Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2019, dư nợ tín dụng vào các dự án xanh lên tới 310.600 tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 6/2019, dư nợ tín dụng vào các dự án xanh lên tới 310.600 tỷ đồng.

Vốn sẽ chảy mạnh vào lĩnh vực năng lượng xanh

(ĐTCK) Việt Nam đang là một trong những quốc gia có chính sách ưu đãi bậc nhất đối với ngành năng lượng tái tạo trong khu vực.

Khơi thông dòng vốn tín dụng ngân hàng

Chia sẻ tại Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2019, ông Simon James, cố vấn Chương trình Khí hậu và năng lượng WWF Việt Nam cho biết, đến năm 2035, nhu cầu về điện của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 130 GW so với năm 2015.

Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hoá thạch và thuỷ điện đã khai thác gần hết tiềm năng, năng lượng tái tạo là cứu cánh lớn để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng liên tục.

Báo cáo viễn cảnh ngành năng lượng của WF cho thấy, việc chuyển đổi sang 100% năng lượng tái tạo vào năm 2050 là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, để làm được điều này, ngành năng lượng tái tạo cần các chính sách thích hợp và được hỗ trợ về tài chính. Theo WWF, để đáp ứng nhu cầu về điện, Việt Nam cần khoảng 7,8 - 9,6 tỷ USD đầu tư mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2030.

Ðáng chú ý, việc xây dựng các nhà máy điện mặt trời hoặc điện gió sẽ rẻ hơn xây dựng nhà máy điện than trong thời gian tới (khoảng năm 2020 - 2021).

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, giảm thiểu chi phí và theo đuổi con đường phát triển bền vững, việc thúc đẩy dòng vốn chảy vào lĩnh vực năng lượng tái tạo là hành động thiết thực.

Về việc khơi thông dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực năng lượng xanh, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Cùng với đó, cơ quan này cũng ban hành Quyết định số 1552/QÐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã hợp tác với Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) xây dựng bộ hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ðặc biệt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QÐ-NHNN về việc phê duyệt Ðề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Ðề án 1064) nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo đề án, phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;

100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng.

Doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo nhận nhiều ưu đãi về lãi suất tín dụng, miễn thuế thuê/sử dụng đất, miễn thuế nhập khẩu các tài sản cố định; ưu đãi thuế doanh nghiệp (miễn thuế trong 4 năm đầu, giai đoạn 9 năm tiếp theo giảm thuế 50%); có thể ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN kỳ hạn 20 năm…

Với những chính sách cụ thể này, số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, đến hết tháng 6/2019, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 310.600 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2018; trong đó, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm 15% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Ðáng chú ý, thời điểm giữa năm 2018, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh mới đạt 180.000 tỷ đồng, nhưng đã tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Một số ngân hàng đã tích cực triển khai các dự án tài chính xanh cho khu vực tư nhân, trong đó có những nhà băng đi tiên phong như Vietcombank, VietinBank, HD Bank…

Theo ông Bùi Ðức Minh, Phó phòng Vốn tín dụng quốc tế Vietcombank, Ngân hàng có các sản phẩm riêng biệt tài trợ dự án năng lượng mới bằng nguồn vốn của các nhà tài trợ quốc tế.

Tính tới cuối năm 2018, tổng số vốn Vietcombank giải ngân cho các dự án năng lượng là 26.929 tỷ đồng. Các dự án triển khai khá hiệu quả, với 3/4 số dự án đã đi vào vận hành thương mại, đem lại nguồn thu ổn định, trả nợ gốc và lãi đầy đủ, đúng hạn.

Một số dự án Vietcombank đang triển khai gồm Nhà máy Ðiện mặt trời Krong Pa (Gia Lai), Nhà máy Ðiện mặt trời Hàm Phú 2 (Bình Thuận), Nhà máy Ðiện mặt trời Gelex Ninh Thuận (Ninh Thuận), Nhà máy Ðiện mặt trời Srêpôk (Ðắk Lắk), Nhà máy Ðiện mặt trời BP Solar 1 (Ninh Thuận)…

Tuy nhiên, thực tế, mới có một số ít ngân hàng triển khai các dự án tài chính xanh cho khu vực tư nhân và việc tiếp cận nguồn vốn này cũng không hề dễ dàng.

Ông Sơn cho biết, dòng chảy tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp một số rào cản, trước hết là nguồn vốn của các nhà băng còn hạn chế. Ðể cho vay lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngân hàng phải tìm tới sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi tỷ lệ tiếp cận được còn thấp.

Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo là lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Các nhà băng gặp khó khăn về năng lực, kinh nghiệm thẩm định, đánh giá dự án, cũng như khách hàng vay.

Không riêng tại Việt Nam, tại các thị trường mới nổi khác, trong đó có Phillipines, quốc gia có sự phát triển mạnh tại lĩnh vực năng lượng tái tạo, ngành ngân hàng cũng mất vài năm để có sự chuyển dịch từ mô hình cho vay thông thường sang tài trợ dự án.

Do đó, tại thời điểm hiện tại, việc cho vay các dự án năng lượng tái tạo còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro riêng của mỗi nhà băng.

Nhu cầu đầu tư lớn

Chia sẻ góc nhìn từ vị trí doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Duy Thịnh, Giám đốc tư vấn dự án, Công ty cổ phần Solar ESCO cho biết, có 3 lý do chính khiến ngành năng lượng tái tạo có bước phát triển nhanh và mạnh trong thời gian gần đây.

Thứ nhất, chí phí dành cho năng lượng điện của doanh nghiệp không ngừng gia tăng. Riêng trong năm 2019, giá điện đã tăng 8,36% và xu hướng này chưa có dấu hiệu chậm lại.

Do đó, việc đầu tư cho các nguồn năng lượng thay thế, bao gồm điện gió, điện mặt trời là cần thiết, nhất là khi chi phí đầu tư cho hệ thống năng lượng mặt trời ngày càng đi xuống, công nghệ lưu trữ điện mặt trời cũng phát triển hơn.

Thứ hai, trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư vào thị trường Việt Nam có diễn biến tích cực hơn.

Dòng vốn này thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường lớn như Liên minh châu Âu, các quốc gia G7…

Trong khi đó, đây là các thị trường có đòi hỏi cao, yêu cầu về chứng chỉ sử dụng năng lượng sạch với các sản phẩm nhập khẩu. Bởi vậy, đây trở thành động lực để nhiều doanh nghiệp có bước chuyển mình, đầu tư nhiều hơn vào việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ ba, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng, tác động mạnh tới đời sống hiện tại của con người. Ðiều này làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, cũng như các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ và sản xuất các sản phẩm.

Nhờ đó, ngành năng lượng tái tạo nhận được sự chú ý cần thiết để đẩy mạnh tốc độ phát triển. Một khi có tín hiệu tích cực từ nhu cầu, nhà đầu tư sẽ sớm tham gia thị trường năng lượng tái tạo để tạo nguồn cung.

Ðánh giá về mức độ hấp dẫn của đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam, ông Andrew Affleck, sáng lập viên và đối tác quản lý của Armstrong Asset Management cho rằng, nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi tiềm năng khai thác và phát triển lớn của thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có chính sách rõ ràng, ưu đãi bậc nhất đối với ngành năng lượng tái tạo trong khu vực.

Chẳng hạn, Việt Nam có Quyết định 11/2017/QÐ-TTg và Quyết định 02/2019/QÐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Thông tư 16/2017/TT-BCT về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo nhận nhiều ưu đãi về lãi suất tín dụng, miễn thuế thuê/sử dụng đất, miễn thuế nhập khẩu các tài sản cố định; ưu đãi thuế doanh nghiệp (miễn thuế trong 4 năm đầu, giai đoạn 9 năm tiếp theo giảm thuế 50%); có thể ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN kỳ hạn 20 năm…

Ðáng chú ý, công ty Việt Nam với 100% sở hữu nước ngoài hoặc các dự án theo mô hình PPP được phép đầu tư vào năng lượng tái tạo… Ðây là lý do dòng vốn đầu tư lớn từ nước ngoài đã chảy vào thị trường năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời trong thời gian qua.

“Armstrong Asset Management đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam nhiều hơn bất kỳ thị trường nào khác tại châu Á. Việt Nam có các chính sách ưu đãi đầu tư rõ ràng cho lĩnh vực năng lượng tái tạo và điều này mang lại sức hấp dẫn tích cực với các nhà đầu tư”, ông Andrew Affleck cho biết.

Tin bài liên quan