Parkson thoái lui và sự “đổi ngôi” của bất động sản bán lẻ

Parkson thoái lui và sự “đổi ngôi” của bất động sản bán lẻ

Dự báo sẽ còn nhiều cuộc "đổi ngôi" giữa các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản bán lẻ sau khi một trung tâm mua sắm nữa của Parkson đóng cửa.

Liên tục trong các báo cáo thường niên từ năm 2013 đến 2015 của Parkson Retail Asia Limited (đơn vị điều hành bán lẻ tại khu vực ASEAN thuộc Tập đoàn Lion, Malaysia) đưa ra nhận định: Thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt khiến kinh doanh không tăng trưởng như mong muốn, một phần do sự xuất hiện của nhiều đối thủ trên thị trường, một phần do sức mua suy giảm.

Vậy hoạt động của Parkson tại Việt Nam đã bị tác động ra sao?

Được biết, tổng doanh thu của Parkson tại Việt Nam gồm các khoản từ bán hàng trực tiếp, nhượng quyền bán hàng, phí tư vấn, phí quản lý và thu nhập cho thuê. Dựa vào diễn biến thị trường có thể thấy, Parkson là nhà kinh doanh mặt bằng bán lẻ tiên phong ở những thị trường mới nổi tại Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, Parkson khai thác trung tâm thương mại đầu tiên ở tòa nhà Saigon Tourist Plaza. Chiến lược được lãnh đạo Parkson nhắc đi nhắc lại đối với thị trường Việt Nam là mỗi năm mở thêm từ 1 đến 2 trung tâm thương mại. Tính đến năm 2015, Parkson có 9 trung tâm thương mại ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Đà Nẵng, với tổng diện tích sàn thương mại đạt 102.000m2, trong đó diện tích mặt bằng do Parkson sở hữu chiếm 18.000m2, phần còn lại là mặt bằng thuê.

So với năm 2012, diện tích sàn thương mại của nhà bán lẻ này giảm 22.665m2 (từ 124.665m2 xuống 102.000m2). Vì sao lại có sự sụt giảm này?

Năm 2015, Parkson gặp nhiều thử thách ở cả thị trường truyền thống là Malaysia lẫn Việt Nam. Tổn thất trong năm đến từ việc đóng cửa một trung tâm thương mại ở Hà Nội để ngăn chặn những tác động lớn hơn do kinh doanh ế ẩm. Và mới đây, trên website của Parkson Việt Nam đã ra thông báo trung tâm thương mại Parkson ở tòa nhà Paragon (mặt tiền đường Nguyễn Lương Bằng, quận 7, TP. HCM) "tạm thời đóng cửa" từ ngày 16/5/2016.

Tại buổi gặp báo chí hồi tháng 4/2016 của C.T Group, phía đơn vị này cũng cho biết, do những vấn đề liên quan đến kinh doanh, Parkson đã trả lại 6 tầng thương mại (dự kiến sẽ đưa vào khai thác khi toàn bộ công trình Léman hoàn thành) cho nhà phát triển bất động sản Việt Nam.

Việc kinh doanh của Parkson có dấu hiệu giảm sút từ năm 2010 - thời điểm Vingroup ra mắt Vincom Center B (Đồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng, quận 1, gần sát Parkson Lê Thánh Tôn, TP. HCM).

Đại diện của Parkson Việt Nam - ông Tham Tuck Choy từng chia sẻ, đã nhìn thấy sự thay đổi trong mô hình bán hàng, như thương mại điện tử bắt đầu phát triển, đồng thời sự ra đời của các shopping mall quy mô lớn, tích hợp cùng lúc ẩm thực, giải trí, mua sắm... đã thu hút nhiều khách thuê vì đáp ứng được nhu cầu, xu hướng mua sắm, giải trí của người tiêu dùng hiện đại.

Ngay như trường hợp của Vingroup, từ đầu tập đoàn này xác định chiến lược phát triển phân khúc bất động sản bán lẻ với hai dòng sản phẩm chính là trung tâm thương mại Vincom (diện tích dưới 100.000m2) và trung tâm thương mại Vincom Mega Mall (trên 100.000m2).

Ra mắt trung tâm thương mại Vincom đầu tiên tại TP. HCM năm 2010, đến nay, Vingroup đang điều hành 20 trung tâm thương mại Vincom ở một số tỉnh - thành, với tốc độ phát triển bình quân 4 trung tâm mỗi năm, cho thấy doanh nghiệp này đã đi rất nhanh so với những đối thủ khác trên thị trường. Trong khi đó Parkson vẫn trung thành với mô hình "siêu thị mua sắm cao cấp" - department store, với cơ cấu hàng hóa, diện tích khai thác tương đối hạn chế.

Từ 6 tháng cuối năm 2013, Parkson có mức tăng trưởng thấp kỷ lục, chỉ với 2%, so với mức 9,1% mà nhà bán lẻ này dự báo. Tình hình kinh doanh giảm sút tiếp tục được ghi nhận trong hai năm 2014, 2015.

Parkson sẽ có những động thái gì để "tái cấu trúc" hoạt động ở Việt Nam? Về vấn đề này, năm 2014, trả lời báo chí, Parkson cho biết sẽ thận trọng xem xét để mở thêm các trung tâm mua sắm. Thêm nữa, nhìn vào chiến lược mà ban điều hành của Parkson Retail Asia Ltd trình bày trong báo cáo thường niên 2015 có thể thấy, năm 2016, mục tiêu của Parkson là tập trung vào việc mở trung tâm thương mại ở Campuchia và Indonesia, thay vì ưu tiên thị trường Việt Nam như giai đoạn trước 2010.

Trái ngược với những khó khăn mà Parkson đang đối diện, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước đang tăng tốc trong cuộc đua tìm kiếm mặt bằng đắc địa để mở thêm các trung tâm mua sắm lớn.

Chẳng hạn hơn hai năm qua, Vingroup đã "mạnh tay" mua lại các trung tâm thương mại từ Ocean Group, Vinatex. Hay như ông Hong Won Sik - Tổng giám đốc Lotte Vietnam Shopping cho biết, năm nay, một trong những mục tiêu của Công ty là tiến hành mua bán - sáp nhập (M&A) nhằm tiến tới con số 60 trung tâm thương mại, siêu thị vào năm 2020. Trong đó, hướng mà Lotte nhấn mạnh là các trung tâm thương mại tích hợp vừa siêu thị, khu mua sắm cao cấp, giải trí, ẩm thực như trung tâm 2,7 ha vừa đưa vào vận hành ở Gò Vấp, TP. HCM.

Tin bài liên quan