“Thông đường” cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh, song giao thương với thị trường tỷ dân này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc.
Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Những con số ấn tượng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm, quế…

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, với kim ngạch trên 8,2 tỷ USD, chiếm gần 29% thị phần (trong đó kim ngạch nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm trên 72%). Đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu gần 5,5 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần (trong đó nhóm rau quả chiếm gần 27%).

Đáng chú ý, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của 12/13 nhóm mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Điển hình là xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 1,21 tỷ USD, tăng 16,1%; xuất khẩu gạo đạt 308,7 triệu USD, tăng 12,5%; hạt điều đạt 292,1 triệu USD tăng 85,3%...

Báo cáo của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây khô và tươi của tỉnh sang Trung Quốc đạt khoảng 335 triệu USD. Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng II đã làm thủ tục kiểm dịch cho 4.429 lô hàng với tổng khối lượng gần 1,3 triệu tấn, tăng 94,31% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tổng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm đạt 1,14 triệu tấn, tăng 91,35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó hơn 800.000 tấn là nông, lâm, thủy sản. Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Lào Cai trong 6 tháng đầu năm đạt 671.640 tấn (tăng 28,93%), với kim ngạch 602,14 triệu USD (tăng 38,03%).

“Thông đường” cho nông sản có thế mạnh

Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản sang Trung Quốc tăng mạnh, song giao thương với thị trường tỷ dân này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc. Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện phía Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam, nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác.

“Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt khác, nhiều hoa quả có nhu cầu xuất khẩu như chanh leo, sầu riêng, na... chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, nên khó chồng khó”, ông Quỳnh chia sẻ.

Gần đây, phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu Hà Khẩu (phía Việt Nam là cửa khẩu Lào Cai) và cửa khẩu Thiên Bảo (phía Việt Nam là cửa khẩu Thanh Thủy thuộc tỉnh Hà Giang). Do đó, lượng phương tiện vận chuyển thanh long dồn tới cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến ngày 7/8/2021 là 521 xe (trong tổng số 619 xe trái cây), khu vực ngoài cửa khẩu tồn 130 xe. Trong khi đó, năng lực thông quan trung bình hàng ngày qua cửa khẩu Tân Thanh là 100-130 xe.

Từ thực tế trên, ông Quỳnh kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh việc đàm phán, hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. “Đồng thời, khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, thương nhân xuất khẩu nông sản, hoa quả chú trọng công tác đóng gói, bao bì, nhãn mác; thực hiện truy xuất nguồn gốc và ký kết hợp đồng chính thức để xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Tương tự, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Hải quan Trung Quốc vừa có văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm phổ biến cho các địa phương để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng; doanh nghiệp đáp ứng các quy định của phía bạn về bao bì, nhãn mác, chất lượng”, ông Khắng nói.

Đại diện các tỉnh có chung biên giới với Trung Quốc cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng thường xuyên cập nhật và thông báo tới các thương nhân quy định của phía Trung Quốc về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại...; hỗ trợ sản xuất nông sản sạch theo các tiêu chuẩn tiên tiến; xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa rõ ràng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ sẽ đẩy mạnh trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, để mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam như bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa; thống nhất với phía Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Tin bài liên quan