“Virus Corona gây ra những tác động trái chiều đến ngành bảo hiểm Việt Nam“

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trần Nguyên Đán, Cố vấn cao cấp của Công ty cổ phần Best Life (công ty hoạt động dưới hình thức đại lý bảo hiểm tổ chức) trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán. 
Ông Trần Nguyên Đán

Ông Trần Nguyên Đán

Theo ông, dịch bệnh do virus Corona sẽ tác động thế nào tới các công ty bảo hiểm nhân thọ trong ngắn hạn?

Dịch bệnh do virus corona có 2 tác động ngược chiều đến ngành bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Tác động tích cực, đó là khi người dân gặp phải một mối nguy sẽ khiến họ nhận thức rõ ràng hơn về nhu cầu bảo hiểm nhân thọ như là một kênh xử lý các rủi ro cá nhân và dự phòng tài chính.

Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực cũng không phải là nhỏ.

Cụ thể, nếu đội ngũ đại lý lo ngại bối cảnh dịch bệnh, sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh. Hơn thế nữa, các chương trình thi đua du lịch vốn có tác động khá lớn đến tinh thần của đội ngũ kinh doanh bảo hiểm nhân thọ sẽ khó có thể triển khai trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng lan rộng.

Tuy nhiên, theo thống kê, bất chấp các dịch bệnh đã từng xẩy ra trước đây, doanh số bảo hiểm nhân sẽ vẫn tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, với dịch SARS năm 2003, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tăng trưởng 53%; dịch EBOLA năm 2014; bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 14,9%; dịch MERS năm 2015, con số tăng trưởng này đạt 29%.

Điều đó cho thấy tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thực sự rất lớn. Các dịch bệnh có thể giảm đà tăng trưởng chứ không ngăn sự tăng trưởng của thị trường này.

Để giữ đà tăng trưởng, các công ty bảo hiểm nhân thọ cần làm gì?

Các công ty bảo hiểm nhân thọ cần có những giải pháp thích nghi với bối cảnh chẳng hạn như: tăng cường quản lý từ xa, dùng hệ thống online để hỗ trợ đội ngũ kinh doanh, triển khai các chương trình thi đua phù hợp.

“Virus Corona gây ra những tác động trái chiều đến ngành bảo hiểm Việt Nam“ ảnh 1

Đội ngũ kinh doanh bảo hiểm Best Life đi gặp gỡ khách hàng nhưng không quên đeo khẩu trang.

Liệu dịch virus Corona tại Việt Nam có khiến chi phí bồi thường tại các công ty bảo hiểm (bao gồm cả nhân thọ lẫn phi nhân thọ) tăng lên không, thưa ông?

Tôi không cho rằng chi phí bồi thường sẽ bị tăng lên đáng kể bởi vì hiện nay chính phủ đang kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn. Đơn cử, tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành ủy Thành Phố Hồ Chí Minh đã công bố sẽ chịu chi phí điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus Corona tại thành phố này.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng có thông báo là sẽ tạo điều kiện cho những người có Bảo hiểm y tế được điều trị thuận lợi trong trường hợp nhiễm virus Corona nhưng "phải đúng theo quy định của Bảo hiểm y tế".

Ngoài ra, việc hạn chế đi lại của người dân sẽ góp phần làm giảm tai nạn và gián tiếp giảm chi phí bồi thường cho các nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn con người và các loại hình bảo hiểm xe cơ giới.

Tuy chi phí bồi thường tăng không đáng kể nhưng liệu có ảnh hưởng đến kết quả của công ty bảo hiểm?

Theo tôi, kết quả kinh doanh của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đầu tiên có thể kể đến là việc sụt giảm doanh số trong các mảng như: bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu. Mảng bảo hiểm xây dựng còn chịu tác động kép của dịch bệnh và sự khó khăn của thị trường bất động sản.

Ông có nghĩ hiểm họa của dịch bệnh sẽ khiến nhu cầu được bảo hiểm gia tăng? Loại sản phẩm bảo hiểm nào sẽ đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian tới?

Theo tôi, mặc dù thuộc “miễn trừ” (do đây là bệnh đại dịch do WHO công bố) nhưng sau khi nhiều công ty bảo hiểm nhân thọ như Prudential, Manulife, AIA, Daichi, Fubon, Sun Life, FWD, Hanwha Life, Aviva, BIDV Metlife, Cathay…, hay phi nhân thọ như PTI, Bảo Minh, BSH, Bảo Việt…  lên tiếng về việc sẽ chi trả bồi thường (nếu có), cũng như hỗ trợ tài chính đặc biệt cho người mắc bệnh nCoV, nhu cầu bảo hiểm cá nhân sẽ tăng.

Vì vậy, có không ít người dân đã chủ động tìm đến bảo hiểm.

Các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe theo tôi vẫn sẽ là những sản phẩm thu hút được sự quan tâm của đại bộ phận dân chúng.

Tin bài liên quan