Sức mua giảm, xuất khẩu đối diện với áp lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Thách thức của nhiều ngành xuất khẩu trong nửa cuối năm không chỉ là làm sao về đích trong bối cảnh sức mua có xu hướng giảm, mà còn phải tính toán, co kéo để đạt hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Ngành da giày, túi xách đang đối mặt với tình trạng cầu nhập khẩu giảm, chi phí tăng cao. Ảnh: Lê Toàn

Ngành da giày, túi xách đang đối mặt với tình trạng cầu nhập khẩu giảm, chi phí tăng cao. Ảnh: Lê Toàn

Tính toán lại sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh, chính sách “zero Covid” tại Trung Quốc, chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới… đang là những thách thức không nhỏ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm. Lạm phát đã đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, khiến người dân tại Mỹ, EU… đều cắt giảm chi tiêu.

Các ngành hàng xuất khẩu chủ chốt, từ tiêu dùng, thực phẩm, đến công nghiệp chế biến chế tạo đều đang rất quan ngại về tình trạng sụt giảm sức mua từ nhiều thị trường lớn dưới tác động của lạm phát và tình trạng bão giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cùng với sự bất ổn trong chuỗi cung ứng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thanh Vân (Khu công nghiệp Dĩ An, tỉnh Bình Dương), chuyên xuất khẩu hàng thực phẩm chế biến đi Mỹ, EU và Nhật Bản cho biết, 2 tháng gần đây, đã có những tín hiệu giảm tốc đơn hàng mới, do nhà mua hàng điều chỉnh sản lượng trước lo ngại lạm phát vẫn trên đà tăng.

Bà Nguyễn Khánh Vân, Trưởng phòng Xuất khẩu Công ty Thanh Vân cho hay, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Công ty tăng trưởng gần 30%, đơn hàng nhiều, giá trị lớn, nhưng chặng đường nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn khi sức mua hàng của người tiêu dùng thế giới đang có xu hướng giảm trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

“Chúng tôi đang phải điều chỉnh lại sản xuất để phù hợp với thực tế thị trường và chi phí sản xuất, bởi giá nguyên liệu nhập về thời điểm này đã tăng hơn 20% so với cuối năm 2021, chưa tính đến các chi phí khác. Doanh nghiệp sẽ phải tính toán lại giá bán trên cơ sở đàm phán lại với khách hàng để đảm bảo hiệu quả cho đơn hàng cuối năm”, bà Vân chia sẻ.

Tương tự, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang “đau đầu” với bài toán chi phí. 6 tháng đầu năm, ngành gạo xuất khẩu 3,5 triệu tấn, mang về 1,724 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 16,2% và 4,6% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng giá gạo xuất khẩu thực tế vẫn chưa thể tăng tương ứng với chi phí sản xuất.

“Có thời điểm, phân bón, xăng dầu tăng tới 40% so với cùng kỳ, làm đội giá thành lên, nhưng giá gạo xuất khẩu không tăng hoặc tăng rất ít. Nhiều khi, doanh nghiệp phải trợ giá cho nông dân để duy trì vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết.

Ngành da giày, túi xách cũng phải đối mặt với tình trạng cầu nhập khẩu giảm nhẹ, chi phí logistics quốc tế tăng cao, dẫn đến giá nguyên vật liệu tăng khoảng 20%.

“6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu giày dép đạt 11,9 tỷ USD, xuất khẩu túi xách đạt trên 2 tỷ USD, tổng cộng đạt gần 14 tỷ USD. Nếu duy trì được tốc độ xuất khẩu như đầu năm, ngành có thể đạt 25 tỷ USD trong cả năm 2022, nhưng với tình hình hiện nay, dự báo nửa cuối năm không mấy khả quan, thì chưa thể nói mạnh về việc cán đích mục tiêu”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) nói.

Bám đuổi mục tiêu tăng trưởng 8%

Đại diện cho tiếng nói của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ, chi phí cảng biển tăng, cước phí tàu tăng mạnh đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp. Đơn cử, chi phí 1 container đông lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ vào khoảng 400 - 440 triệu đồng. Bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp xuất khẩu phải chi phí cho dịch vụ logistics vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng.

Từ góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt do chi phí sản xuất tăng (giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất vẫn ở mức cao khiến chi phí sản xuất đội lên). Thêm nữa, các biện pháp phong tỏa ở Trung Quốc để phòng, chống dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, như làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa; gây chậm trễ trong giao nhận hàng hóa.

Cụ thể, 6 tháng qua, xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng hơn 7%, mức tăng thấp nhất trong số các thị trường chủ lực (xuất khẩu sang Mỹ tăng 22,7%, EU tăng 22%, ASEAN tăng 27,4%, Hàn Quốc tăng 18,5%, Nhật Bản tăng 13,9%).

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 56 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. Trung Quốc chiếm 16,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Do vậy, sự giảm tốc tại thị trường này sẽ tác động trực tiếp đến tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong nửa cuối năm.

Đáng lo hơn, tình hình xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (số liệu 4 tháng năm 2022) sụt giảm tới 87,3%, còn 509 triệu USD, trong khi cả năm 2021 đạt 15,6 tỷ USD.

Có thể thấy, trong bối cảnh bão giá và lạm phát, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm ở mức 8% đang là thách thức lớn, đòi hỏi các ngành hàng, doanh nghiệp phải bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để thích ứng nhanh, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tin bài liên quan