Cuộc cách mạng số lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến quan điểm và hành vi tiêu dùng của thế hệ Y và Z

Cuộc cách mạng số lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến quan điểm và hành vi tiêu dùng của thế hệ Y và Z

Thời của sản phẩm bảo hiểm linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân và bảo hiểm không là ngoại lệ. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhanh nhạy hơn với việc cho ra đời các sản phẩm có thể “đo ni đóng giày” cho nhu cầu của khách hàng.

Một thời bảo hiểm… cấp đơn không kịp

“Cần yêu cầu du khách đến và đi khỏi Việt Nam đều phải mua bảo hiểm Covid-19”. Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại Diễn đàn Lữ hành toàn quốc diễn ra giữa tháng 1/2021 tại Hải Phòng. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, đề xuất này nếu sớm được thực thi sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là khối phi nhân thọ khi trước đó đã có những sáng tạo và đáp ứng kịp thời về nhu cầu bảo hiểm bệnh dịch cho khách hàng.

Thực tế, vào đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trên thế giới cũng như tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã tung ra sản phẩm bảo vệ trước những rủi ro về Covid-19. Sản phầm này đã đánh trúng vào tâm lý e ngại của người dân trước dịch bệnh, khiến cho nhu cầu mua bảo hiểm tăng vọt.

Có thể nói, ở thời điểm đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã khá nhanh nhạy và linh hoạt khi kịp thời tung ra dòng sản phẩm bảo hiểm Covid với mục đích đáp ứng nhu cầu về tài chính cho người được bảo hiểm khi mất nguồn thu nhập trong lúc điều trị hoặc bị cách ly. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên các cơ quan chức năng đã yêu cầu doanh nghiệp phải ngừng cung cấp sản phẩm này.

Những dòng sản phẩm bảo hiểm “đo ni đóng giày” theo nhu cầu của khách hàng như bảo hiểm giọng nói cho ca sỹ, bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ, bảo hiểm gương mặt cho các diễn viên... đều được người nổi tiếng săn đón, bất chấp mức phí rất cao

Sản phẩm dừng bán để lại những tiếc nuối cho nhiều khách hàng. Theo chia sẻ của trưởng phòng kinh doanh một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn, trong suốt 20 năm làm bảo hiểm, chưa bao giờ chị thấy khách hàng liên tục gọi điện giục khiến công ty không kịp cấp đơn bảo hiểm như đợt triển khai sản phẩm bảo hiểm Covid vừa qua. Thực tế này cũng minh chứng rằng, không phải khách thờ ơ với bảo hiểm, mà vấn đề là sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm có chạm tới nhu cầu của khách hay không.

Không quá “sốt” như bảo hiểm Covid, nhưng sản phẩm bảo hiểm tình yêu của Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng từng khiến thị trường râm ran ngay khi được ra mắt hồi tháng 8/2018 và “bảo hiểm tình yêu” trở thành từ khóa có lượng tìm kiếm cao nhất trong giới trẻ lúc bấy giờ. Sở dĩ sản phẩm này nhận được sự quan tâm do đánh trúng tâm lý của giới trẻ là muốn thể hiện sự gắn bó bền chặt với người mình yêu.

Mặc dù không công bố con số cụ thể về doanh thu từ sản phẩm này, nhưng theo thông tin trả lời báo chí của PTI, số đơn đăng ký tham gia lên đến 70.000 đơn chỉ sau 1 tháng ra mắt. Thậm chí, sau khi bảo hiểm tình yêu được triển khai, nhiều khách hàng còn kỳ vọng sản phẩm bảo hiểm hôn nhân sẽ sớm được đưa ra thị trường.

Thực tế, dù đã gây được sự chú ý, nhưng để tiếp tục tồn tại và phát triển, những sản phẩm bảo hiểm sáng tạo, mới lạ như bảo hiểm Covid, bảo hiểm tình yêu… vẫn cần được chỉnh sửa, hoàn thiện hơn để không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng, mà còn phải phù hợp với quy định pháp luật. Cũng vì lý do này mà PTI đã ngừng bán dòng sản phẩm bảo hiểm tình yêu từ giữa năm 2019 để nghiên cứu đưa ra phiên bản mới hoàn thiện hơn…

Ngoài những sản phẩm trên, thị trường còn xuất hiện một số sản phẩm bảo hiểm “lạ” khác như bảo hiểm điện thoại của Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) hay bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện của Bảo hiểm PVI..., cho thấy sự linh hoạt, nhanh nhạy của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc nắm bắt nhu cầu khách hàng và những dòng sản phẩm bảo hiểm sáng tạo cũng được đón nhận ngày một nhiều hơn, cho dù doanh thu còn khiêm tốn. Theo giới chuyên gia, những sản phẩm bảo hiểm sáng tạo nếu thực sự thành công sẽ không chỉ đem lại cơ hội tăng trưởng doanh thu cho doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường.

Được biết, trên thế giới, những dòng sản phẩm bảo hiểm “đo ni đóng giày” theo nhu cầu của khách hàng đã được triển khai từ lâu, có thể kể tới như bảo hiểm giọng nói cho ca sỹ, bảo hiểm đôi chân cho cầu thủ, bảo hiểm gương mặt cho các diễn viên... Những sản phẩm này đều được người nổi tiếng săn đón, bất chấp mức phí rất cao.

Để sản phẩm đóng gói theo nhu cầu không còn là lý thuyết

Theo số liệu công bố mới đây, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam năm 2020 ước đạt 2.750 USD/người, tăng gần 35,6 USD/người so với năm 2019, bất chấp những khó khăn của Covid-19. Mức thu nhập tăng lên theo từng năm khiến nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ cũng tăng theo và bảo hiểm cũng không là ngoại lệ. Các yêu cầu về bảo hiểm không còn đơn thuần chỉ là bảo vệ một loại tài sản như ô tô, xe máy, sức khỏe, hàng hóa…, mà đòi hỏi sự linh hoạt, tính đa dụng… để đáp ứng từng nhu cầu cho từng phân khúc khách hàng.

Theo dự báo của Tạp chí Insurtech, 3 yếu tố quyết định đến việc mua bảo hiểm của khách hàng trong thời gian tới là: Sản phẩm sáng tạo theo nhu cầu, thủ tục giải quyết bồi thường nhanh và mức phí hợp lý. Những doanh nghiệp đặt khách hàng làm trọng tâm trong thiết kế các sản phẩm bảo hiểm, mang đến cho khách hàng những sản phẩm đóng gói theo nhu cầu riêng và chuyên biệt thì sẽ đón đầu được xu hướng. Thành công của những công ty Insurtech tỷ đô như Lemonade và Hippo là một minh chứng.

Thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo sẽ là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm khai phá những thị trường bảo hiểm mới, “chạm” vào đúng mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, để triển khai thành công thì cần có sự “cởi mở” từ cơ chế, chính sách.

Cuộc cách mạng số lần thứ 4 đã tác động sâu sắc đến quan điểm và hành vi tiêu dùng của thế hệ Y và Z (những người sinh từ năm 1980 - 1996 và 1996 - 2010) hiện nay. Họ nhận thấy được vai trò quan trọng của sản phẩm bảo hiểm với những ưu tiên: Sản phẩm mới lạ, quyền lợi có thể điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu. Chính vì thế, các quy định pháp lý cũng cần phải thay đổi để thích ứng.

“Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày một đi lên, cơ hội để các dòng sản phẩm bảo hiểm sáng tạo phát triển là rất lớn nên cần sự chung tay, đồng lòng của tất cả các bên liên quan. Khi chúng ta ‘khơi thông’ được những vướng mắc trong nội tại doanh nghiệp, tại các cơ quan quản lý và tại chính nhu cầu của khách hàng thì các sản phẩm bảo hiểm sáng tạo sẽ mang lại ‘dòng chảy’ doanh thu rất lớn”, bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Thời đại số (PTI Thời đại số) nhìn nhậnn

Tin bài liên quan