Auchan đang tìm đối tác để chuyển nhượng hệ thống 18 siêu thị. Ảnh: Dũng Minh.

Auchan đang tìm đối tác để chuyển nhượng hệ thống 18 siêu thị. Ảnh: Dũng Minh.

Thị trường bán lẻ, thấy gì từ việc tháo chạy của Auchan?

(ĐTCK) Việc chuỗi bán lẻ mang thương hiệu Auchan tuyên bố sẽ rời khỏi thị trường Việt Nam một lần nữa cho thấy sự thất bại của các thương hiệu phương Tây tại dải đất hình chữ S.

Auchan tháo chạy: Không lạ!

Sau tuyên bố rút lui của Auchan tại Việt Nam, thị trường bán lẻ Việt Nam đã hoàn toàn vắng bóng các thương hiệu phương Tây. Điều này cũng khiến không ít người băn khoăn khi các thương hiệu mạnh, có tiềm lực tài chính, có hệ thống tốt vẫn quyết tâm dứt áo ra đi. Phải chăng thị trường Việt không còn sức hấp dẫn?

Trước Auchan, cũng từng có những sự “rút lui” hết sức bất ngờ của Casino Group (Pháp) với BigC hay Metro AG của Đức với chuỗi siêu thị Metro.

Dù vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Trí Huân, Trưởng phòng Nghiên cứu và Tư vấn thị trường bất động sản Colliers Việt Nam cho rằng, Auchan chỉ mới thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2015 và khoảng thời gian trên vẫn chưa đủ để có thể chiếm lấy thị phần, cũng như niềm tin từ người tiêu dung, nên việc đi, hay ở cũng không có ảnh hưởng nhiều.

Auchan chọn  xây dựng siêu thị tại các chung cư. Ảnh: Dũng Minh. 

Cũng theo ông Huân, ngay từ đầu, khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, Auchan chọn cách bắt tay với các tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính tại chung cư của chủ đầu tư, cũng như đã nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply và nay là Auchan, nhưng vẫn không thay đổi được doanh thu. Mô hình kinh doanh này của Auchan là quá cũ, không còn phù hợp ở Việt Nam.

Ngoài ra, việc một tập đoàn bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam không những sẽ gặp khó khăn về việc thiết lập mối quan hệ tốt với khách hàng, mà bên cạnh đó còn cần có quan hệ tốt với bên phía nhà cung cấp, với chính quyền địa phương và cả cộng đồng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với áp lực tài chính từ việc vẫn đang thua lỗ, điều kiện kinh doanh khó khăn, tập đoàn này sẽ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Hiện họ đang tiến hành đàm phán với các đơn vị bán lẻ trong nước để nhượng lại hệ thống cửa hàng.

Thị trường bán lẻ nội vẫn rất hấp dẫn

Theo Khảo sát niềm tin người tiêu dùng toàn cầu của Nielsen, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt 122 điểm trong quý IV/2018, xếp thứ 4 trong số các quốc gia lạc quan nhất thế giới cùng với Ấn Độ, Philippines và Indonesia.

Điều này cũng kéo theo sự thay đổi về hành vi người tiêu dùng, cũng như yêu cầu ngày càng khắt khe hơn từ phía người mua, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt trong ngành bán lẻ.

Trong một trao đổi khác với người viết, đại diện CBRE cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng ngày càng lớn mạnh, nguồn vốn tăng nhanh với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Mạng lưới kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ mở rộng, mà mở rộng với tốc độ cực nhanh nhằm đón đầu nguồn cầu tương lai. Vì vậy,  các doanh nghiệp ngoại nếu không có chiến lược/mô hình kinh doanh linh hoạt và sự thay đổi phù hợp với nhu cầu nội địa, thì sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ sẽ ngày càng có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Ảnh: Dũng Minh. 

“Với đà phát triển của các hệ thống bán lẻ trong nước như hiện nay, trong tương lai, theo chúng tôi nhận định, sẽ khó khăn hơn nhiều cho các đơn vị bán lẻ nước ngoài trong việc tìm kiếm mặt bằng phát triển phù hợp. Và phần lớn có thể sẽ buộc phải bắt tay với các doanh nghiệp trong nước để cùng phát triển. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam không những giảm sức hấp dẫn, mà ngày càng hấp dẫn hơn với các yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực cùng với sự cải thiện về chất lượng sống của người dân”, đại diện CBRE nhấn mạnh.

Cũng chung góc nhìn, ông Huân cho rằng, với việc các doanh nghiệp trong nước chiếm đến 3/4 thị phần, thị trướng bán lẻ Việt Nam trong những năm tới dự kiến sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt, sẽ khó khăn cho những tập đoàn bán lẻ nước ngoài muốn gia nhập vào thị trường Việt Nam..

Ngoài ra, thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang thống nhất lại, không còn quá nhiều thương hiệu bán lẻ như trước, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Một số chuỗi bán lẻ ở Việt Nam hiện tại có thể tự cung ứng hàng hoá và bán hàng, thay vì chỉ là đơn vị trung gian. Từng có thông tin trước đây cho rằng Walmart đang muốn gia nhập thị trường Việt Nam, nhưng sau nhiều năm, người tiêu dùng vẫn chưa thấy xuất hiện.

Với tổng chi tiêu bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 ghi nhận mức 58 tỷ USD, tăng trưởng gần 10% so với năm 2017 và hứa hẹn vẫn còn tăng trưởng trong những năm tới, dư địa để thị trường bán lẻ vẫn rất lớn.

Tin bài liên quan