Việt Nam có tiềm năng lớn trong chuyển đổi xanh

0:00 / 0:00
0:00
Giải quyết nút thắt về kết cấu hạ tầng, chính sách và lực lượng lao động là chìa khóa để xây dựng tương lai bền vững và lợi ích kinh tế đa dạng cho quốc gia.
Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời. Ảnh: Đ.T

Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời. Ảnh: Đ.T

Năng lượng tái tạo đem lại cơ hội và lợi ích kinh tế trọng yếu

Việt Nam có lợi thế để phát triển ngành năng lượng tái tạo, vì được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, sức gió mạnh và nhiều nắng. Chiến lược quốc gia của Việt Nam là tận dụng đặc điểm này, thể hiện cam kết mạnh mẽ để đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 qua các biện pháp đa dạng hoá nguồn năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối và hydrogen xanh.

Gần đây nhất, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch Huy động nguồn lực nhằm hỗ trợ việc thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Nhóm Đối tác quốc tế, nhằm mục đích đẩy nhanh việc phát thải đạt đỉnh đến năm 2030, thay vì 2035 như ước tính hiện tại, giảm phụ thuộc vào các nhà máy điện than và phát triển thêm hạ tầng năng lượng tái tạo.

Những nỗ lực, cam kết mang tầm quốc gia này đã thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Theo báo cáo của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), từ năm 2015 đến năm 2022, Việt Nam nhận được 106,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho ngành năng lượng tái tạo, đứng thứ hai trong số các nền kinh tế đang phát triển. Điều này thúc đẩy phát triển không chỉ lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà cả nhiều ngành công nghiệp khác, như sản xuất xe điện, hạ tầng trạm sạc, sản xuất pin và năng lượng tái tạo, tài chính xanh, thành phố thông minh.

Để đạt được mục tiêu chuyển đổi năng lượng toàn diện, Việt Nam cần thêm khoảng 86 tỷ USD vào năm 2030 và 370 tỷ USD vào năm 2050. Nếu được hiện thực hoá, các khoản đầu tư này có thể đem lại cho nền kinh tế Việt Nam thêm 95-129 tỷ USD vào năm 2030. Chính điều này sẽ mang lại con số ước tính 407-555 tỷ USD vào năm 2050, dựa trên hệ số nhân chi tiêu của IMF.

Xây dựng lực lượng lao động cho tương lai

Những tác động to lớn của nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc hứa hẹn gia tăng nguồn cung việc làm, đặc biệt là công việc hành chính và kỹ thuật. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Năng lượng ASEAN cho thấy, năng lượng tái tạo có khả năng tạo ra 360.000 việc làm vào năm 2025 và vượt mức 2 triệu việc làm vào năm 2050 ở các mảng sản xuất, xây dựng, vận hành và bảo trì thuộc ngành điện. Đây là con số dự báo cao nhất cho các nước ASEAN. Con số thực tế có thể cao hơn, nếu bao gồm cả việc làm trong các lĩnh vực liên quan.

Hơn nữa, giá trị thực của những cơ hội trên không chỉ nằm ở số lượng, mà còn ở chất lượng việc làm được tạo ra. Về lâu dài, quá trình chuyển đổi năng lượng mang đến cơ hội quan trọng để đào tạo lực lượng lao động sẵn sàng cho tương lai, với các kỹ năng cần thiết cho những vị trí chuyên môn về kỹ thuật, quản lý dự án và các lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, sự tiến bộ của một lĩnh vực sẽ thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển. Sự phát triển toàn diện này có khả năng thay đổi cục diện nền kinh tế Việt Nam.

Nhận diện thách thức và định hướng

Việt Nam có lợi thế để phát triển ngành năng lượng tái tạo, vì được thiên nhiên ưu đãi với đường bờ biển dài, sức gió mạnh và nhiều nắng.

Để khai thác các tiềm năng phát triển, cần giải quyết một số nút thắt.

Đầu tiên là nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng. Việc cải tiến mạng lưới giúp nâng cao khả năng lưu trữ và truyền tải điện đồng đều giữa các khu vực. Đồng thời, cần có môi trường hành chính hoạt động hiệu quả và cơ chế chính sách chiến lược để để hỗ trợ việc lập kế hoạch dài hạn cũng như tính khả thi về mặt tài chính của các dự án.

Một thách thức cấp bách khác là thu hẹp khoảng cách giữa yêu cầu và kỹ năng lao động tại Việt Nam. Các dự án năng lượng mặt trời và điện gió đòi hỏi năng lực chuyên môn cao. Nhu cầu lao động có tay nghề trong ngành điện được dự báo tăng 31% đối với các công việc xây dựng - lắp đặt, tăng 25% đối với các công việc vận hành - bảo trì vào năm 2030. Tiềm năng to lớn về việc làm chất lượng cao cần có bệ đỡ vững chắc từ hệ thống giáo dục và đạo tạo của Việt Nam, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực có kỹ năng và năng lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực đang phát triển này.

Giải quyết những thách thức trên đòi hỏi phải có tầm nhìn, kế hoạch chiến lược và nỗ lực hợp tác giữa các bên. Bước đầu của Kế hoạch Huy động nguồn lực trị giá 15,5 tỷ USD của Việt Nam được công bố tại Hội nghị COP28 đã bắt đầu triển khai. Song, đây chỉ là bước khởi đầu. Việc duy trì kế hoạch phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan, như nhà hoạch định chính sách, người dân, nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp. Tất cả cùng tích cực góp phần vào sự thịnh vượng và tiến bộ kinh tế - xã hội của đất nước.

Tận dụng những lợi ích trên và chủ trương chính sách tiến bộ, các bên cần hợp tác và tập trung nguồn lực nhằm thúc đẩy tiềm năng của quá trình chuyển đổi xanh, tạo ra việc làm và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân. Yếu tố kinh tế đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng yếu cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, như đã được minh chứng trong 20 năm qua.

(*) Lãnh đạo cấp cao của Dalberg Advisors, phụ trách chiến lược phát triển tại Việt Nam và Đông Nam Á; (**) Lãnh đạo cấp cao của Dalberg Advisors

Tin bài liên quan