Standard Chartered Việt Nam là ngân hàng đi đầu trong việc thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững

Standard Chartered Việt Nam là ngân hàng đi đầu trong việc thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững

Ngân hàng ngoại lạc quan với triển vọng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không đứng ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam vẫn đang rốt ráo khởi sự những kế hoạch hợp tác, kinh doanh hướng đến gắn bó lâu dài với dải đất này.

Những điểm sáng

Những ngày cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng UOB Việt Nam công bố tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng thông qua việc bơm vốn từ ngân hàng mẹ UOB tại Singapore. Bình luận về sự kiện này, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết, Việt Nam là thị trường chiến lược của UOB tại ASEAN. Quyết định tăng vốn là minh chứng cho cam kết lâu dài của Ngân hàng đối với sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam cũng như niềm tin vào tiềm năng to lớn của đất nước này.

“Với mức vốn tăng thêm, chúng tôi có khả năng tốt hơn để hỗ trợ sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bán lẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiếp tục mang lại các giá trị vượt trội cho khách hàng. Điều này sẽ giúp chúng tôi hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ và ngân hàng nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam”, ông Victor Ngo nói.

Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong môi trường kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Tuy nhiên, ngoại trừ VPBank với thương vụ phát hành thành công riêng lẻ 15% cho SMBC và thu hồi xong nguồn tiền, các ngân hàng thương mại hầu như không có hoạt động tăng vốn nào đáng kể trong năm 2023. Thay vào đó, chỉ là các hoạt động phát hành cổ phiếu chia cổ tức nhằm tăng vốn điều lệ đều được diễn ra theo đúng kế hoạch. Do đó, Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ là một trong những điểm sáng của hệ thống ngân hàng.

Còn đối với HSBC Việt Nam, điểm nhấn là hợp tác chiến lược, hỗ trợ startup Việt vươn mình ra thế giới và đồng hành cùng doanh nghiệp hướng đến cột mốc công nghệ số mới. Trong năm 2023, HSBC Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp tác chiến lược với Công ty TNHH MTV Dat Bike Việt Nam (Dat Bike). Thỏa thuận này cho phép HSBC Việt Nam hỗ trợ Dat Bike, nhà sản xuất xe máy điện Việt Nam, số hóa hoạt động tài chính, cũng như tiến những bước đầu tiên vào thị trường tài chính quốc tế, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn nước ngoài.

Trong giai đoạn hợp tác ban đầu, HSBC Việt Nam sẽ giúp Dat Bike gia tăng tỷ lệ tự động hóa thông qua việc nâng cấp hệ thống kế toán, cho phép doanh nghiệp khởi tạo và phê duyệt hàng loạt các giao dịch tài chính chỉ với một “cú nhấp chuột”, giúp tiết kiệm thời gian xử lý và thực hiện giao dịch hiệu quả, chính xác hơn, đồng thời giảm thiểu lỗi do con người. Nhằm giúp Dat Bike tiếp cận nhiều cơ hội hơn ở các vòng gọi vốn, HSBC cung cấp một nền tảng thống nhất để startup xe điện này có thể quản lý nguồn vốn tập trung, tạo nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp mở rộng ra các thị trường Đông Nam Á khác, bắt đầu từ Singapore, nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023.

Một câu chuyện khác, nhận thức được giá trị chiến lược của số hóa, Tập đoàn Thiên Long (TLG) đã hợp tác với HSBC Việt Nam để đẩy nhanh hành trình này. Cụ thể, HSBC đã phát triển hai giải pháp quản lý dòng tiền hoàn toàn tự động và liền mạch gồm Giải pháp tích hợp hệ thống quản trị khoản phải trả và Giải pháp tích hợp hệ thống quản trị khoản phải thu. Bộ đôi giải pháp này cho phép TLG, một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm tại Việt Nam và đã có mặt ở hơn 70 quốc gia trên thế giới, thực hiện đối soát tự động, giúp đơn giản hóa quy trình thu và chi, tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam nhận định, doanh nghiệp kinh tế mới của Việt Nam là nhóm tăng trưởng nhanh nhất với tiềm năng cao tại khu vực Đông Nam Á. Với những thay đổi ngoạn mục trong nền kinh tế Việt Nam về cách thức các doanh nghiệp kinh doanh, những thay đổi trong hành vi tiêu dùng do sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tỷ lệ sử dụng Internet ngày càng cao, cũng như tỷ lệ mua sắm trực tuyến tăng, lĩnh vực kinh tế mới đầy hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam…

“Đi theo chiến lược ‘tập trung số hóa’, HSBC không chỉ áp dụng công nghệ cao trong hoạt động của chính mình, mà còn phát triển các sản phẩm và dịch vụ số tiên tiến nhất nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong hành trình số hóa và tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của họ”, ông Ahmed Yeganeh cho biết thêm.

Vì một tương lai xanh

Mặc dù còn nhiều thách thức trong năm 2023, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực khi nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam

Đầu tháng 12/2023, Ngân hàng Standard Chartered đã ký kết thỏa thuận khung tài trợ thương mại phát triển bền vững với BIDV trị giá tới 100 triệu USD nhằm hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp của BIDV thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững. Thỏa thuận khung được ký tại Dubai vào ngày 1/12/2023, bên lề hội nghị biến đổi khí hậu COP28.

Trước đó, Standard Chartered Việt Nam đã công bố cột mốc quan trọng trong cam kết tại Việt Nam, được đánh dấu bằng khoản rót vốn đáng kể trị giá 60 triệu USD. Khoản đầu tư này là minh chứng cho những đóng góp không ngừng của Ngân hàng tại thị trường Việt Nam cũng như chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong nước thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều thách thức trong năm 2023, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn vẫn rất tích cực khi nền kinh tế tiếp tục duy trì sự ổn định và thực hiện chính sách mở cửa. Ngân hàng Standard Chartered đã xây dựng hoạt động kinh doanh vững mạnh tại đây và đặt mục tiêu vươn lên những tầm cao mới. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế và tạo dựng sự thịnh vượng của Việt Nam trong nhiều năm tới”.

Được biết, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam còn là ngân hàng đi đầu trong việc thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững và giúp các khách hàng, các cơ quan chức năng, và nền kinh tế nói chung thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững. Ngân hàng luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và mong muốn phát huy những thành công từ COP26.

Cụ thể, với những nỗ lực vì một tương lai xanh bền vững, Standard Chartered đã trao các biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho ba doanh nghiệp Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp này triển khai các dự án phát triển bền vững. Ngân hàng cùng các bên liên quan từ Chính phủ đến khu vực tư nhân đã và đang thực hiện các công việc khác nhau trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) để thực hiện mục tiêu chung nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cũng trong nỗ lực chuyển đổi phát triển bền vững, bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, HSBC Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, HSBC đã thu xếp được 2 tỷ USD sau gần 2 năm thực hiện. Trong quá trình thảo luận cùng các cơ quan Chính phủ, ngân hàng và khách hàng, HSBC nhận thấy sự quyết tâm cũng như xu hướng lớn trong việc dành nguồn vốn cho tín dụng xanh, đưa đến các dự án của doanh nghiệp.

Việt Nam là một trong những quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu với thiệt hại ước tính là 523 tỷ USD, tương đương với 14,5% GDP vào năm 2050. Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam được Ngân hàng Thế giới ước tính, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP/năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới và ngoài vai trò của các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, rất cần sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tài chính quốc tế với cam kết hỗ trợ cho phát triển.

Tin bài liên quan