“Tăng thu, giảm chi”, bài toán khó giải

“Tăng thu, giảm chi”, bài toán khó giải

(ĐTCK) Vừa phải tăng doanh thu nhưng vừa phải lo giảm tỷ lệ bồi thường luôn vượt ngưỡng an toàn 30% - bài toán khó mà các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang quyết tâm phải giải bằng được đối với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới.

“Tăng thu, giảm chi”, bài toán khó giải ảnh 1Dư địa thị trường bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam còn rất lớn

 

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), 6 tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, tỷ lệ bồi thường đã chiếm tới 49% trên doanh thu 663 tỷ đồng. Ông Ngô Xuân Vinh, Giám đốc xe cơ giới, Bảo hiểm AAA cho biết, thị trường này đã và đang tiếp tục cạnh tranh gay gắt, thậm chí nhiều hoạt động cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu tập trung vào việc hạ phí, mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm, dẫn đến phí nhận được không tương xứng với rủi ro bảo hiểm, làm cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ.

Đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, năm nay tỷ lệ bồi thường xe cơ giới tăng cao và dự kiến còn tăng cao hơn vào dịp cuối năm. Chính vì thế, các doanh nghiệp đang tìm mọi cách giảm tỷ lệ này xuống. Bài toán quá khó được đưa ra là phải làm sao vừa tăng doanh thu, vừa kiểm soát được tỷ lệ bồi thường. Bởi tỷ lệ bồi thường 49% nói trên là tỷ lệ bồi thường trung bình của các doanh nghiệp bảo hiểm, còn trên thực tế có những doanh nghiệp phải bồi thường lên đến 100% doanh thu. Có lẽ, cách hiệu quả nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp bảo hiểm để giảm tỷ lệ bồi thường vẫn là chọn lọc lại khách hàng, thẳng tay loại bỏ những khách hàng xấu, chứ không vơ bèo vạt tép như trước và tất nhiên, với phương án này, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận mất một phần doanh thu.

Dù doanh thu đang giảm sút và cách phát triển nghiệp vụ này còn những vấn đề phải bàn, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đều thừa nhận, bảo hiểm xe cơ giới vẫn có sức hấp dẫn nhất định và dư địa thị trường còn rộng lớn. Khảo sát của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho thấy, mức độ tăng trưởng của riêng dòng xe khách tại Việt Nam là khoảng 16% năm.

Đại diện Bảo hiểm AIG cho rằng, trong tất cả các thị trường đang phát triển, sự tăng trưởng của phân khúc bảo hiểm xe cơ giới có khi lên, khi xuống tuỳ vào quốc gia và thị trường với nhiều thách thức khác nhau. Thị trường Việt Nam cũng đang trải qua những giai đoạn thử thách đó, do vậy sự tăng trưởng của bảo hiểm xe cơ giới cho nửa đầu năm 2012 còn khá thấp (theo AVI, 6 tháng đầu năm 2012, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 3.168 tỷ đồng, tăng trưởng 2,22% so với cùng kỳ).

“Có thể thấy, tại các thị trường phát triển trong khu vực châu Á, thị phần của bảo hiểm phi nhân thọ tập trung vào bảo hiểm xe cơ giới cao hơn so với tại Việt Nam . Do đó, tôi cho rằng, thời gian tới, thị phần bảo hiểm xe cơ giới vẫn phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam . Bởi số lượng xe cơ giới tại đây vẫn tiếp tục tăng và chắc chắn sẽ có nhóm chủ xe cơ giới tại Việt Nam luôn cần các dịch vụ khách hàng cao cấp”, đại diện AIG nhận định.

Nỗ lực tìm cách gia tăng doanh thu trong năm tới, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đều biết rằng, để có mức tăng trưởng doanh thu cao hơn đáng kể so với hiện tại là không dễ dàng. Do đó, nhiều đơn vị tập trung quan tâm đến hiệu quả kinh doanh,  kiểm soát bồi thường và vấn đề tiết giảm chi phí. Các doanh nghiệp cũng đang tính đến phương án tăng phí bảo hiểm nhằm tăng chất lượng dịch vụ, sau một thời gian dài cạnh tranh bằng cách giảm phí ồ ạt.

Để xốc lại thị trường bảo hiểm xe cơ giới, trong chương trình hành động năm 2012, AVI đã làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng biểu phí cơ bản bảo hiểm xe vận tải hàng hóa, hành khách đường dài, xe taxi, xe container… Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký AVI, Hiệp hội sẽ cùng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và hợp tác xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gara sửa chữa xe tổn thất cho bảo hiểm, để lựa chọn gara chuẩn ở các địa phương để doanh nghiệp tham khảo liên kết…

Hoạt động trục lợi bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới hiện vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối nhất đối với các doanh nghiệp. Những hoạt động nhằm giảm thiểu vấn nạn này cũng đang được nhiều doanh nghiệp rốt ráo triển khai để kiểm soát tỷ lệ bồi thường. Thông thường, trục lợi bảo hiểm đến từ 2 phía: khách hàng và chính những cán bộ nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm. Hiện nay, pháp luật chưa có quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi cố tình trục lợi bảo hiểm, vì thế để đối phó với thực trạng này, mỗi doanh nghiệp đều có những biện pháp riêng, nhưng hầu hết đều tập trung vào việc xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ, nâng cao ý thức của các giám định viên… để kiểm soát vấn nạn này.