Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sự cải thiện của môi trường pháp lý đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(ĐTCK) Tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời tạo sự bình đẳng trong kinh doanh cho các doanh nghiệp

Giai đoạn trước năm 2000

Từ năm 1993 trở về trước, Việt Nam chỉ có một công ty bảo hiểm là Bảo Việt. Sau khi Nghị định 100/CP ngày 18/12/1993 về kinh doanh bảo hiểm được Chính phủ ban hành, thị trường bảo hiểm Việt Nam xuất hiện nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cả trong và ngoài nước như: Bảo Minh (1994), Vinare (1994), PJICO, Bảo Long (1995), PVI, VIA (1996), UIC (1997), PTI (1998).

Đặc biệt, năm 1999 và 2000, có thêm một loạt doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được thành lập. 

Trong năm 2000, để tạo điều kiện cho ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời tạo sự bình đẳng trong kinh doanh cho các doanh nghiệp, không phân biệt đối xử và nâng cao được năng lực cạnh tranh của thị trường.

Giai đoạn từ 2000 đến 2006

Các văn bản dưới luật hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được ban hành hết sức chặt chẽ và có hệ thống, hướng dẫn chi tiết từ quản lý nhà nước, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, khai thác bảo hiểm, hoạt động tái bảo hiểm, đến chế độ tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm, bao gồm:

- Nghị định 42/2001/NĐ-CP.

- Nghị định 43/2001/NĐ-CP.

- Thông tư 71/2001/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 42/2001/NĐ-CP.

- Thông tư 72/2001/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 43/2001/NĐ-CP.

- Quyết định 153/2003/QĐ-BTC ban hành hệ thống chỉ tiêu giám sát doanh nghiệp bảo hiểm.

Nghị định 118/2003/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn số 35 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Hệ thống văn bản này là cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đến năm 2006, toàn thị trường có 30 doanh nghiệp bảo hiểm, 8 công ty môi giới bảo hiểm. Doanh thu phí tăng từ 3.174 tỷ đồng năm 2000 lên 14.928 tỷ đồng năm 2006. Tỷ trọng phí bảo hiểm trên GDP cả nước tăng từ 0,72% năm 2000 lên 2,2% năm 2006. Số lượng các sản phẩm bảo hiểm tăng từ 150 sản phẩm lên trên 600 sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.

Một số doanh nghiệp trong giai đoạn này bắt đầu cổ phần hóa, đi đầu là Bảo Minh, Vinare, Bảo Việt, PVI. 

Giai đoạn 2007 đến 2010

Đây là giai đoạn Việt Nam mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có nhiều thay đổi trong định hướng cũng như cơ chế, chính sách. Sau 6 năm thi hành, các nghị định và thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã được sửa đổi, thay thế kịp thời để phù hợp với tình hình hoạt động của thị trường. Cụ thể:

- Nghị định 45/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2001/NĐ-CP.

- Nghị định 46/2007/NĐ-CP thay thế Nghị định 43/2001/NĐ-CP.

- Thông tư 155/2007/NĐ-CP hướng dẫn Nghị định 45/2007/NĐ-CP.

- Thông tư 156/2007/NĐ-CP hướng dẫn Nghị định 46/2007/NĐ-CP.

- Nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, thay thế Nghị định 118/2003/NĐ-CP.

Những văn bản này đảm bảo được tính công khai, minh bạch và những nội dung sửa đổi, bổ sung đã mang lại những hiệu quả nhất định, tác động tích cực đến sự phát triển của hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 17.678 tỷ đồng năm 2007 lên 31.053 tỷ đồng năm 2010, tăng trưởng bình quân 19,1%/năm. Tính đến năm 2010, có 52 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 12 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 1 công ty tái bảo hiểm, 10 công ty môi giới.

Nhằm phù hợp với các cam kết quốc tế, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và một số luật khác như Luật Cạnh tranh, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ người tiêu dùng, cũng như hoàn thiện hơn chế độ quản lý nhà nước đối với thị trường bảo hiểm, năm 2010, Quốc hội ban hành Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Giai đoạn từ 2011 đến nay

Sau khi Luật số 61/2010/QH12 được ban hành, các văn bản hướng dẫn cũng kịp thời được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế:

- Nghị định 123/2011/NĐ-CP.

- Thông tư 124/2012/TT-BTC (thay thế Thông tư 155/2007/NĐ-CP).

- Thông tư 125/2012/TT-BTC (thay thế Thông tư 156/2007/NĐ-CP).

- Nghị định 98/2013/NĐ-CP (thay thế Nghị định 41/2009/NĐ-CP).

Nghị định 123/2011/NĐ-CP được ban hành nhằm hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có các nội dung phù hợp với các cam kết WTO như: bán sản phẩm bảo hiểm qua biên giới, thành lập chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, bổ sung nghiệp vụ bảo hiểm bảo lãnh. Một số quy định nhằm ổn định hơn thị trường bảo hiểm như: sản phẩm thua lỗ ảnh hưởng đến khả năng tài chính và quyền lợi khách hàng phải đăng ký lại với Bộ Tài chính, thành lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Đáng chú ý, trong năm 2011, Chính phủ ban hành một số quyết định nhằm triển khai thí điểm bảo hiểm với mục đích chính là phục vụ an sinh xã hội:

- Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 - 2013.

- Quyết định 2011/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2013.

Bên cạnh đó là các chế độ bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới (Nghị định 103/2008/NĐ-CP), bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (Nghị định 103/2008/NĐ-CP), bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự người kinh doanh vận tải thủy nội địa (Nghị định 125/2005/NĐ-CP), bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh (Nghị định 102/2011/NĐ-CP), bảo hiểm bắt buộc trong trong hoạt động đầu tư xây dựng (Nghị định 119/2015/NĐ-CP). Các văn bản này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước, sử dụng bảo hiểm làm tấm lá chắn kinh tế trước những rủi ro trong cuộc sống để đảm bảo an sinh xã hội.

Tin bài liên quan