Sotrans (STG) có gì hấp dẫn để hút 1.300 tỷ đồng từ khối ngoại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Gần 24,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 25% vốn của Công ty cổ phần Kho vận miền Nam (Sotrans - mã chứng khoán STG) đã được khối ngoại mua vào theo hình thức thoả thuận với tổng giá trị đến gần 1.300 tỷ đồng, tương đương giá trung bình 52.500 đồng trong phiên giao dịch ngày 19/5.
Sotrans (STG) có gì hấp dẫn để hút 1.300 tỷ đồng từ khối ngoại

Bên mua chưa xác định rõ danh tính, nhưng bên bán là công ty mẹ của STG - Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL).

Trước đó, Indo Trần đăng ký bán gần 29,5 triệu cổ phiếu STG từ ngày 19/5 - 16/6. Giao dịch được thực hiện theo hình thức khớp lệnh trực tiếp hoặc giao dịch thoả thuận hoặc chào mua công khai. Nếu bán hết tỷ lệ sở hữu của Indo Trần tại STG giảm từ 98,9% xuống còn 68,93%, tương đương còn nắm giữ hơn 67,7 triệu cổ phiếu. Như vậy, ngay trong ngày đầu tiên đăng ký, Indo Trần đã bán 83% lượng đăng ký bán.

Đáng nói, chỉ mới 2 tuần trước, Indo Trần vừa mua vào gần 2,15 triệu cổ phiếu STG trong tổng số gần 3,2 triệu cổ phiếu đăng ký mua (từ ngày 6/4 đến 4/5), với giá mua trung bình 52.849 đồng/cổ phiếu.

Diễn biến giao dịch của STG trong 3 năm qua.

Diễn biến giao dịch của STG trong 3 năm qua.

Sau khi SCIC thoái toàn bộ vốn 47,7% vốn tại STG vào tháng 7/2015, đã có một cuộc đua thâu tóm doanh nghiệp này của các ông lớn.

Cụ thể, tháng 9/2015, Indo Trần bắt đầu đầu tư vào STG khi mua thêm 1,2 triệu cổ phiếu trở thành cổ đông lớn, với tỷ lệ sở hữu là 18,9%. Công ty này sau đó nhiều lần mua gom và liên tục nâng tỷ lệ sở hữu lên.

Cuối năm 2016, Gelex Logistics (đơn vị thành viên của Gelex) đã nâng tỷ lệ sở hữu gần 25% tại STG. Đầu năm 2017, công ty này chào mua công khai STG và đến tháng 5/2017, đã nắm giữ 54,8% vốn điều lệ tại STG.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2020, Gelex rút khỏi mảng logistics và Indo Trần đã nhận chuyển quyền sở hữu hơn 54 triệu cổ phiếu STG từ Gelex Logistics, trở thành cổ đông lớn nắm quyền chi phối.

Sotrans được thành lập từ năm 1975 với hệ thống kho và vận chuyển chủ lực của ngành thương mại. Sotrans chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần từ năm 2007.

Công ty có hệ thống 8 công ty con và 7 đơn vị thành viên, trong đó có Tổng công ty cổ phần đường sông Việt Nam (Sowatco) phát triển kinh doanh lõi về cảng biển, xà lan, đóng tàu; Vietranstimex phát triển kinh doanh lõi về vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng hệ thống kho bãi trải dài từ Hà Nội vào Đà Nẵng, mạng lưới hoạt động trải rộng sang cả lào, Campuchia…

Trong năm 2022, Sotrans tiếp tục đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại các công ty con, một số khoản đầu tư lớn như đầu tư đóng mới 2 tàu chở container 300 Teus, đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng cảng Long Bình, đầu tư phần mềm vận hành cảng cho cảng Long Bình, đầu tư trang thiết bị đồng bộ cho hoạt động cảng Long Bình, đầu tư phần mềm quản lý dự án cho Vietranstimex.

Năm 2022, STG ghi nhận doanh thu đạt 2.639 tỷ đồng, giảm 9% so với thực hiện năm 2021 nhưng lợi nhuận có tăng trưởng 3% đạt gần 360 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh quý 1/2023, STG báo doanh thu thuần hơn 385 tỷ đồng, lãi ròng gần 40 tỷ đồng, giảm lần lượt 48% và 36% so với cùng kỳ.

Tính đến hết ngày 31/3/2023, tổng tài sản của STG là 2.771 tỷ đồng, nợ phải trả là 605 tỷ đồng.

Sotrans có thâm niên hơn 47 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, nắm giữ nhiều lợi thế với 45.000m2 cảng biển.

Tin bài liên quan