Bảo hiểm xe là nghiệp vụ rất dễ gây tranh chấp. Ảnh: Dũng Minh

Bảo hiểm xe là nghiệp vụ rất dễ gây tranh chấp. Ảnh: Dũng Minh

Nhà bảo hiểm vẫn “quên” điều khoản loại trừ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Điều khoản loại trừ quy định các trường hợp bên bán không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm, thế nhưng nội dung rất quan trọng này thường không được gửi kèm hợp đồng bảo hiểm, cũng không được giải thích kỹ lưỡng cho bên mua nên dễ dẫn đến tranh chấp.

Khi đòi bồi thường mới biết điều khoản loại trừ

Ngày 17/5/2022, anh Phạm Văn Hưng (Hưng Yên) thông báo qua điện thoại cho công ty bảo hiểm V về việc ô tô của anh đang dừng đỗ trên đường tại Hưng Yên thì bị xe khác đâm vào phía sau.

Tại thời điểm thông báo, lái xe này đã điều khiển xe di chuyển khỏi hiện trường tổn thất. Do đó, công ty V cho biết, căn cứ quy tắc bảo hiểm của Công ty thì trường hợp này không được bồi thường (giảm trừ 100% số tiền bồi thường). Theo quy tắc này, khi xảy ra tổn thất, lái xe phải có trách nhiệm thông báo ngay cho nhà bảo hiểm để phối hợp giải quyết, đồng thời phải giữ nguyên và bảo vệ hiện trường tổn thất.

Tuy nhiên, phía khách hàng cho hay, không hề được cung cấp bộ quy tắc trên trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm, chỉ đến khi công ty bảo hiểm thông báo từ chối trả quyền lợi mới biết có quy tắc này. Vụ việc đang trong quá trình giải quyết.

Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Một trường hợp khác, anh Đỗ Minh Đức (chủ doanh nghiệp vận tải sở hữu hơn 10 xe ô tô tại Hà Nội) cho biết, trong 2 năm qua, có 3 xe bị giảm trừ bồi thường 50% vì nhiều nguyên nhân như xe di chuyển khỏi hiện trường, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm luật giao thông...

“Sẽ không có gì lấn cấn nếu tôi được cung cấp trước bộ quy tắc đính kèm các điều khoản loại trừ khi ký hợp đồng, nhưng đáng tiếc là đến khi gặp sự cố mới biết đến những điều khoản loại trừ này. Từ nay, ngoại trừ loại bảo hiểm bắt buộc phải mua theo quy định, tôi sẽ không mua bảo hiểm thân vỏ xe nữa, chi phí này dùng để sửa chữa xe khi hỏng hóc”, anh Đức nói.

Thực tế, việc khách hàng phản ánh không được cung cấp bộ quy tắc điều khoản đính kèm hợp đồng bảo hiểm thường xuyên diễn ra mỗi khi sự kiện bồi thường thân vỏ xe xảy ra. Thậm chí, trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên (khách hàng - nhà bảo hiểm) cũng không quy định các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, trong khi đây là nội dung rất quan trọng xác định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm.

Trong khi đó, các nhân viên kinh doanh bảo hiểm cho biết, bộ quy tắc rất dài, nếu in ra đọc trực tiếp sẽ mất nhiều thời gian nên chủ yếu gửi qua zalo, facebook… cho khách hàng, trên webiste công ty cũng đã đăng đầy đủ nên mời khách hàng tự vào tìm hiểu thêm, trừ khi khách hàng chủ động yêu cầu cung cấp thì công ty bảo hiểm mới in bản cứng gửi cho khách hàng.

Ngoài ra, việc mang đầy đủ tài liệu đính kèm hợp đồng sẽ khiến bên mua cảm thấy rắc rối, dẫn đến tâm lý e ngại quyền lợi không được đảm bảo mà nản lòng, không mua nữa, trong khi áp lực doanh số luôn đè nặng!

Các chuyên gia cho rằng, về lý thuyết, khách hàng phải có trách nhiệm tìm hiểu khi muốn mua bảo hiểm. Tuy nhiên, bảo hiểm là lĩnh vực phức tạp, không phải khách hàng nào cũng đủ năng lực để nắm bắt, nên việc được cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin, được tư vấn kỹ là rất cần thiết để tránh rủi ro tranh chấp sau này.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bên bán bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm ngay cả khi không được yêu cầu, nhưng thực tế là hầu hết bên bán đều không làm tròn vai, đến khi tranh chấp xảy ra thì đổ lỗi cho khách hàng là không tìm hiểu kỹ. Bên soạn thảo hợp đồng - ở đây là doanh nghiệp bảo hiểm với đại diện là đại lý bán bảo hiểm - phải có trách nhiệm công khai, giải thích rõ ràng các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng.

“Mặc dù bên bán thường không gửi kèm quy tắc, điều khoản loại trừ bảo hiểm khi ký hợp đồng, nhưng khi rủi ro xảy ra và bên mua khởi kiện bên bán bảo hiểm với lý do này, chưa hẳn phần thắng thuộc về bên mua. Tòa án thường phán quyết bên mua thắng kiện trong trường hợp bên bán bảo hiểm thừa nhận là đã không cung cấp cho bên mua đầy đủ thông tin theo quy định”, luật sư Đỗ Hồng Sơn - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho hay.

Việc bảo vệ bên mua cần cụ thể hơn

Trong quá trình thẩm tra dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi hồi tháng 6/2021, Bộ Tư pháp cho biết, các điều khoản loại trừ được đặt ra nhằm mục đích cho phép doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường/trả tiền bảo hiểm trong trường hợp bên mua có ý định trục lợi bảo hiểm bởi những hành vi cố ý.

Tuy nhiên, các hợp đồng kinh doanh bảo hiểm trên thực tế đều là hợp đồng gia nhập, tức là loại hợp đồng mẫu với các điều khoản được xây dựng trên cơ sở ý chí của một bên (bên bán bảo hiểm), mà bên còn lại tại hợp đồng (bên mua bảo hiểm) không có cơ hội thỏa thuận, chỉ có thể thể hiện ý chí thông qua việc có hoặc không tham gia hợp đồng. Do đó, khả năng kiểm soát của bên mua bảo hiểm đối với các trường hợp loại trừ trách nhiệm mà doanh nghiệp bảo hiểm đưa vào hợp đồng là không thể thực hiện được.

Để đảm bảo tính minh bạch, hạn chế những tranh chấp phát sinh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên, đặc biệt là bên mua bảo hiểm, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính bổ sung nguyên tắc công khai nội dung về điều khoản loại trừ và bằng chứng xác nhận của bên mua bảo hiểm về việc đã được giải thích rõ và hiểu đúng về điều khoản loại trừ trong hợp đồng.

Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Tài chính đã chỉnh sửa Điều 16 - Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm tại dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm phiên bản cập nhật lần 5, cụ thể: Trường hợp có điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm, phải giải thích rõ và có bằng chứng xác nhận việc bên mua bảo hiểm đã được doanh nghiệp bảo hiểm giải thích đầy đủ và hiểu rõ các nội dung này khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Điểm cần lưu ý ở đây là việc hiểu thế nào là bằng chứng, hay bằng chứng như thế nào là phù hợp… cần được nêu rõ ở những văn bản dưới luật để tránh việc hiểu sai, hiểu chưa đúng, từ đó dẫn đến tranh chấp.

“Bộ Tài chính cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm thân vỏ xe nói riêng, bảo hiểm nói chung có kèm theo các quy tắc, điều khoản loại trừ hay không, bởi từ trước tới nay, chưa thấy cơ quan quản lý công khai xử phạt hành vi vi phạm này. Về phía chủ xe, nhất là các chủ xe kinh doanh vận tải thường mua lượng lớn bảo hiểm xe, cần chủ động yêu cầu bên bán bảo hiểm cung cấp và giải thích rõ các quy tắc, điều khoản loại trừ, đồng thời cần tìm đến những đơn vị chuyên môn để được tư vấn rõ hơn vì không phải bộ quy tắc, điều khoản loại trừ của nhà bảo hiểm nào cũng giống nhau”, luật sư Sơn khuyến nghị.

Tin bài liên quan