Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp: Bật sáng tinh thần kinh doanh

Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp: Bật sáng tinh thần kinh doanh

(ĐTCK) Thủ tướng Chính phủ vừa chính thức ký ban hành Nghị định hướng dẫn để đưa Luật Doanh nghiệp sửa đổi - một trong những sắc luật được chờ đợi nhất trong việc cải thiện môi trường kinh doanh - vào triển khai trên thực tế. Và như vậy, những khát vọng khởi tạo động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, của từng DN đã có thêm một bệ đỡ chính sách.

Doanh nghiệp được Tự quyết về con dấu

Theo quy định tại Nghị định 96, chủ DN tư nhân đối với DN tư nhân, Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, Hội đồng thành viên và chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần được quyết định số lượng, nội dung, hình thức và mẫu con dấu, quản lý và sử dụng con dấu, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

DN được quyền tự chủ trong thiết kế nội dung và hình thức con dấu, song không được sử dụng những ngôn ngữ, hình ảnh trong nội dung và hình thức con dấu, bao gồm: Quốc kỳ, Quốc huy, Đảng kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hình ảnh, biểu tượng của Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị..., đồng thời đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ khi việc sử dụng hình ảnh, từ ngữ, ký hiệu là đối tượng đã được bảo hộ về sở hữu trí tuệ trong nội dung con dấu.

Liên quan vấn đề sử dụng và quản lý con dấu, DN đã thành lập trước ngày 1/7/2015 tiếp tục được sử dụng con dấu đã cấp cho DN, mà không phải thực hiện thông báo mẫu con dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp này, DN có thể quyết định làm thêm số lượng con dấu. Trường hợp DN muốn làm con dấu mới, thì phải trả lại dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu đã cấp cho cơ quan công an.

Trường hợp DN đã thành lập trước thời điểm 1/7/2015 đã bị mất dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, thì DN được làm con dấu theo quy định tại Nghị định 96; đồng thời thông báo việc mất con dấu, mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

Nghị định cũng quy định, DN phải chịu trách nhiệm thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi DN có trụ sở chính để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trong các trường hợp làm con dấu lần đầu sau khi đăng ký DN, thay đổi số lượng, nội dung, hình thức mẫu con dấu và mầu mực dấu, hủy mẫu con dấu.

Hạn chế sở hữu chéo, tăng minh bạch thông tin

Liên quan đến khái niệm sở hữu chéo, Nghị định 96 xác định, hoạt động góp vốn thành lập DN bao gồm góp vốn, mua cổ phần để thành lập DN mới, mua phần vốn góp, cổ phần của DN đã thành lập. Sở hữu chéo là việc đồng thời hai DN có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau. Việc cùng nhau góp vốn thành lập DN theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 là trường hợp tổng số cổ phần, phần vốn góp của các công ty này bằng hoặc lớn hơn 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty có liên quan.

Nghị định 96 cũng quy định, chủ tịch công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của các công ty có liên quan chịu trách nhiệm đảm bảo tuân thủ quy định Luật Doanh nghiệp khi quyết định góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của công ty khác, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chủ tịch công ty hoặc thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của công ty có liên quan cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân bồi thường thiệt hại xảy ra cho công ty khi vi phạm các quy định liên quan.

Đáng lưu ý, Nghị định cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông công ty nếu trong quá trình thụ lý hồ sơ phát hiện việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp liên quan vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp và Nghị định.

Về thời gian áp dụng, các công ty không có cổ phần, phần vốn góp Nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 1/7/2014 có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần, nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định 96 quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với DN, chia sẻ thông tin về hoạt động của DN với mục tiêu hướng dẫn, hỗ trợ, tuyên truyền và tạo điều kiện thuận lợi để các DN tuân thủ quy định pháp luật. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước về tình hình hoạt động của DN nhằm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin DN.

Tin bài liên quan