Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có thể gia tăng dần

Thị trường tài chính 24h: Dòng tiền trên thị trường chứng khoán có thể gia tăng dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index lên gần 1.240 điểm; Ngân hàng sợ cho vay theo dòng tiền; Chứng khoán vào thời tiền rẻ; "Định giá thị trường vẫn hấp dẫn"; Fitch Ratings: Căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 27/2 tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã đảo chiều giảm 600.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 76,90 – 78,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 4,7 USD xuống 2.030,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên gần 2.040 USD, trước khi lùi về gần 2.035 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,70 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 27/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.014 đồng/USD, tăng 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.460 – 24.800 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên 53.400 USD thì sang phiên hôm nay đã nới đà tăng và lên trên 56.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,10 USD (+0,13%), lên 77,68 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,10 USD (+0,16%), lên 82,66 USD/thùng.

VN-Index tăng lên trên 1.235 điểm

Việc chỉ số hạ độ cao ở cuối phiên sáng đã không làm nhà đầu tư nản lòng, khi chỉ báo dòng tiền vẫn đang rất mạnh, cùng với đó việc cổ phiếu HPG đóng vai trò dẫn dắt tâm lý chung đã giúp lực cầu quay trở lại giúp VN-Index dần bật hồi và vượt lên trên ngưỡng 1.235 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 1,25 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị vẫn là mua ròng 58,06 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 27/2: VN-Index tăng 13,29 điểm (+1,09%), lên 1.237,46 điểm; HNX-Index tăng 2,51 điểm (+1,08%), lên 235,38 điểm; UpCoM-Index giảm 0,09 điểm (-0,1%), xuống 90,4 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên thứ Hai (26/2), khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần này có thể ảnh hưởng đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed.

Việc chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của tháng 1, vốn là thước đo lạm phát ưa thích của Fed sẽ được công bố vào thứ Năm tới có thể cản trở đà tăng của thị trường gần đây nếu dữ liệu chỉ ra áp lực giá cả vẫn đang dai dẳng.

Kết thúc phiên 26/2: Chỉ số Dow Jones giảm 62,30 điểm (-0,16%), xuống 39.069,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,27 điểm (-0,38%), xuống 5.069,53 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,57 điểm (-0,13%), xuống 15.976,25 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều và chỉ còn tăng nhẹ khi các nhà đầu tư tranh thủ bán chốt lời cổ phiếu chip Advantest.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng0,01% lên 39.239,52 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,18% lên 2.678,46 điểm.

Nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advantest đảo ngược đà tăng và đóng cửa, giảm 2,12% và là cổ phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến Nikkei 225.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tăng 1,69% và là lực nâng đối với chỉ số Topix, với Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui và Mitsubishi UFJ tăng lần lượt 2,54% và 1,42%.

Đáng kể khác là cổ phiếu các nhà sản xuất thép tăng 3,16% và là nhóm hoạt động hiệu quả nhất trong số 33 chỉ số phụ, trong đó, hai mã Kobe Steel và Nippon Steel tăng 4,36% và 4,16% tương ứng.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, với các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) dẫn đầu mức tăng.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,29% 3.015,48 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,2% lên 3.494,79 điểm.

Các công ty trí tuệ nhân tạo đã tăng 3,3%, trong bối cảnh được hỗ trợ bởi sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo ở Mỹ khi Nvidia lần đầu tiên đạt 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Những người tham gia thị trường hiện đang chờ đợi động thái chính sách tiếp theo của chính quyền khi Quốc hội Trung Quốc - Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc bắt đầu cuộc họp thường niên vào ngày 5/3.

Các chủ đề chính được quan tâm bao gồm các cuộc thảo luận về "mô hình mới" của chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản; tài chính của chính quyền địa phương và cải cách tài khóa, cũng như các kích thích khác từ phía cầu, Goldman Sachs cho biết.

Chứng khoán Hồng Kông đảo chiều tăng vào cuối phiên các nhà đầu tư chờ đợi tín hiệu chính sách tiếp theo từ cuộc họp quốc hội sắp tới của Bắc Kinh.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,94% lên 16.790,80 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,46% lên 5.806,90 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng trước khi các dữ liệu kinh tế lớn của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần này, bao gồm cả thước đo lạm phát ưa thích của Fed.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 22,03 điểm, tương đương 0,183%, xuống 2.625,05 điểm.

Kết thúc phiên 27/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 5,81 điểm (+0,01%), lên 39.239,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 38,46 điểm (+1,29%), lên 3.015,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 156,06 điểm (+0,94%), lên 16.790,80 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 22,03 điểm (-0,83%), xuống 2.625,05 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Ngân hàng sợ cho vay theo dòng tiền

Dù vẫn cần vốn, song nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn vay vì tài sản thế chấp đã cạn kiệt. Trong khi đó, ngân hàng - trong tình cảnh nợ xấu tăng nhanh - chỉ yên tâm với tài sản thế chấp là bất động sản..>> Chi tiết

- Chứng khoán vào thời tiền rẻ

Trong môi trường lãi suất thấp, nhiều công ty chứng khoán đồng thuận quan điểm, thị trường sẽ xuất hiện những rung lắc, song dòng tiền có thể gia tăng dần khi nhà đầu tư nhận thấy kênh chứng khoán hấp dẫn hơn..>> Chi tiết

- "Định giá thị trường vẫn hấp dẫn"

Theo dữ liệu từ Bloomberg, mức định giá hiện tại của chỉ số VN-Index đang ở mức 15,79 lần, sát mức trung vị 14 năm trở lại đây. Trong khi đó, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận phục hồi trong năm 2024 sẽ là điểm nhấn giúp P/E forward trở nên hấp dẫn hơn..>> Chi tiết

- Fitch Ratings: Căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn

Theo Fitch Ratings, sự gián đoạn đối với các tuyến đường vận chuyển ở Trung Đông có nghĩa là chặng đường cuối cùng của việc giảm lạm phát sẽ không diễn ra suôn sẻ..>> Chi tiết

Tin bài liên quan