Phát triển bền vững và quản lý rác thải để thúc đẩy ngành du lịch

Phát triển bền vững và quản lý rác thải để thúc đẩy ngành du lịch

(ĐTCK) Du lịch bền vững đã nhận được sự chú ý nhiều hơn từ giới chuyên gia và doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua bởi ô nhiễm môi trường cũng như việc ngành du lịch đang cung cấp các dịch vụ thiếu sáng tạo, vụn vặt và không thích hợp. Miquel Angel P. Martorell, Tổng giám đốc Oakwood Worldwide đã chia sẻ góc nhìn của mình về những thách thức và xu hướng mà ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ sẽ hướng tới trong vài thập kỷ tiếp theo.

Cụm từ “phát triển bền vững” đã trở nên thông dụng hơn tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây, dù nó đã có một lịch sử lâu dài tại nhiều quốc gia và lục địa khác.

Phát triển du lịch bắt đầu tại Việt Nam kể từ thời kỳ Đổi mới vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 khi đất nước mở cửa với thế giới, nhưng trước đó, đã có nhiều khách sạn tồn tại, đa phần tại Hà Nội, Huế và TP.HCM, trở thành một trong những chứng nhân cho các sự kiện lịch sử và là nơi đón tiếp những nhân vật nổi tiếng.

Sống tại Việt Nam gần hai thập kỷ, làm việc trong ngành du lịch và dịch vụ tại một vài công ty, tôi không hề thấy thỏa mãn khi chứng kiến quá trình phát triển du lịch bền vững được thực hiện và có những khác biệt đáng kể giữa quyết tâm của giới chức và thực tế diễn ra.

Sau khi sinh sống tại một số địa danh nổi tiếng dọc Việt Nam, làm việc tại 4 quốc gia ASEAN khác nhau, cùng với trải nghiệm tại quê nhà châu Âu, tôi phải thừa nhận rằng, phát triển bền vững không phải là vấn đề ưu tiên của tất cả mọi người.

Thực tế, một số điểm đến tiềm năng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong khi một số khác bị phá hoại bởi hoạt động xây dựng thiếu sự giám sát của những cá nhân, tổ chức có chuyên môn về môi trường. Một số biển, bờ biển bị ô nhiễm nặng, trong khi nhiều ngọn núi, cao nguyên bị bao phủ bởi rác thải nhựa, rác sinh hoạt tích tụ trong nhiều năm.

Có cảm giác như quản lý rác thải không phải là một trong những ưu tiên của Việt Nam, tương tự như việc lên kế hoạch cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Kế hoạch và sự tương tác giữa cơ quan quản lý nhà nước chưa đạt được tiêu chuẩn của thế kỷ 21, trong khi khối tư nhân đang chuyển động một cách tham vọng và thường xuyên có xung đột với việc bảo vệ thiên nhiên do thiếu nhận thức về việc phải giữ gìn môi trường tự nhiên cho các thế hệ con cháu.

Bãi biển Vũng Tàu đang ngập ngụa trong rác thải nhựa và cặn bã. Đường sắt từ Hà Nội tới Lào Cai là một vệt dài của túi nilon và rác thải nhựa; trong khi di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long được UNESCO ghi nhận đón chào du khách bằng rác thải trôi nổi trên mặt biển.

Đây chỉ là một vài ví dụ, vấn đề đáng quan ngại hơn tất cả là việc không có dấu hiệu nào cho thấy diễn biến này sẽ dừng lại, dẫn tới một nhu cầu cấp thiết là tất cả chúng ta phải bắt đầu “suy nghĩ xanh”.

Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) gần đây có đề cập tới việc lập quy hoạch phát triển đô thị bền vững cần phải dựa trên tiềm năng, lợi ích và thách thức mà các thành phố ven biển phải đối mặt trong tương lai và điều này là hoàn toàn dễ hiểu.

Năng lực của môi trường tự nhiên, tốc độ phát triển đô thị và sự phát triển du lịch đều cần được đánh giá một cách cẩn thận; trong đó, người lập kế hoạch cần phải chú trọng tới việc bảo vệ đất đai cho các thế hệ tương lai. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự kết nối giữa khu vực tư và công, cũng như có biện pháp phát hiện những hành động sai trái với môi trường.

Chưa kể, các điểm du lịch sinh thái tại Việt Nam hiếm khi được bảo vệ và quản lý một cách chuyên nghiệp. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các vườn quốc gia, nơi thường xuất hiện trên truyền thông vì các hành động sai phạm, trái pháp luật và những nghi ngờ liên quan tới hành động sai trái, trong khi lẽ ra mọi chuyện phải diễn biến ngược lại.

Đây phải là điểm đến ưa chuộng của cả du khách trong và ngoài nước, là nơi kẻ đến không để lại gì ngoài những dấu chân và không lấy đi gì ngoài những kỷ niệm đáng giá.

Khu du lịch sinh thái Đảo Cò tại huyện Thanh Miện, Hải Dương là ví dụ rõ ràng cho cách mà du lịch có thể khai phá tiềm năng, tạo nên sức hấp dẫn lớn nhờ khung cảnh và bầu không khí trong lành. Từng đàn chim bay từ Trung Quốc, Myanmar, Ấn Độ và Nepal đã tới Việt Nam và Đảo Cò gợi nhắc tôi về hình ảnh những đàn chim tới vùng đầm lầy Catalan từ Bắc châu Âu suốt mùa đông lạnh giá, hay những đàn chim trở về từ châu Phi trong những ngày mùa hè nóng bỏng.

Một số ví dụ khác về du lịch bền vững là hồ Na Hang tại Tuyên Quang, hồ Mực tại Thanh Hoa, hồ Chiếu tại Sơn La, hay Quan Sơn, Tuy Lai tại huyện Mỹ Đức gần Hà Nội. Đây đều là các địa điểm giàu tiềm năng trở thành những vịnh Hạ Long “mới và không ô nhiễm” tại Việt Nam.

Việc phát triển du lịch tại các địa điểm này cần có sự tập trung hơn vào phát triển bền vững, hứa hẹn một tương lai lâu dài cho các chuyến đi bằng thuyền, tour tham quan cảnh sông nước, thưởng thức sản vật địa phương, cũng như phong tục đặc sắc của những người dân tộc thiểu số.

Dưới đây là một vài xu hướng mà Việt Nam có thể cân nhắc và một số ý tưởng kinh doanh trong những thập kỷ tới để xây dựng nên ngành công nghiệp du lịch và dịch vụ phát triển bền vững.

Thứ nhất, gia tăng du lịch sông nước: Các tour sông Hồng và sông Sài Gòn có thể được ưa chuộng khi các dòng sông này được khai thác thế mạnh du lịch, thay vì chỉ đóng vai trò là đường giao thông vận chuyển hàng hóa. Những con sông này không nên ở trong tình trạng là nơi chứa rác, hay lãng phí nguồn lực. Việt Nam có 2.360 dòng sông và hơn 42.000 km giao thông đường thủy, đây là tiềm năng rất lớn cho cả giao thông và du lịch.

Thứ hai, các vườn quốc gia nên có sự kết nối với các tổ chức tư nhân, có như vậy mới cải thiện được năng lực quản lý, nguồn lực, tính thu hút, tiềm năng và nên tạo cơ hội để tổ chức tư nhân quốc tế có thể tham gia vào lĩnh vực này. Nếu mọi chuyện được làm đúng, việc này có thể hỗ trợ thế hệ tương lai tình yêu thiên nhiên, tôn trọng môi trường, động thực vật xung quanh theo cách bền vững nhất.

Thứ ba, gia tăng du lịch khu vực nông thôn, homestays, trong bối cảnh du khách mong muốn các trải nghiệm có sự gắn kết với cư dân địa phương.

Thứ tư, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Du lịch thông minh và nông nghiệp 4.0 có thể giúp chúng ta đánh giá chính xác giá trị của các yếu tố môi trường, chống lại ô nhiễm và bảo vệ nguồn lực tự nhiên theo cách thông minh hơn, hiện đại hơn. Hoạt động bảo vệ tự nhiên sẽ được hưởng lợi từ các ứng dụng mới, thay vì làm theo phương pháp giấy tờ truyền thống, hoặc dữ liệu sẽ sẵn sàng được kết nối thông qua các thiết bị di động.

Thứ năm, các du thuyền vẫn chưa được quản lý chặt chẽ: Có 493 du thuyền tham quan năm 2018, khiến Việt Nam trở thành quốc gia được ghé thăm nhiều thứ tư tại châu Á.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du thuyền này chưa tạo ra các lợi ích xã hội, cũng như không có đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng địa phương. Việc tổ chức đấu giá đối với toàn bộ lĩnh vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ du thuyền là cần thiết, khi có tới hơn 80.000 du khách quốc tế tới Việt Nam bằng phương tiện này và họ xứng đáng được phục vụ tốt hơn những dịch vụ được các doanh nghiệp du thuyền độc quyền cung cấp hiện nay.

Tựu trung, việc bảo vệ môi trường sẽ giảm thiểu các tác động lớn tới môi trường trong tương lai gần, cũng như phát triển bền vững là yêu cầu thiết yếu, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bộ phận.

Hiện tại, một số yếu tố chính đang bị phớt lờ là tiếp cận cuộc sống con người, tác động qua lại giữa du khách và địa phương, năng lực đáp ứng của các điểm đến, thiếu tôn trọng với tài nguyên đất và thiếu tầm nhìn xanh. Nếu tiếp tục như vậy, chúng ta sẽ phải trả giá trong tương lai không xa.

Tin bài liên quan