Hãng Ford Việt Nam đề nghị tạm giãn thời điểm thực thi Nghị định 116 thêm 12 tháng nữa

Hãng Ford Việt Nam đề nghị tạm giãn thời điểm thực thi Nghị định 116 thêm 12 tháng nữa

Thị trường xe hơi: Tiếp tục đề xuất giải pháp dung hòa

(ĐTCK) Năm mới 2018 đã bắt đầu, song tâm lý của giới kinh doanh ô tô lại có nhiều biến động bởi họ sẽ phải đối mặt với cửa hẹp từ Nghị định 116/2017 về điều kiện nhập khẩu, kinh doanh ô tô chính thức có hiệu lực.

Nghị định này được Chính phủ ban hành với mục đích là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng với việc tạo dựng những tiêu chuẩn, quy định phi thuế quan cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ôtô.

Song, trong một công văn gửi tới Đại sứ quán Mỹ mới đây, Ford Việt Nam đề nghị Đại sứ quán Mỹ kiến nghị với Chính phủ Việt Nam tạm giãn thời điểm thực thi Nghị định 116 thêm 12 tháng nữa để các bên có thể tìm kiếm các giải pháp xử lý hài hòa.

Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, Nhóm công tác ô tô và xe máy cho rằng, khoản phí thử nghiệm đối với từng lô xe nhập khẩu có khả năng sẽ đánh vào túi tiền của người mua do tác động đến giá xe, cũng như tạo sự khan hiếm nguồn hàng.

Có ý kiến lại cho rằng, để đảm bảo quyền cho người tiêu dùng, sự an toàn và chất lương các xe ô tô nhập khẩu chính hãng từ Nhật Bản, Châu Âu, hay Mỹ đều sẵn có quy trình kiểm soát chặt chẽ trên từng xe thành phẩm.

Ví dụ mỗi xe hơi đều có số nhận dạng xe (Vehicle Identification Number hay VIN) duy nhất. Số VIN là do nhà sản xuất phát hành và kiểm soát chặt chẽ để quản lý doanh số và chính sách bảo hành. Khi bán xe mới, số VIN sẽ được đăng ký với cơ quan đăng kiểm quốc gia và do cơ quan này quản lý độc lập với nhà sản xuất hay nhà phân phối. Sau đó, số VIN thường được cung cấp cho công chúng và có thể dễ dàng được kiểm tra bởi công an, hải quan, hay bất kỳ người mua xe nào để biết ai là chủ sở hữu và số VIN được đăng ký từ khi nào.

Vì vậy, người mua chỉ tra số VIN là biết chủ xe, ngày xe đăng ký và bắt đầu lăn bánh từ khi nào. Tương tự, các hãng sản xuất có thể dùng số VIN để đánh giá tình trạng, kiểm tra lý lịch hoạt động, tình hình bào hành, hoặc triệu hồi xe để sửa chữa nếu cần. 

Nhóm công tác thị trường ô tô xe máy phản ánh, do những ảnh hưởng to lớn đến hoạt động nhập khẩu ô tô và trong thời gian chờ hướng dẫn thi hành chính thức của Nghị định 116 từ Bộ Công thương, Bộ Giao thông-Vận tải và Cục Đăng kiểm, nhiều doanh nghiệp đã phải hủy các đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp không thể hủy được do các linh kiện của xe đã được sản xuất. Bởi vậy, họ đề xuất Chính phủ tiếp tục áp dụng các quy định nhập khẩu và đăng kiểm hiện hành cho xe nhập khẩu đã được đặt hàng trước ngày ban hành Nghị định 116 (ngày 17/10/2017), cho dù lô hàng này có thể về đến Việt Nam vào đầu năm 2018.

Tuy nhiên, cùng trong Hiệp hội Ô tô Việt Nam, các thành viên lại có quan điểm khác nhau. Trước tình trạng trên thị trường từng có các nghi án về xe nhập khẩu bị “mông má”, đại diện Tập đoàn Thành Công cho rằng, các quy định nhằm mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, cũng như minh bạch hóa xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm ô tô (bất kể là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước). Điều này là cần thiết để người tiêu dùng có cơ sở đối chiếu, kiểm tra nếu cần thiết, cũng như để các cơ quan chức năng, các bộ, ban ngành có thể quản lý hoạt động của doanh nghiệp một cách chặt chẽ.

Đơn cử, các quy định về yêu cầu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng và chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại Việt Nam… là những yêu cầu tối thiểu để khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ bán hàng và sau bán hàng của các nhà phân phối xe nhập khẩu.

Nếu không có ràng buộc, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu có thể không cam kết thực hiện trách nhiệm triệu hồi của mình một cách trọn vẹn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Tập đoàn Trường Hải cho rằng, hiện có sự bất cân xứng trong kiểm định chất lượng của xe trong nước và xe nhập khẩu. Trong khi ô tô trong nước không có chứng nhận an toàn về linh kiện và đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo quy định thì sẽ không được cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu xuất xưởng.

Còn với ô tô nhập khẩu, khi tiến hành thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không cần phải thử nghiệm, chứng nhận về linh kiện... nghiêm ngặt như đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Quyền lợi người tiêu dùng đang được đặt lên bàn cân để làm cơ sở quyết định chính sách. Bởi vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng như các hãng ôtô tên tuổi có lẽ sẽ phải học cách thích nghi chính sách mới, thay vì liên tục phản ứng và kiến nghị như lâu nay.

Tin bài liên quan