Thị trường hàng hóa tuần từ 4-11/12: Giá kim loại biến động mạnh

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thông tin về vắc-xin Covid-19, sự kiện Brexit hay gói kích thích kinh tế tại Mỹ tiếp tục tác động lên thị trường hàng hóa tuần qua, trong đó đáng chú ý là giá mặt hàng kim loại biến động mạnh.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2, bạc và bạch kim bị bán mạnh, quặng sắt lên đỉnh lịch sử

Ở nhóm kim loại quý, giá vàng giao ngay tại Mỹ chốt phiên cuối tuần qua 11/12 tăng 3,1 USD lên 1.839,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 1/2021 trên sàn Comex New York tăng 0,33% lên 1.841,3 USD/ounce, giao tháng 2/2021 cũng tăng 0,3% lên 1.843,60 USD/ounce. Như vậy, giá vàng đã tăng tuần thứ 2 liên tiếp.

Thị trường vàng thế giới đã khép lại tuần giao dịch thứ 2 tháng 12 với xu hướng biến động mạnh qua từng phiên. Giao dịch ảm đạm khi giới đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát, chờ đợi việc Anh đang cố gắng để có một thỏa thuận về các điều kiện rời khỏi EU và gói kích thích kinh tế tại Mỹ.

Theo các chuyên gia, nếu có thể vượt ngưỡng tâm lý 1.850 USD/ounce trong những phiên giao dịch đầu tuần này, vàng sẽ có tiềm năng lớn trở lại vùng 1.925 USD/ounce trước khi kết thúc năm 2020.

Khảo sát về giá vàng tuần này của Kitco với 15 chuyên gia trên phố Wall thì có 5 người dự báo vàng sẽ tăng giá, 6 người cho rằng giá vàng giảm và có 4 dự báo giá vàng sẽ đi ngang. Đối với khảo sát trực tuyến, với 1.507 người tham gia thì 54% trong số đó tin rằng giá vàng sẽ tăng, 28% cho rằng giá vàng giảm và 18% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Trái với đà tăng của vàng, bạc và bạch kim đều bị chốt lời mạnh và giảm lần lượt 14,3% và 4,75% khi kết thúc phiên cuối tuần 11/12. Tuần trước đó, cả 2 kim loại quý này đều tăng rất ấn tượng gần 25% và 12%.

Ở nhóm kim loại công nghiệp, phiên 11/12, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 (đang được giao dịch nhiều nhất) trên sàn Đại Liên có thời điểm tăng 9,9% lên 1.042 CNY/tấn, lúc đóng cửa tăng 4,4% so với phiên liền trước và tính chung cả tuần tăng tới 12,5% - là tuần tăng thứ 5 liên tiếp.

Như vậy, giá quặng sắt lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức 1.000 CNY (tương đương152,95 USD)/tấn do lo ngại nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu thép tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bùng nổ. Trong vòng một tháng qua, giá quặng sắt đã tăng 25%, còn so với thời điểm này năm ngoái thì cao hơn 65%.

Trong khi đó, giá đồng giảm trong phiên 11/12 từ mức cao nhất nhiều năm do hoạt động bán chốt lời giữa bối cảnh lo ngại khi các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về thỏa thuận thương mại cho thấy nguy cơ không kết quả, Mỹ vẫn chậm trễ trong việc đưa ra gói kích thích kinh tế mới.

Theo đó, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,3% xuống 7.776 USD/tấn, trước đó có thời điểm đạt 7.973,5 USD/tấn - cao nhất kể từ tháng 2/2013. Tuy vậy, tính cả tuần, kim loại này vẫn tăng nhẹ.

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer ở Zurich cho biết: “Việc chốt lời sau một đợt tăng mạnh là không có gì đáng ngạc nhiên. Thông thường, nếu bạn có tâm trạng lạc quan quá mức thì đối với thị trường hàng hóa tương lai, việc điều chỉnh 10% giá trị sẽ không có gì bất thường”.

Năng lượng: Dầu tăng tuần thứ 6 liên tiếp

Kết thúc phiên 11/12, giá dầu Brent tăng 45 US cent, hay 0,9%, lên 50,70 USD/thùng, kết thúc tuần từ 4/11/12 tăng tổng cộng gần 3%. Như vậy, dầu Brent đã vượt mốc 50 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 nhờ hy vọng về sự phục hồi nhu cầu năng lượng nhanh hơn giữa bối cảnh nhiều nước bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

Tương tự, giá dầu thô Mỹ (WTI) cũng tăng 50 US cent, tương đương 1%, lên 47,28 USD/thùng và tăng tổng cộng 2,2% trong tuần qua. Đây là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của 2 loại dầu này.

Giá khí tự nhiên tại Mỹ cũng tăng hơn 4% trong phiên và tăng hơn 0,6% trong tuần qua do thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi ấm cao hơn dự đoán trong 2 tuần tới. Cụ thể, giá khí tự nhiên giao tháng 1/2021 tăng 11,1 US cent, tương đương 4,5%, lên 2,553 USD/mmBTU, là mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 29/10.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết, các công ty tiện ích đã rút 91 tỷ feet khối (bcf) khí trong kho chứa trong tuần kết thúc ngày 4/12. Còn các nhà phân tích cho rằng, sự sụt giảm có thể do xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng kỷ lục và sản lượng giảm. Con số này cao hơn dự báo của các nhà phân tích về mức sụt giảm 83 bcf trong một cuộc thăm dò của Reuters và so với mức giảm 57 bcf trong cùng tuần năm ngoái.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Refinitiv, sản lượng tại 48 tiểu bang của Mỹ đạt trung bình 90,8 tỷ feet khối mỗi ngày cho đến nay vào tháng 12/2020, gần bằng mức cao nhất 7 tháng là 91,0 bcfd vào tháng 11/2020 và mức cao nhất mọi thời đại hàng tháng là 95,4 bcfd vào tháng 11/2019.

Nông sản: Lúa mì tăng mạnh nhất 4 tháng, ngô và đậu tương giảm nhẹ

Giá lúa mì Mỹ đã tăng mạnh trong phiên 11/12 do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hạ triển vọng về lượng tồn trữ ngũ cốc và Nga cân nhắc hạn chế xuất khẩu.

Trên sàn Chicago, lúa mì kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 18 US cent lên 6,14-1/2 USD/bushel, là phiên thứ 3 liên tiếp tăng giá với mức tăng trong 3 phiên này lên tới 7,8% - nhiều nhất kể từ tháng 7/2020.

Tương tự, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1/2021 tăng 7-3/4 US cent lên 11,60-1/2 USD/bushel, trong khi ngô kỳ hạn tháng 3 tăng 2-1/4 US cent lên 4,23-1/2 USD/bushel. Giá ngô và đậu tương đi lên do nguồn cung hạn hẹp kéo dài, đặc biệt là đậu tương, vì lo ngại về triển vọng sản lượng của Nam Mỹ không khả quan do thời tiết khô hạn lúc đầu vụ.

Tính chung cả tuần, giá lúa mì tăng tổng cộng gần 7% - mạnh nhất 4 tháng, nhưng ngô và đậu tương cùng giảm, riêng đậu tương là tuần giảm nhẹ thứ 2 liên tiếp.

Nguyên liệu công nghiệp: Cà phê tăng trở lại, đường và cao su tiếp tục mất giá

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 0,55 US cent (0,5%) lên 1,216 USD/lb trong phiên cuối tuần do Brazil tăng giá. Bang trồng cà phê Minas Gerais của Brazil tiếp tục có mưa thường xuyên hơn sau đợt hạn hán nghiêm trọng hồi tháng 10/2020, song người trồng cà phê cho biết đã quá muộn để cải thiện triển vọng năng suất cho vụ tới.

Giá cà phê robusta giao tháng 3/2021 cũng tăng 6 USD (0,4%) lên 1.357 USD/tấn. Tính chung cả tuẩn từ 4/-11/12, 2 loại cà phê tăng tương ứng gần 3,5% và 1,5%.

Ở chiều ngược lại, giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm trong phiên cuối tuàn qua và tính cả tuần giảm lần đầu tiên trong 3 tuần gần nhất do dịch Covid-19 lan nhanh và thiếu chắc chắn về gói kích thích kinh tế của Mỹ.

Cụ thể, trên sàn Osaka, cao su kỳ hạn tháng 4 giảm 3,3 JPY (1,4%) xuống 229,9 JPY/kg, tính chung cả tuần giảm 10%. Trên sàn Thượng Hải, hợp đồng giao cùng kỳ hạn tăng 0,9% lên 14.495 CNY/tấn.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 cũng giảm 1,5% xuống 14,43 US cent/lb, sau khi đã giảm 2% ở phiên liền trước (10/12). Đường trắng kỳ hạn tháng 3 cũng giảm 1,4% xuống 395,8 USD/tấn. Kết thúc tuần qua, giá đường kỳ hạn tháng 3/2021 giảm nhẹ do nhà đầu tư giảm giao dịch vì lo ngại sẽ có rủi ro giữa bối cảnh lại dấy lên thông tin về việc Ấn Độ trợ cấp xuất khẩu đường.

Mặc dù giá đường hiện đang giảm, song ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, giá mặt hàng này sẽ tăng trong năm tới do USD giảm, lạm phát, hiện tượng La Nina và nhu cầu tăng từ Trung Quốc. Đáng chú ý, trên thị trường hiện có thông tin Chính phủ Ấn Độ đang tiến gần hơn tới việc công bố trợ cấp xuất khẩu đường vốn là chương trình đã bị trì hoãn từ lâu.

Tin bài liên quan