TP.HCM hướng tới xây dựng nền kinh tế số chuyên nghiệp, bài bản

0:00 / 0:00
0:00
Thông qua Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2022 sắp diễn ra vào ngày 15/4 tới, lãnh đạo TP.HCM mong muốn kinh tế số của Thành phố sẽ có bước tiến dài, chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Thông qua diễn đàn HEF, lãnh đạo TP.HCM mong muốn kinh tế số của Thành phố có bước tiến dài hơn, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Ảnh: Trọng Tín.

Thông qua diễn đàn HEF, lãnh đạo TP.HCM mong muốn kinh tế số của Thành phố có bước tiến dài hơn, chuyên nghiệp và bài bản hơn. Ảnh: Trọng Tín.

Sáng 28/3, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 - dự kiến diễn ra ngày 15/4 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”. Sự kiện dự kiến diễn ra vào thứ 6 ngày 15/4/2022, tại Khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM - Trưởng ban tổ chức Diễn đàn HEF cho biết, sự kiện này đã được tổ chức lần thứ nhất vào năm 2018, lần 2 vào năm 2019. Tuy nhiên, trong hai năm qua Thành phố phải đối mặt với dịch Covid-19 nên sự kiện đã bị gián đoạn.

Từ đầu 2022, nhiều hoạt động kinh tế của Thành phố đã vực dậy, vươn lên và phát triển, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gần như đã phục hồi hoàn toàn.

"Qua giai đoạn hứng chịu những hậu quả nặng nề của dịch bệnh, chúng ta nhận thấy số hoá trong hoạt động của doanh nghiệp, số hoá trong đời sống của người dân đã trở nên cần thiết hơn", ông Hoan nói và cho rằng, Kinh tế số lan toả rất nhanh và có hiệu quả trên nhiều phương diện trong đời sống xã hội, nhưng hiện nay sự hiểu biết về kinh tế số của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SMEs vẫn còn nhiều hạn chế, có người chưa biết hành trình chuyển đổi số bắt đầu và kết thúc ở đâu.

Theo ông Hoan, nếu hiểu biết về kinh tế số không đúng, mỗi doanh nghiệp hay người dân hiểu kinh tế số theo kiểu của mình sẽ dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực của người dân, doanh nghiệp và thành phố. Doanh nghiệp muốn làm kinh tế số tốt thì phải lan toả được tính hiệu quả đến các doanh nghiệp khác, nó phải được thể hiện một cách đồng bộ.

“Hiện nay đã có những doanh nghiệp đã hoàn tất chuyển đổi số, trong đó điển hình như Công ty điện lực thành phố đã thực hiện công bố thông tin về tiền điện, lịch cắt điện, sửa điện, phản hồi khách hàng trên không gian số", ông Hoan cho biết thêm.

Do đó, theo ông Hoan, với diễn đàn kinh tế số lần 3, Thành phố mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp của các chuyên gia có kinh nghiệm về chuyển đổi số trên thế giới, các diễn giả uy tín để làm sao kinh tế số của Thành phố có bước tiến dài hơn, chuyên nghiệp và bài bản hơn.

Do đó, diễn đàn kinh tế số lần thứ 3 là cơ hội để lãnh đạo Thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số.

Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn, giúp doanh nghiệp Thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.

Đồng thời, tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật/kinh tế số; góp phần đồng thời đẩy mạnh xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM – Phó ban tổ chức Diễn đàn cho biết, diễn đàn năm nay xoay quanh 4 chủ đề chính là: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030”; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp”; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Diễn đàn dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...); các tổ chức Quốc tế như WEF, OECD, các nhà quản lý và Lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Úc; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; doanh nghiệp....

Tin bài liên quan