Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế - Trường hợp 7

Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế - Trường hợp 7

(ĐTCK) Công ty cổ phần A sở hữu 60% vốn điều lệ tại công ty con B. Về hoạt động kinh doanh, gần như toàn bộ doanh thu của công ty B là từ công ty A. Nói cách khác, công ty A vừa là cổ đông lớn, vừa là khách hàng chính của công ty B. Ngoài ra, 5 trong số 7 thành viên HĐQT của công ty A đồng thời là cổ đông nắm giữ cổ phần của công ty B và 4 trong số 5 thành viên này là thành viên HĐQT công ty B. Cả 2 công ty A và B đều là công ty cổ phần đại chúng chưa niêm yết.

Công ty A có kế hoạch thâu tóm, mua lại toàn bộ cổ phần của công ty B. Theo đó, HĐQT công ty A đã họp và thông qua nghị quyết về phương án phát hành cổ phần nhằm hoán đổi cổ phần với các cổ đông của công ty B để trình ĐHCĐ phê duyệt.

Nghị quyết của HĐQT được thông qua với tỷ lệ 5/7, trong đó 5 thành viên chấp thuận là 5 thành viên có nắm giữ cổ phần của công ty B. Tại ĐHCĐ, phương án này đã được thông qua bởi các cổ đông nắm giữ 77% tổng số lượng cổ phần tham dự đại hội, trong đó có nhiều cổ đông cũng đang sở hữu cổ phần của công ty B.

Một số cổ đông cho rằng, nghị quyết ĐHCĐ được thông qua không đúng theo quy định của Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2005 về hợp đồng, giao dịch phải được ĐHCĐ hoặc HĐQT chấp thuận. Sau đó, các cổ đông này đã có văn bản gửi HĐQT yêu cầu làm rõ các thủ tục tiến hành và thông qua nghị quyết ĐHCĐ nêu trên.

(Còn nữa)

Bà Vũ Thu Hằng, Luật sư Điều hành HPLaw

Chúng tôi cho rằng, có thể HĐQT và cổ đông của công ty A xem phương án hoán đổi cổ phần là một giao dịch phát hành cổ phiếu thông thường nên nghị quyết cần phải được xem xét ở cấp HĐQT và trình cổ đông chấp thuận ở cấp ĐHCĐ. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, phương án hoán đổi cổ phần này chính là giao dịch cần được chấp thuận của HĐQT hoặc ĐHCĐ theo quy định tại Điều 120 Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, thành viên HĐQT có lợi ích liên quan hoặc cổ đông có liên quan không có quyền biểu quyết (theo Điều 120.2 và Điều 120.3 Luật Doanh nghiệp). Do vậy, các nghị quyết của HĐQT và/hoặc nghị quyết ĐHCĐ về phương án hoán đổi cổ phần nêu trên đã vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Trong vụ việc nêu trên, 5 thành viên HĐQT của công ty A đồng thời là cổ đông của công ty B và 4 trong số 5 thành viên này là thành viên HĐQT của công ty B. Theo Điều 120.1.c Luật Doanh nghiệp, việc hoán đổi cổ phiếu này được coi là “giao dịch giữa công ty và doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 118 của Luật Doanh nghiệp”.

Cụ thể, doanh nghiệp nêu tại điểm a khoản 1 Điều 118 của Luật Doanh nghiệp là “doanh nghiệp mà thành viên HĐQT có sở hữu phần vốn góp hoặc cổ phần”. Do vậy, các thành viên này được xem là thành viên HĐQT có lợi ích liên quan và cổ đông có liên quan đối với phương án hoán đổi cổ phần.

Theo đó, nghị quyết HĐQT đã được thông qua bởi các thành viên này là không hợp lệ bởi các thành viên đó không có quyền biểu quyết. Nghị quyết chỉ được thông qua hợp lệ khi được biểu quyết bởi 2 thành viên HĐQT còn lại, vì 2 thành viên còn lại không có lợi ích liên quan.

Tương tự, nghị quyết ĐHCĐ của công ty A về phương án hoán đổi cổ phần cũng không được thông qua hợp lệ khi các cổ đông biểu quyết thông qua bao gồm những cổ đông có liên quan, cụ thể họ vừa là cổ đông của công ty A, vừa là cổ đông của công ty B.

Nghị quyết ĐHCĐ chỉ được thông qua hợp lệ khi các cổ đông không nắm giữ cổ phần của công ty B (nghĩa là các cổ đông không có liên quan) có quyền biểu quyết bỏ phiếu chấp thuận.Để thực hiện được kế hoạch thâu tóm theo đúng quy định của pháp luật, công ty A cần phải tiến hành thông qua lại phương án hoán đổi, trong đó thành viên HĐQT có lợi ích liên quan và cổ đông có liên quan không biểu quyết.

TS. Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Cao học Quản trị kinh doanh Maastricht MBA, Đại học Bách khoa TP. HCM, chuyên gia quản trị công ty khu vực ASEAN   

Quản trị công ty, những câu hỏi từ thực tế - Trường hợp 7 ảnh 1
Luật Doanh nghiệp có quy định yêu cầu các bên có quyền lợi liên quan không được tham gia vào quá trình xét duyệt các giao dịch với các bên liên quan. Ở đây, 5 thành viên HĐQT công ty A vừa là cổ đông, vừa là thành viên HĐQT công ty B nên được xem là bên có quyền lợi liên quan nên không được tham gia biểu quyết thông qua các quyết định liên quan đến việc thâu tóm công ty B. Ngoài ra, cuộc họp ĐHCĐ có nhiều cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu công ty B, các cổ đông này cũng là các bên có quyền lợi liên quan nên không được tham gia bỏ phiếu biểu quyết thông qua quyết định thâu tóm công ty B, cũng như quyết định về phương án hoán đổi cổ phiếu.

Một số nước như Malaysia, Thái Lan, Philippines quy định các thành viên HĐQT có quyền lợi liên quan không được có mặt trong các cuộc họp của HĐQT thảo luận và biểu quyết về các giao dịch có xung đột lợi ích.

Theo thông lệ quốc tế trong khu vực ASEAN, các quyết định mua bán tài sản như thâu tóm, sáp nhập doanh nghiệp được xem là các giao dịch trọng yếu, có ảnh hưởng lớn đến lợi ích cổ đông. Để đảm bảo cho các quyết định này là an toàn, hợp lý, đem lại giá trị cho công ty và cổ đông, các quốc gia có quy định cần có một bên độc lập tham gia tư vấn, xem xét đánh giá và phân tích về tính hợp lý của thương vụ, về tính hợp lý của giá mua bán và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu.

Tin bài liên quan