Môi giới bảo hiểm chưa... chất!

Môi giới bảo hiểm chưa... chất!

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ở các thị trường phát triển, môi giới bảo hiểm đóng vai trò rất quan trọng, nhưng tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, cho dù phần lớn doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đến từ nước ngoài…

Còn thiếu chuyên nghiệp

Báo cáo cập nhật từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm đạt 9.208 tỷ đồng (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước), trong đó phí bảo hiểm thu xếp gốc đạt 5.768 tỷ đồng (tăng 10%), phí tái bảo hiểm thu xếp đạt 3.440 tỷ đồng (tăng 20,2%).

Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm trong thời gian này đạt 695 tỷ đồng, (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước), trong đó hoa hồng môi giới bảo hiểm gốc đạt 568 tỷ đồng (tăng 6,3%), hoa hồng môi giới tái bảo hiểm đạt 127 tỷ đồng (giảm 4,7%).

Tính đến hết năm 2021, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 24 công ty môi giới bảo hiểm đang hoạt động (trong đó, Công ty cổ phần Môi giới bảo hiểm Đại Việt đã ngừng hoạt động, đang hoàn tất thủ tục giải thể), bên cạnh 18 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài.

Nhìn chung, các công ty môi giới bảo hiểm hoạt động hiệu quả, nhưng cũng giống như kênh trung gian là đại lý bảo hiểm, hoạt động môi giới của các tổ chức này được Bộ Tài chính cho là còn chưa chuyên nghiệp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa cao... Một số tồn tại khác có thể kể đến như ứng dụng thành tựu công nghệ còn chưa đồng đều, chưa sâu (do các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư, chưa có quy định cụ thể để làm căn cứ thực hiện); cạnh tranh gay gắt dẫn đến chi phí doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho kênh phân phối lớn, từ đó làm tăng chi phí của người tham gia bảo hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm bảo hiểm được cung cấp, hoặc cạnh tranh hạ phí bảo hiểm dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ khách hàng...

Trong giai đoạn 2011-2020, Bộ Tài chính đã tiến hành 49 đoàn thanh tra và 121 đoàn kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 26 đoàn kiểm tra doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, 43 đoàn kiểm tra doanh nghiệp nhân thọ, 52 đoàn kiểm tra doanh nghiệp phi nhân thọ, thông qua đó đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh bảo hiểm và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, giúp thị trường phát triển lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Một số doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cũng thừa nhận, do hiện chưa có các chuẩn mực đạo đức hành nghề đối với môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm nên chất lượng môi giới còn thiếu chuyên nghiệp. Đáng chú ý, hiện chưa có một kỳ thi lấy chứng chỉ môi giới bảo hiểm nào được tổ chức. Tại Việt Nam, tỷ lệ phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới so với tổng phí bảo hiểm gốc lĩnh vực phi nhân thọ đạt 13,04% (năm 2021), nhưng ở nhiều nước phát triển, các giao dịch bảo hiểm qua tổ chức môi giới và môi giới độc lập chiếm tới 90% giao dịch trên thị trường.

Trong vai trò là cầu nối giữa người mua bảo hiểm và công ty bảo hiểm, là người đại diện cho khách hàng trong việc thu xếp để có được một chương trình bảo hiểm phù hợp, hỗ trợ khách hàng chuẩn bị hồ sơ khiếu nại bồi thường…, môi giới bảo hiểm tại các nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy giao dịch bảo hiểm công bằng, cạnh tranh lành mạnh, hạn chế những tranh chấp về bảo hiểm, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bảo hiểm… Còn tại Việt Nam, môi giới vẫn giữ vai trò khiêm tốn, cho dù đa số các công ty môi giới đều đến từ nước ngoài với những thương hiệu hàng đầu như Aon Việt Nam, Marsh Việt Nam, JLT…

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp môi giới bảo hiểm còn chưa chú trọng đúng mức trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của kênh phân phối, mà vẫn tập trung vào việc mở rộng mạng lưới; còn thiếu hành lang pháp lý điều chỉnh kênh phân phối mới, cũng chưa có nhiều biện pháp chấn chỉnh đối với doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm trong quản lý, sử dụng kênh phân phối bảo hiểm.

Thực tế, thời gian qua, trong vai trò là đơn vị trung gian kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp bảo hiểm khi tham gia bán các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cho các khách hàng tổ chức, không ít doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã tự ý soạn hợp đồng, mở rộng điều khoản, giảm phí để có được khách hàng. Áp lực doanh số khiến không chỉ công ty bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, mà cả doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải giành giật khách hàng bằng cách giảm phí bảo hiểm, giảm phí môi giới…

Thậm chí, khi soạn thảo nội dung chào thầu hoặc hợp đồng bảo hiểm để đấu thầu, có doanh nghiệp môi giới bảo hiểm còn đưa ra mức phí thấp hơn quy định của nhà bảo hiểm hay Bộ Tài chính đối với sản phẩm bảo hiểm bắt buộc. Có doanh nghiệp môi giới còn định hướng cho khách hàng lựa chọn những doanh nghiệp bảo hiểm có cam kết trả hoa hồng môi giới cao…

Sẽ tổ chức thi lấy chứng chỉ môi giới bảo hiểm

Pháp luật kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định, nhân viên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm trực tiếp thực hiện các nội dung hoạt động môi giới phải có chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm hoặc môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong nước cũng như nước ngoài cấp.

Tuy nhiên, ghi nhận từ các trường đại học có đào tạo chuyên ngành bảo hiểm như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế TP.HCM…, hiện chưa có bất kỳ một kỳ thi nào về chứng chỉ môi giới bảo hiểm được tổ chức. Hiện tại, chỉ duy nhất Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam (VIDI - thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) là đơn vị tổ chức thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, phụ trợ bảo hiểm hay đào tạo về bảo hiểm.

Trước đó, hồi tháng 5/2022 - thời điểm lấy ý kiến hoàn tất dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi (đã được thông qua từ tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023), có ý kiến đề nghị cần làm rõ chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp có được sử dụng tại Việt Nam không? Các cá nhân đang trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm có tiếp tục được sử dụng chứng chỉ bảo hiểm hiện hành, hay phải chuyển đổi thi cấp lại thành chứng chỉ môi giới bảo hiểm và cần quy định rõ điều kiện chuyển tiếp tại dự thảo Luật đối với nội dung này?

Khi đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo quy định hiện hành, đối với chứng chỉ môi giới bảo hiểm do cơ sở đào tạo ở nước ngoài cấp thì phải được Bộ Tài chính xem xét công nhận, nên quy định trên không còn phù hợp với định hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm cung cấp, chưa kể uy tín, chất lượng, chủng loại các chứng chỉ được cấp cũng không đồng đều. Do đó, để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, việc yêu cầu người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm phải có chứng chỉ môi giới bảo hiểm là cần thiết.

Tiếp thu các ý kiến trên, để tạo điều kiện cho các cá nhân có chứng chỉ môi giới bảo hiểm nước ngoài, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã bổ sung quy định cho phép người trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm được sử dụng chứng chỉ môi giới bảo hiểm do các cơ sở đào tạo được thành lập và hoạt động hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp. Đồng thời, bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với cá nhân trực tiếp thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm đang sử dụng chứng chỉ bảo hiểm được cấp trước ngày luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

Bộ Tài chính cũng cho biết, ngoài tăng cường chất lượng công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chất lượng trong công tác thi cấp chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm cũng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế về bảo hiểm nhằm phát triển kinh doanh bảo hiểm.

Năm 2021, tổng phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm đạt 14.717 tỷ đồng, tăng 32,88% so với năm 2020 và chiếm tỷ trọng 24,85% trong tổng phí bảo hiểm gốc lĩnh vực phi nhân thọ. Tính riêng tỷ lệ phí bảo hiểm gốc thu xếp qua môi giới so với tổng phí bảo hiểm gốc lĩnh vực phi nhân thọ đạt tỷ lệ 13,04%.

Hoạt động môi giới bảo hiểm được thực hiện trên tất cả các nghiệp vụ, trong đó tập trung chủ yếu trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (tỷ trọng 77,59%), kế đó là bảo hiểm sức khỏe, trong khi bảo hiểm nhân thọ phát sinh không đáng kể. Phí bảo hiểm thu xếp chủ yếu thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (thuộc nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe).

Phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới tập trung ở 5 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm là Aon, Marsh, Willis Tower Watson, Nam Á và Bảo An (tổng thị phần là 92,75%), 18 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm còn lại chiếm thị phần 7,25%.

Tin bài liên quan