Ngân hàng số là cấu thành quan trọng của nền kinh tế số mà Việt Nam đang hướng đến

Ngân hàng số là cấu thành quan trọng của nền kinh tế số mà Việt Nam đang hướng đến

Ngân hàng số cần được luật hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng - TCTD (sửa đổi) đã bổ sung một số nội dung liên quan đến việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Bổ sung quy định về ngân hàng số là cần thiết

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023), Chính phủ trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi). Dự kiến, dự thảo Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Một trong những trọng tâm của dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi là luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các TCTD sau khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) còn sửa đổi, bổ sung các quy định về phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung một số quy định về các phương tiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; trong đó có quy định điều chỉnh hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử, giao Chính phủ quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Văn, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), các quy định này là chưa đủ, mà cần bổ sung quy định ngân hàng số vào dự thảo Luật.

Ảnh tác giả

Dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi nên định nghĩa lại về khái niệm ngân hàng. Nếu định nghĩa ngân hàng chỉ là một nhà băng, có thể sẽ không theo kịp sự đổi mới và những diễn biến quá nhanh trong thời đại công nghiệp 4.0.

GS. Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

Lãnh đạo IDS nhìn nhận, thị trường tài chính Việt Nam trong tương lai không xa sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số, nên cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý. Sự ra đời của ngân hàng số sẽ bổ sung những vấn đề cần thiết cho thị trường, giúp tiết kiệm chi phí, với quy trình thủ tục tiếp cận vốn rất đơn giản, nhanh chóng so với mô hình ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, ngân hàng số phát triển giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh tiếp cận được với các khoản vay nhỏ, phát triển tài chính toàn diện cho các quốc gia, thậm chí còn hỗ trợ cho chiến lược xóa đói giảm nghèo.

TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng không làm mất thị phần của các ngân hàng truyền thống, mà mở ra một hướng mới vào các thị trường ngách, tập trung đến những khoản thanh toán thường xuyên, nhỏ lẻ và tiện lợi đối với người dân. Do vậy, nội dung này cần được quy định rõ tại dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi. Đối với Sandbox, cần có cơ chế thí điểm và quy định trong một điều khoản của Luật, giao cho Chính phủ tổ chức thực hiện cũng như quy định chi tiết về điều này.

Trong khi đó, ông Phan Hồng Quân, Trưởng ban Phát triển hội viên, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất, cần đưa tài sản số vào khung pháp lý chung, chứ không chỉ trong một vài luật chuyên ngành như Luật Các TCTD, Luật Viễn thông… Theo ông Quân, trong khung pháp lý chung đó, quyền sở hữu tài sản và sở hữu trí tuệ là nội dung cơ bản cần xác lập rõ ràng hơn, nhằm tạo lợi thế quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển vũ bão như hiện nay.

Còn theo GS. Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi nên định nghĩa lại về khái niệm ngân hàng. Nếu định nghĩa ngân hàng chỉ là một nhà băng có thể sẽ không theo kịp sự đổi mới và những diễn biến quá nhanh trong thời đại công nghiệp 4.0.

Ông Thơ cho biết, lĩnh vực ngân hàng số, Fintech ở các nước có nhiều tên gọi khác nhau, như ngân hàng Internet hay ngân hàng ảo, ngân hàng số hóa.... Còn để dễ hiểu, Việt Nam có thể gọi đó là ngân hàng thế hệ mới. Như vậy, định chế tài chính số đã được định vị chức năng rất rõ.

Dẫn kinh nghiệm từ Hàn Quốc, GS. Trần Ngọc Thơ cho hay, ngày 17/1/2019, Hàn Quốc đã ban hành Đạo luật Các mối quan tâm đặc biệt về thành lập hoạt động của Internet only bank (tức là ngân hàng số) và tới ngày 1/4/2019, quốc gia này tiếp tục ban hành Luật Hỗ trợ và đổi mới tài chính. Điều này cho thấy Hàn Quốc có mối quan tâm đặc biệt với ngân hàng số. Đó cũng là nền tảng để các ngân hàng số hoạt động và bảo vệ được người tiêu dùng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Tương tự, các quốc gia như Nhật Bản, Brazil đều đưa ra các khuôn khổ pháp lý cho loại hình này.

Hạn chế rủi ro và tránh sự đỗ vỡ của ngân hàng

GS. Trần Ngọc Thơ cho hay, cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ hiện nay cho thấy, khi một cú sốc xảy ra trong thời đại Internet có thể làm một ngân hàng tốt phá sản. Như vậy, nếu như các hệ thống thanh toán, các nền tảng công nghệ mới nằm ngoài quy định pháp luật, người gửi tiền qua các hình thức không gian số sẽ không được bảo vệ.

“Nếu không có những quyết định kịp thời trong lĩnh vực này thì khó bảo vệ được người tiêu dùng. Để giảm thiểu nguy cơ đổ vỡ ngân hàng, nên rải đều cú sốc trên một mặt phẳng, tức là, không chỉ dựa vào các ngân hàng truyền thống, mà còn có hệ thống các ngân hàng khác như Fintech, ngân hàng số, quỹ đầu tư... Một cú sốc khi xảy ra, nó trải đều trên mặt phẳng sẽ hạn chế được thiệt hại kinh tế”, ông Thơ nói và cho biết thêm, những nghiên cứu thống kê cho thấy, tỷ lệ vỡ nợ của ngân hàng số thấp hơn so với ngân hàng truyền thống. Bởi ngân hàng truyền thống cho vay một số doanh nghiệp lớn có liên quan với nhau, tỷ lệ rủi ro sẽ cao hơn các ngân hàng thế hệ mới cho vay tới hàng chục triệu người, mỗi người vài triệu đồng.

Vì thế, theo ông Thơ, Luật Các TCTD nên thiết kế theo chức năng, để đảm bảo khi có một bất ổn, khó khăn của nền kinh tế, các ngân hàng thế hệ mới sẽ đứng ra hỗ trợ người dân, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cả nền kinh tế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cần lưu ý, hệ thống ngân hàng số cũng có rủi ro, chính là vấn đề công nghệ. Do vậy, khi cấp phép, cần phải yêu cầu hội đồng quản trị có trình độ công nghệ thế nào, phải có người giỏi về công nghệ hay là nền tảng công nghệ được thẩm định từ bên thứ ba, cùng nhiều tiêu chí khác. Hiện những tiêu chuẩn tối thiểu của Basel cho phép các nước có thể tận dụng được các quy định này để đưa ra các khung khổ pháp lý cho ngân hàng số.

Một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc đặt ra yêu cầu hệ số an toàn vốn (CAR) cho ngân hàng số lớn hơn ngân hàng truyền thống (ở Trung Quốc là 30% và Hàn Quốc là 34%, trong khi ngân hàng truyền thống thường khoảng 8%). Cùng với đó, các tiêu chí giám sát ngân hàng số cũng ngặt nghèo hơn, vì có liên quan tới công nghệ, đặc biệt là chống rửa tiền và tài trợ khủng bố…

“Điều đó cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra những quy định để điều tiết hệ thống ngân hàng mới, bảo đảm người tiêu dùng và hệ thống tài chính phát triển lành mạnh, đặc biệt giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, bất ổn như giai đoạn hiện nay”, GS. Trần Ngọc Thơ nhấn mạnh.

Ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nội dung: “Hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế”.

Ngày 22/1/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” có nội dung: “Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu tài chính toàn diện: Nghiên cứu, ban hành quy định về đại lý ngân hàng, theo đó cho phép ngân hàng được giao cho các chủ thể không phải ngân hàng làm đại lý, cung ứng một số sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo ủy thác của ngân hàng để hưởng hoa hồng; rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, đầy đủ, kịp thời cho các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính”.

Tin bài liên quan