 2013, sự cải thiện của ngành còn kể đến đóng góp từ việc tái cơ cấu được Chính phủ ban hành ngày 10/6/2013 và chính sách ưu tiên tín dụng của ngân hàng nhà nước.

Cụ thể, Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong đó tập trung vào tái cơ cấu không gian sản xuất nông nghiệp, tái cơ cấu chuỗi ngành hàng nông sản và tái cơ cấu đối tượng sản xuất nông nghiệp.

Đầu năm 2014, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khẩn trương phối hợp xây dựng chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn với quy mô, đối tượng và thời hạn hợp lý, lãi suất thấp. 

Với các điều kiện về cơ sở hạ tầng bắt đầu được quan tâm hỗ trợ, đồng thời với các chính sách phát triển từ Chính phủ, ngành nông nghiệp được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

Sôi động hoạt động M&A

Các công ty, tập đoàn có sự quan tâm lớn tới ngành nông nghiệp bằng việc mua lại các doanh nghiệp lớn trong ngành như Masan mua cổ phần của Công ty cổ phần Thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco); PAN Pacific mua lại các công ty trong ngành nông nghiệp, thủy sản; Thủy sản Hùng Vương khép kín chuỗi sản xuất; hay gần đây là thương vụ giữa Đường Ninh Hòa và Đường Biên Hòa. Tất cả đã thực sự chứng minh sự sôi động của hoạt động M&A trong ngành nông nghiệp.

Khai mở đầu tiên trong việc đầu tư vào ngành nông nghiệp là việc Masan Agriculture (thành viên của Masan Consumer Ventures) năm 2012 đã đầu tư vào Proconco với tỷ lệ sở hữu 40%. Proconco là công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn thứ hai ở Việt Nam tại thời điểm giao dịch. Sau thương vụ thành công mua lại Proconco, Masan Agriculture nhận được sự hỗ trợ từ phía TPG Growth bằng việc quỹ đầu tư của Mỹ mua lại 49% sở hữu của Masan Agriculture.

Nếu Masan Agriculture được coi là doanh nghiệp khai mở, thì Pan Pacific - Xuyên Thái Bình là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư vào ngành nông nghiệp, với việc đang sở hữu trên 57% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre, hơn 22% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), 24% vốn tại Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An.

Công ty Thủy sản Hùng Vương mua lại hàng loạt công ty cùng ngành như Việt Thắng, An Giang Fish, Thực phẩm Sao Ta, Lâm thủy sản Bến Tre, với mục tiêu sẽ tạo lập nên một quy trình sản xuất khép kín, không phải phụ thuộc đến nguồn cung bên ngoài.

Trong năm 2014, M&A ngành nông nghiệp nổi bật với thương vụ trong ngành mía đường giữa Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS) - doanh nghiệp có bề dày về thương hiệu trên thị trường với các dòng sản phẩm đã có chỗ đứng hơn 40 năm qua và Công ty cổ phần Đường Ninh Hòa (NHS). 

Ngoài các điển hình kể trên, năm 2014, sự sôi động của thị trường còn được góp phần từ việc niêm yết của các doanh nghiệp lớn trong ngành cây trồng, như Công ty Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed – NSC), và Công ty Giống cây trồng miền Nam (Southern Seed – SSC). Điều này sẽ tạo cơ hội cho việc tăng tỷ lệ sở hữu từ các đối tác chiến lược, góp phần tăng giá trị M&A trong ngành nông nghiệp.

Tin bài liên quan